Dương Đại Thắng tóc tết lẫn sợi vải rồi búi cao, tay có nhiều hình xăm, đeo một thùng rác màu xanh đi vui vẻ trên phố sách 19.12 (Hà Nội). Thắng không đi một mình mà cùng một nhóm bạn cũng đầu tóc đặc biệt như anh. Người tóc nhuộm xanh, người lại buộc thành củ hành nho nhỏ trên đỉnh đầu, người tóc màu bạch kim sáng trắng. Tất nhiên, họ đều đeo thùng rác trên lưng, trên mỗi chiếc thùng đều có dòng chữ “Thêm một người nhặt rác - Bớt một người xả rác”.
Họ là nhóm những người trẻ tại salon tóc Justin M. Cứ thứ 7 hàng tuần, trong gần 1 năm qua, người đi dạo trên phố đi bộ hồ Gươm (Hà Nội) đều gặp nhóm này đi nhặt rác, lau nắp thùng rác. Nhóm đã được chọn để trở thành mẫu cho tác phẩm nghệ thuật bằng nhựa trong của Nguyễn Minh Hiếu, trưng bày tại triển lãm Tôi giữ vẻ đẹp, tổ chức trên phố sách từ ngày 7 - 12.12.
“Đầu tiên, chúng tôi chỉ định đi nhặt rác thôi. Xong, chúng tôi tìm hiểu thì thấy các nắp thùng rác rất bẩn. Rác hay bị vứt cạnh thùng. Từ hai điều đó, chúng tôi nghĩ mình nên thay đổi nắp thùng rác. Tôi dùng nước xịt kính và khăn để đi lau các nắp thùng rác để người ta nhấc lên không ngại. Sau khi vệ sinh xong, chúng tôi dán vào dòng chữ “Chạm đi tôi sạch mà”, ghi rõ ở đấy để cho mọi người biết. Sau đó được mọi người chấp nhận, không ngần ngại khi vứt rác nữa. Họ bắt đầu vứt rác vào thùng nhiều hơn”, Đại Thắng nhớ lại.
tin liên quan
Gần 5.000 người dân Đà Nẵng ra quân làm sạch thành phố đón APECSáng 28.10, gần 5.000 người dân Đà Nẵng đã ra quân dọn vệ sinh dọc các tuyến đường, khu dân cư ven biển sẵn sàng đón sự kiện APEC 2017.
Anh Thắng cho biết, với những bộ tóc rất thời thượng của những người làm salon tóc, thoạt tiên nhiều người đi bộ ở hồ Gươm khó chịu với ngoại hình của nhóm. “Họ nhìn và cho rằng chúng tôi trẻ và nổi loạn. Tôi lại thích mọi người nghĩ về chúng tôi như vậy. Vì những cái chúng tôi làm lại ngược lại với cái mọi người nghĩ. Chúng tôi muốn làm điều nhỏ và ý nghĩa cho mọi người, làm đẹp cho mọi người, cho môi trường”, Thắng chia sẻ.
Chính vì thế, vào ngày cuối tuần - cao điểm của việc mọi người đi làm tóc, thì nhóm của anh Thắng lại thu xếp sao để có thể nghỉ sớm hơn để đi nhặt rác hồ Gươm. Theo Thắng, như thế có nghĩa là sẽ phục vụ được ít khách hơn trong dịp cuối tuần, song không còn cách nào khác, vì phố đi bộ cũng chỉ mở vào cuối tuần. Trong khi đó, rác ở địa điểm này thì nhiều: từ que kem đến đầu mẩu thuốc lá, cốc, chai, túi ni lôn.
Văn hóa và môi trường
Trong triển lãm Tôi giữ vẻ đẹp, ngoài câu chuyện đeo thùng rác của nhóm anh Thắng, có nhiều người làm việc tốt cho cộng đồng, có nhiều vấn đề môi trường cũng được đưa ra.
|
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Thanh, giải vàng ảnh Báo chí châu Á, cũng mang tới nhiều bức ảnh về vẻ đẹp văn hóa đan xen với thách thức về môi trường. Chẳng hạn, ông Thanh chụp một bức tường tivi cũ ở làng Đường Lâm - một di tích quốc gia đặc biệt, cũng là khu du lịch. “Họ mua về rồi dỡ ra bán từng phần, phân kim nữa. Nó sẽ ảnh hưởng tới vẻ đẹp và môi trường du lịch”, ông Thanh nói. Một tác phẩm khác của Việt Thanh lại chụp những lò đun gốm ở làng nghề Phù Lãng (huyện Quế Võ, Bắc Ninh). Theo ông, ở đó củi được đưa vào đốt rất nhiều, trong khi đó việc gas hóa toàn bộ làng nghề còn xa vời.
|
Nhóm sinh viên đến từ Học viện Arena Multimedia đem đến triển lãm tác phẩm Cánh đồng hoa - một tác phẩm sắp đặt mang tính nghệ thuật và nét hiện đại riêng được làm từ vật liệu tái chế như chai, lọ, lon nước ngọt.
Họa sĩ Lê Thiết Cương, giám tuyển của triển lãm, cho biết: “Chúng tôi muốn tôn vinh những cái đẹp gần gũi như thiên nhiên, như những người xung quanh chúng ta. Hãy hạn chế tối đa việc tạo ra phế thải, rất nhiều thứ có thể tái sử dụng, và khi chúng ta ai cũng làm được như vậy, thiên nhiên, môi trường sống của chúng ta sẽ tươi đẹp hơn”.
Bình luận (0)