Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 20.4, Bộ GD-ĐT công khai số điện thoại đường dây nóng và email “kêu gọi” người dân hãy lên tiếng phản ánh và hứa sẽ xử lý nghiêm nếu có hiện tượng ép học sinh (HS) có học lực không tốt không được dự thi vào lớp 10.
DAD |
Chiều 21.4, một đại diện của Bộ GD-ĐT chia sẻ với PV Thanh Niên đã nhận được khá nhiều phản ánh của người dân về tình trạng này, trong đó chủ yếu là phụ huynh có con học ở Hà Nội. Họ gọi điện, gửi email dù giấu tên nhưng nêu rõ tên trường, kể chuyện được giáo viên (GV), nhà trường “gợi ý” hoặc thúc ép ra sao về việc không nên thi vào lớp 10 trường công lập mà nên chọn một trường tư thục xét tuyển học bạ hoặc trường dạy nghề theo hình thức “9 +”… Vị này cho biết tất cả các thông tin trên sẽ được Bộ tập hợp đầy đủ, chi tiết xử lý theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ chứ không chỉ nghe thông tin báo cáo một chiều từ phòng hoặc sở GD-ĐT.
Sau một loạt bài phản ánh của Báo Thanh Niên về hiện tượng này, bạn đọc (BĐ) cũng đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện mà chính họ là người trong cuộc. Một BĐ viết: “Là một GV đang dạy lớp 9 ở TP.HCM, tôi có một số đồng cảm với nhà trường. Bệnh thành tích rất nặng nề. Quận luôn đưa ra chỉ tiêu trên 85% HS có đi thi lớp 10 trong quận để có thành tích so với các quận khác. Nếu trường nào có số HS đậu ít thì năm sau phòng giáo dục sẽ về dự giờ các GV trường đó”.
Cũng theo BĐ này, GV chủ nhiệm luôn biết năng lực của từng em nên thường hướng những em có học lực yếu đi học trường dân lập hoặc học nghề để không ảnh hưởng đến chỉ tiêu của trường và lớp.
Không “gợi ý” sao có số đẹp “100%” để báo cáo
“Thật ra chuyện này không mới. Hàng chục năm trước, cháu tôi học lớp 12 trường ngoài công lập cũng được thầy cô kêu lên “gợi ý tự nguyện” chuyển trường khác, lý do là trình độ cháu “yếu quá”, nếu thi tốt nghiệp cũng không đỗ. Một số cháu khác cũng được “gợi ý” như thế. Không nói thì ai cũng biết, nếu các cháu này mà thi thì trường không thể có số đẹp “100% HS đỗ tốt nghiệp” để báo cáo. Bây giờ thì đến các cháu lớp 9 mà Báo Thanh Niên đã nêu. Đọc bài báo mà đau lòng. Sao lại nhẫn tâm tước đi cơ hội học tập của các cháu như thế?”, BĐ N.V.H bức xúc cho biết.
Cùng quan điểm, BĐ An cho biết: “Đừng tưởng chỉ trường công lập mới “gợi ý” chuyển trường, có trường dân lập cũng “gợi ý”… Có cháu không vào được công lập, phải học dân lập mà cũng được “gợi ý” tiếp, vậy thì sẽ học ở đâu?”.
“Một lớp học thì có HS giỏi, trung bình hoặc yếu là bình thường. Tuy nhiên, tương lai của các cháu hãy để cha mẹ các cháu và các cháu quyết định. Thầy cô, nhà trường chỉ nên tư vấn thôi, tuyệt đối không được bắt ép dưới mọi hình thức. Đừng vì thành tích của trường, của thầy cô mà cho mình cái quyền tước mất cơ hội học tập của các cháu, tội lắm!”, BĐ Tiến Thắng bày tỏ.
Làm sao chữa được bệnh thành tích?
Nói về bệnh thành tích, BĐ Bình Dân Nguyễn nêu vấn đề: “Những HS yếu thì khả năng thi vào lớp 10 sẽ không đỗ. Nếu có HS đi thi có điểm 0 thì trách nhiệm đổ lên đầu hiệu trưởng, hiệu trưởng sẽ đổ lên đầu GV, bắt GV phải viết tường trình… Tóm lại, tất cả đều do bệnh thành tích mà ra. Trị được tận gốc căn bệnh thành tích trong giáo dục thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề. Tuy nhiên, chẳng có ai dám can đảm để mà thay đổi đâu, cơm áo gạo tiền, giấy khen, bằng khen đều từ thành tích mà có đó”.
BĐ Hoang Nguyen Nguyen cũng bày tỏ: “Tôi hoàn toàn tán đồng ý kiến của nhà giáo Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội) nêu trong bài viết trên Báo Thanh Niên. Ngành giáo dục phải kiên quyết “5 bỏ” để giảm áp lực cho GV và nhà trường. Như vậy có thể sẽ trị được căn bệnh thành tích lâu nay. Theo tôi, nên làm một cuộc khảo sát rộng rãi trong ngành giáo dục, sẽ thấy nhiều điều thiết thực “cần làm” và nhiều điều thực sự “cần bỏ”, để ngành giáo dục phát triển mạnh mẽ”.
Còn BĐ Thoabinh thì cho rằng: “Bệnh thành tích không chỉ trong giáo dục đâu. Chúng ta cần mạnh dạn bỏ ngay càng sớm càng tốt. Giáo dục cần quản lý chặt về chất lượng”.
* Chưa có người bị xử lý về bệnh thành tích thì chuyện này sẽ còn tiếp diễn.
Andy Quách
* Theo tôi thì nên thanh, kiểm tra các trường đạt thành tích cao thường xuyên và xử lý nghiêm thì sẽ hết bệnh thành tích thôi.
Nguyễn Bình An
* Biết bệnh thành tích đó, nhưng cần xác định cho được ai là người “nhiễm bệnh” thì mới trị tận gốc được.
Nguyễn Tú
* Đánh giá thi đua muốn thực chất là phải đánh giá bản thân Ban giám hiệu nhà trường. Thông qua cách điều hành, sáng kiến giáo dục, cách giáo dục nhân văn, điều hành GV, chăm lo đời sống CB-CNV..., chứ không phải “đè đầu” HS ra mà thi đua lấy thành tích cho bản thân mình.
Anh
Bình luận (0)