Có ý kiến cho rằng, do khóa học dạy miễn phí nên có đông người học. Nhận xét này quả không sai. Tuy nhiên, nếu chỉ xét khía cạnh học phí thôi thì chưa thấu đáo. Bởi, học thủ ngữ để có thể giao tiếp với người câm điếc không hề đơn giản, đòi hỏi sự kiên nhẫn và quá trình tập luyện. Hơn nữa, ở đây còn thể hiện cái tâm của người học (tất nhiên là cả người dạy). Chẳng ai bắt ép các bạn trẻ đến với khóa học này. Chính nhu cầu tìm hiểu cái mới, đặc biệt là mong muốn tự mình trò chuyện trực tiếp với người câm điếc để đồng cảm hơn với họ, đã thôi thúc học viên tự nguyện tham gia.
Gần đây, một chương trình khác liên quan đến người khuyết tật cũng có sự dự phần, vào cuộc nhiệt thành của nhiều sinh viên và người đã đi làm. Đó là dự án Bản đồ tiếp cận do Trung tâm khuyết tật và phát triển (DRD) khởi xướng thực hiện. Ròng rã hơn 1 năm trời (từ tháng 8.2011 đến cuối tháng 9.2012), hơn 100 tình nguyện viên đã dành tâm sức, thời gian đi khảo sát 1.800 công trình công cộng (trường học, bệnh viện, nhà hàng...) tại 8 quận nội thành trên địa bàn TP.HCM. Trên cơ sở đó, DRD đã thiết kế những tấm bản đồ chỉ dẫn những điểm, hạng mục mà xe lăn có thể tiếp cận được.
Trong dự án trên, một hoạt động đặc biệt gây ấn tượng chính là mời những người “bình thường” trải nghiệm với chiếc xe lăn. Thực tế, có không ít người đã nặng lời trách móc: “Tự nhiên lại đi nói chuyện xui xẻo, bộ muốn “trù ẻo” tui hả!”. Ngược lại, cũng có nhiều bạn trẻ và người dân hưởng ứng nhiệt thành. Sau sự trải nghiệm ấy, hầu như ai cũng nhận ra rằng: việc tự di chuyển trên xe lăn hoặc thậm chí là đẩy xe trợ giúp người khác là hoàn toàn không đơn giản. Từ đó, họ thật sự đồng cảm, thấu hiểu nỗi truân chuyên của người khuyết tật trong việc tiếp cận những công trình công cộng. Nhiều tình nguyện viên cho hay, họ thấy đau lòng khi chỉ có 78/1.800 công trình được khảo sát có một số hạng mục mà xe lăn có thể ra vào.
Nếu chủ động tìm hiểu, thậm chí đặt mình vào vị trí như là “người trong cuộc” sẽ có sự thấu cảm và sẻ chia thật sự. Còn nhớ cách đây vài tháng, nhiều người trong cộng đồng câm điếc tại TP.HCM đã bày tỏ phản ứng mạnh mẽ trước tình trạng thông dịch viên (là người bình thường) đã diễn đạt nội dung những bản tin trên ti vi bằng ngôn ngữ ký hiệu nhưng người điếc câm… không hiểu gì. Rõ ràng, những thông dịch viên đó lẫn nhà đài đã thể hiện sự quan tâm đến người khuyết tật. Tiếc rằng, sự quan tâm chưa thấu đáo như thế không chỉ làm giảm tính hiệu quả mà còn gây phản tác dụng.
N.L
>> Siri sắp "nói" thêm nhiều ngôn ngữ mới
>> Ngôn ngữ giới trẻ - Kinh hoàng!
>> Giao tiếp bằng ký hiệu không giúp trẻ phát triển ngôn ngữ sớm hơn
>> YouTube thêm 6 ngôn ngữ chèn phụ đề tự động
Bình luận (0)