Chỉ vì "check in" mà làm phiền cư dân
Mới đây hẻm 139 Lý Chính Thắng, Q.3 (TP.HCM) được cộng đồng mạng nhắc đến nhiều nhất. Nhiều cư dân mạng, bạn trẻ tự đặt tên cho nơi đây với cái tên "hẻm Hàn Quốc", bởi những bạn trẻ tìm đến chụp ảnh và với khung cảnh nơi đây không khác gì các cảnh trong phim Hàn. Đồng thời, nơi đây được nhiều TikToker đăng tải nhiều video clip giới thiệu về địa điểm này. Điều này làm cho giới trẻ ngày càng tò mò hơn và kéo đến đây ngày một đông gây náo loạn, ồn ào, vô tư xả rác, thay quần áo bên đường… khiến cư dân tại nơi đây phải lên tiếng về sự phiền hà của những người trẻ.
Còn nhớ cách đây hơn 2 năm, hẻm Hào Sĩ Phường nằm trên đường Trần Hưng Đạo B, Q.5, TP.HCM cũng trở thành "nạn nhân" của sự phiền hà đến từ những người trẻ thiếu ý thức. Hẻm Hào Sĩ Phường đã tồn tại hơn 100 năm giữa lòng thành phố. Hẻm vẫn giữ nguyên được kiến trúc độc đáo từ thuở ban đầu. Nhiều đoàn làm phim đã chọn con hẻm này làm bối cảnh để quay phim và quảng cáo. Cũng từ đó, được nhiều bạn trẻ biết đến và là địa điểm chụp hình nổi tiếng.
Tuy vậy, hồi đầu tháng 8.2020, cư dân tại đây đã phải treo bảng: "Yêu cầu không được quay phim, chụp hình ở đây. Cảm ơn!". Nguyên nhân do các bạn trẻ đến chụp hình rất ồn ào, thường xuyên vứt rác bừa bãi. Có người còn lấy đồ đạc của các hộ gia đình để mang về mà không xin phép. Dù đã được nhắc nhở nhưng không phải ai cũng có ý thức giữ vệ sinh, trật tự.
Trong khi đó, nhiều năm trước đây, cũng ở chung cư Tôn Thất Đạm, Q.1, TP.HCM đã treo bảng cảnh báo gần như tương tự hẻm Hào Sĩ Phường và yêu cầu đóng phí nếu quay phim chụp ảnh. Bởi nơi đây thu hút khách du lịch, người trẻ tới thăm nhờ lối kiến trúc đẹp cùng loạt cửa hàng thời trang, quán cà phê đậm chất cổ điển. Từ khi các bạn trẻ kéo đến đây đã làm phiền cư dân, ngày đêm chụp ảnh. Bên cạnh đó là việc các nhóm bạn trẻ đến đây nhưng thiếu ý thức, xả rác bừa bãi, làm ồn, xáo trộn vật dụng của cư dân...
Ngoài ra, ở chung cư Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM cũng treo biển cấm quay phim chụp ảnh cũng với lý do tương tự.
"Luôn tự nhắc mình phải ý tứ hơn với người dân xung quanh"
Là người yêu thích chụp ảnh, Phạm Nguyên Bảo (25 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) thường lân la ở nhiều nơi nêu trên để thực hiện những bộ ảnh của mình. Bảo nói rằng khi đến chụp nhiều người dân, người buôn bán luôn cảm thấy khó chịu vì bị ảnh hưởng. Do đó, trước khi đến phải xem nơi đó ra sao, văn hóa địa phương thế nào rồi mới tiến hành chụp. Không những vậy, trong lúc chụp Bảo luôn tự nhắc mình phải ý tứ hơn với người dân xung quanh.
"Như phố lồng đèn đường Lương Nhữ Học, Q.5 (TP.HCM) hằng năm mình cũng đến để chụp ảnh. Nhưng nếu chụp ở nơi nào mà thấy có ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của người khác thì mình sẽ mua ủng hộ họ trước, rồi xin phép chụp ảnh sau", Bảo chia sẻ.
Phan Phú Mỹ (28 tuổi) ngụ ở đường Nguyễn Công Hoan, P.7, Q.Phú Nhuận (TP.HCM), nhìn nhận đây là sự thiếu ý thức của những người trẻ hiện nay.
Có thể những góc phố, chân cầu thang, hành lang chung cư mang tính chất nghệ thuật cần được lưu giữ bằng những bức ảnh. Nhưng một người chụp được thì nhiều người khác cũng làm theo và không phải ai đến cũng đều có ý thức giữ gìn nơi mình đến. Do vậy, đừng vì vài bức ảnh "check in" mà làm phiền đến người khác.
Bình luận (0)