Dừng tuyển lớp 6 trường THPT chuyên: 'Khó như trả lại vỉa hè cho người đi bộ'?

07/03/2024 17:14 GMT+7

Hầu hết các ý kiến của bạn đọc Báo Thanh Niên bày tỏ sự ủng hộ dừng tuyển sinh lớp 6 trong trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Nhưng có bình luận hóm hỉnh ví việc này "khó như trả lại vỉa hè cho người đi bộ", quy định đã có mà không thực hiện được.

Sau khi đọc các bài viết trên Báo Thanh Niên về việc có thể các trường THPT chuyên như Hà Nội- Amsterdam (Hà Nội), Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) sẽ phải dừng tuyển sinh lớp 6, rất nhiều bạn đọc đã bình luận bày tỏ sự ủng hộ. Việc này nhằm thực hiện đúng luật Giáo dục và thông tư quy định về trường THPT chuyên hiện hành.

Dừng tuyển lớp 6 trường THPT chuyên: 'Khó như trả lại vỉa hè cho người đi bộ'?- Ảnh 1.

Kỳ thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) năm trước

NHẬT THỊNH

Bạn đọc (BĐ) tên Vu Dinh bình luận ngắn gọn: "Khó như việc trả lại vỉa hè cho người đi bộ!". Đây là sự so sánh hóm hỉnh, phản ánh đúng thực trạng hiện nay về sự tồn tại của hệ THCS trong 2 trường THPT chuyên. Dù quy định từ lâu đã không cho phép nhưng việc dừng tuyển lớp 6 trường THPT chuyên lại có vẻ rất khó khăn. Điều này cũng giống như việc trả lại vỉa hè cho người đi bộ vậy, lâu nay chỉ nói mà không thực hiện được.

BĐ Bình Thanh đặt câu hỏi: "Tại sao cứ phải là trường chuyên mới tốt, mới giỏi, xuất sắc, còn các trường khác chắc tệ… Tôi không hiểu tại sao người lớn cứ ép và tạo áp lực lên con trẻ… Nhìn các con đi học mà không có thời gian vui chơi, khám phá thế giới xung quanh thật sự quá buồn...".

BĐ Viet Quoc Long thì cho rằng, "điều đáng "sốc" là các bé đã mất rất nhiều thời gian để luyện thi, thường là phải từ lớp ba. Thường với nội dung đề thi vào trường chuyên lớp 6 không luyện rất khó đậu, trừ rất ít các cháu có năng lực vượt trội".

BĐ tên Chánh góp ý: "Đừng tạo áp lực cho trẻ em. Hãy trả lại tuổi thơ cho chúng trước khi quá muộn".

Đặc thù hay đặc quyền, đặc lợi?

BĐ Duc Nguyen Viet đặt vấn đề: "Nếu những kiến thức đã học chỉ có tác dụng để thi kỳ thi này thì đúng là có lẽ lãng phí công sức đã học, nhưng rút cuộc thi xong thì những kiến thức đó cũng có tác dụng gì cho con đường học tập trong tương lai đâu, lãng phí trước hay sau kỳ thi cũng như nhau thôi. Luật pháp quốc gia không phải trò chơi để lách luật. Đặc biệt, đặc thù hay đặc quyền đặc lợi?".

BĐ Nguyễn Nghiêm viết: "Từng nghe ý kiến của một nhà quản lý cấp cao: "Thời này mà còn nói phổ thông chuyên là lạc hậu lắm". Học để thi, thi để học - cái vòng xoáy không hồi kết. Ở đó, có những đứa trẻ tội nghiệp: chúng không có tuổi thơ!".

Cũng theo BĐ này: "Chất lượng cao là đúng nhưng không phải là cách để làm trái, là cách để suy diễn luật theo ý chủ quan. Và cái mục tiêu chuyển đổi nền giáo dục từ hàn lâm, ứng thí, chuyên môn hóa sớm thành nền giáo dục phát triển năng lực con người sẽ là gì khi bị khái niệm "chất lượng cao" phủ định?

Hãy ủng hộ quan điểm vì một nền giáo dục tiến bộ, bình đẳng, khai phóng, vì sự phát triển năng lực con người; hãy đảm bảo tính toàn diện, không chuyên môn hóa lệch lạc trong giáo dục phổ thông!".

Dẫn nội dung trong bài báo: "Vì nguyện vọng đặc biệt nên từ lớp 1 gần như cháu không có một kỳ cuối tuần hay nghỉ hè nào trọn vẹn bởi lịch học thêm, ôn luyện để đạt nguyện vọng này. Từ lớp 3, lịch học của con chị còn dày đặc hơn. Không chỉ có cháu vất vả mà cả gia đình cũng phải cùng một guồng quay", một bạn đọc bình luận: "Đọc như thế này cho thấy việc dừng chủ trương tuyển lớp 6 trường Ams là hoàn toàn chính xác!".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.