Trong khách sạn ở Copenhaghen, thủ đô Đan Mạch, tôi đã đọc được mẩu thông tin rất thú vị: “Mỗi tàn thuốc lá bạn vứt ra đường là nhà nước tốn 2 krone (tương đương 8.000 đồng) để thuê người dọn. Tiền nhà nước là tiền đóng thuế của bạn. Nếu xả rác là bạn đang tự làm nghèo mình!”.
Cái mẩu tàn thuốc vứt đại ra đường có thể tự làm nghèo mình và góp phần làm nghèo đất nước. Chuyện cỏn con làm người ta giật mình. Bắt đầu bằng những việc nhỏ như vậy, từ một nước nông nghiệp nghèo khổ, xứ sở của “Cô bé bán diêm” đã vươn lên thành quốc gia hùng mạnh.
Đan Mạch là nước tiên phong trong công nghiệp sử dụng năng lượng sạch gồm điện gió và điện sinh học từ phân, rác, rơm rạ… chiếm gần 1/3 tổng sản lượng điện quốc gia. Việc sử dụng phân gia súc làm điện sinh học đảm bảo phân không thấm vào đất gây ô nhiễm nguồn nước. Khí mê tan từ phân độc hại gấp 20 lần khí CO2. Nhà máy chỉ mượn phân làm điện rồi trả phân đã xử lý cho nông dân làm phân bón. Tiện lợi đôi đường. Đan Mạch kiên quyết nói không với điện hạt nhân, cũng không ủng hộ thủy điện vì tổn hại môi trường dù giá thành rẻ hơn nhiệt điện. Đan Mạch đang quyết tâm: “Tới năm 2025, Copenhaghen là thủ đô đầu tiên của thế giới không thải khí CO2 vì sử dụng toàn năng lượng sạch”.
Những ngày này, thái tử Frederik đang thăm Việt Nam. Thái tử đã đi xe đạp vòng quanh hồ Hoàn Kiếm kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường. Ở Đan Mạch, mọi người đi làm bằng xe đạp để rèn luyện sức khỏe, tiết kiệm chi phí, giảm tai nạn giao thông và chống khí thải CO2. Các bộ trưởng cũng đi làm bằng xe đạp. Một ông hoàng ở xứ giàu có sang thăm nước nghèo, tự thân đạp xe vận động dân bản xứ hưởng ứng. Không có bộ trưởng nào của Việt Nam sát cánh với ông cả. Nhiều bộ trưởng từ lâu đã không còn biết đi xe đạp.
Từ câu chuyện mẩu tàn thuốc vứt ra đường ở Đan Mạch, lại nghĩ về Việt Nam. Rác xả khắp nơi vô tội vạ. Rồi còn phóng uế bừa bãi, viết vẽ bậy và nhiều tệ nạn xã hội khác. Những việc đó không chỉ góp phần làm nghèo đất nước mà còn bôi xấu hình ảnh quốc gia. Ai cũng biết, thủ phạm làm nghèo đất nước là sự dốt nát về quản lý và chăm bẵm lợi ích cục bộ; là nạn nhũng nhiễu tham ô; là sự lãng phí từ chất xám, thời gian đến công sức và tiền bạc; là thái độ vô trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng và những hành vi trái pháp luật…
Mọi tiền bạc và tài sản của nhà nước đều từ tiền thuế của nhân dân. Người xưa từng dạy: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Nhà nước có trách nhiệm của nhà nước, công dân có trách nhiệm của công dân. Xin đừng đổ lỗi cho nhau kiểu “công dân trách nhà nước quản lý tồi, nhà nước chê công dân ý thức kém”. Hãy bắt đầu từ việc nhỏ, rất nhỏ mà thiết thực và ai cũng có thể làm được. Đó là “bỏ rác đúng nơi quy định và giữ gìn vệ sinh môi trường”.
Bài học vươn lên cường thịnh của Đan Mạch bắt đầu từ những việc nhỏ như vậy.
Nguyễn Văn Mỹ
Bình luận (0)