Bạn đọc cho rằng, vấn đề đã được nhận diện, việc cần làm là đặt ra giải pháp, lộ trình thực hiện một cách toàn diện.
Tại buổi tọa đàm “Xe máy - Metro - Những thách thức trong giao thông” mới đây, PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển GTVT Việt Đức, cho biết trong 20 năm từ 1995 - 2016, số lượng xe máy tại Việt Nam tăng khoảng 13 lần. Đáng chú ý, dù thu nhập của người dân ngày càng tăng, các hộ gia đình có nhu cầu mua ô tô nhưng cũng không bán xe máy. Đây là thách thức đối với việc phát triển giao thông công cộng (GTCC) của Việt Nam. Trong 10 yếu tố được đặt ra để lựa chọn phương tiện di chuyển, xe máy chiếm ưu thế ở 3 yếu tố: rẻ, nhanh, linh động. Đặc biệt, trong bối cảnh hệ thống đường sá hiện còn hạn chế, tính linh động làm cho xe máy trở thành phương tiện nổi trội hơn hẳn các phương thức di chuyển khác.
Xe buýt, xe cứu thương kẹt giữa dòng xe máy |
Trí Minh |
Nghiên cứu được Trung tâm nghiên cứu và phát triển GTVT Việt Đức thực hiện năm 2018, dựa trên kết quả khảo sát 2.000 người ở 6 đô thị lớn của Việt Nam cho kết quả: Giả định, đến 2030, nếu mạng lưới GTCC của thành phố phát triển theo đúng quy hoạch, khoảng 50 - 60% người dân vẫn chọn xe máy. Đặc biệt, vẫn có tới 70% người dân vẫn “bỏ phiếu” cho xe máy dù TP.HCM phát triển được mạng lưới đường sắt đô thị theo đúng quy hoạch đến 2030, tức có 6 tuyến metro. “Điều đó chỉ ra một thực tế rằng kể cả với mạng lưới GTCC phát triển theo đúng quy hoạch, xe máy vẫn là phương thức chủ đạo trong tương lai. Vì thế, người làm chính sách phải nhìn nhận xe máy một cách đa chiều để có những phương án thích hợp”, PGS-TS Vũ Anh Tuấn nhìn nhận.
Thói quen hình thành từ thực tế
Nhiều bạn đọc (BĐ) cùng quan điểm rằng, xe máy vẫn là phương tiện chủ đạo của người dân trong tương lai gần. Theo BĐ Phuong Nguyen: “Tôi thấy dù gì cũng khó bỏ được nhu cầu sử dụng xe máy ở nước ta. Tình trạng hỗn độn giao thông, trong đó xe máy có vẻ áp đảo nên nhiều người cứ đổ lỗi do xe máy. Nhưng hãy thử nhìn qua nhiều nơi khác như ở Đài Loan, xe máy vẫn lưu thông nhiều nhưng khá trật tự. Vì sao họ có được điều này thì chúng ta cần nghiên cứu”.
BĐ Phùng Tuấn cùng góc nhìn: “Còn rất lâu nữa chúng ta mới thay đổi được thói quen từ việc đi xe máy chuyển sang đi xe buýt, metro. Điều này đã thành phản xạ của rất nhiều người, cứ ra đường là chạy xe máy. Không chỉ để chủ động đi đến chỗ làm việc mà còn có thể thoải mái tạt ngang tạt ngửa dọc đường. Để điều chỉnh được tập tính này đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức, giải pháp”.
BĐ duongxa chỉ ra lý do góp phần vào việc người dân vẫn duy trì phương tiện xe máy: “Mạng lưới GTCC của chúng ta còn quá mỏng. Nếu bước ra khỏi nhà mà lên được xe buýt hoặc metro thì người dân không việc gì phải chạy xe máy dưới nắng mưa”. Tương tự, BĐ 2798 nhìn nhận: “Chuyên gia nói quy hoạch chỉ từ trạm metro đầu và xuống trạm metro cuối cùng. Còn làm thế nào để tới trạm metro đầu thì chuyên gia vẫn đang nghiên cứu. Nên 30% người dân chọn đi metro đã là chọn lựa rất tích cực rồi”.
Cần giải pháp tối ưu trong dài hạn
Theo BĐ, vấn đề giảm xe cá nhân, tăng phương tiện GTCC đã được đặt ra, việc cần làm là từng bước có chính sách kiểm soát, giảm số lượng xe cá nhân trong dài hạn. “Không thể cưỡng cầu ép giảm số lượng xe cá nhân xuống thấp ngay trong thời gian ngắn như ý muốn chủ quan của nhà quy hoạch được. Việc này là bất khả thi. Khả thi hơn là đặt mục tiêu cho từng giai đoạn, xây dựng được GTCC tiện lợi tới đâu thì hạn chế dần xe cá nhân tới đó”, BĐ Truong Thuan đề xuất. Tương tự, BĐ kevintrong cho rằng: “Đừng nghĩ cứ có GTCC rồi thì người dân sẽ chuyển qua đi xe công cộng. Vấn đề là sự tiện lợi, thoải mái. Nhưng muốn giảm xe cá nhân, trước hết phải tăng phương tiện GTCC lên đã rồi tính bước kế tiếp”.
Quy hoạch đô thị và cầu đường lâu nay vẫn luôn nhìn về xe máy thì trách ai? Nguyễn Hưng
Cái việc cấm xe máy cứ chần chừ hoài, không làm thì làm sao xe buýt phát triển, làm sao giảm bớt khí thải từ xe. Xe buýt cũng nên có một vài tuyến buýt nhỏ cỡ xe 16 chỗ để đi tới những đường nhỏ hơn. Nguyễn Vĩnh Phát
Theo tôi, yếu tố kinh tế quyết định. Ở các bãi xe khổng lồ của các trường đại học, giá giữ xe chỉ có 2.000 đồng. Nếu đi xe buýt hai chặng đi hai chặng về, vé sinh viên 8.000 đồng, vé metro cũng vậy. Nên tăng giá giữ xe máy lên để buộc người dân đi xe buýt và metro.
Nguyễn Văn Đông
BĐ Van Cao nêu ý kiến: “Đây là bài toán cực lớn, ảnh hưởng đa số người dân đô thị. Việc chủ quan, duy ý chí, nông cạn trong cách tiếp cận vấn đề sẽ chỉ gây ra thêm rắc rối và bức xúc trong nhân dân. Rất hy vọng TP.HCM có tính toán kỹ lưỡng để từng bước chuyển đổi hệ thống GTCC của siêu đô thị này”. BĐ Lê Cao Chi đề xuất: “Trải qua nhiều giai đoạn tích tụ thì mới có cảnh xe máy ùn ùn ở các thành phố lớn. Như vậy, thiết nghĩ chúng ta cũng cần nhiều quỹ thời gian để gỡ dần những rối rắm về xung đột giao thông hiện nay. Giờ không phải là lúc ngồi đổ lỗi xe máy quá nhiều hay trách cứ xe buýt quá ít. Cần những bàn tính, giải pháp tổng hòa tối ưu để áp dụng hiệu quả nhất vào thực tế giao thông”.
Bình luận (0)