Thống kê dân số năm 2009, mục Tuổi thọ bình quân tính từ lúc sinh của dân số Việt Nam (ở độ tuổi 0 tuổi) đối với nam giới là 70,2 năm, với nữ là 75,6 năm. Tôi muốn bàn việc xem xét tuổi nghỉ hưu của người lao động trên cơ sở các nghiên cứu dân số học, cụ thể là qua bảng sống, góp phần có cái nhìn toàn diện hơn là những lập luận mà báo chí tranh luận hiện nay đó là chuyện “vỡ quỹ bảo hiểm xã hội”.
Cán bộ hưu trí nhận lương hưu qua bưu điện tại tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: Đình Tuyển
Cứ theo kết quả tính toán này, nam giới Việt Nam có tuổi thọ bình quân thấp hơn nữ giới (bằng 92,86% so với nữ). Xem xét tuổi hưu trí được quy định trong luật Lao động Việt Nam, nam giới hết tuổi lao động ở tuổi tròn 60, nữ giới tuổi tròn 55 (không kể đặc thù ngành nghề, nơi lao động…). Ở tuổi 60, nam giới còn có thể sống thêm (kỳ vọng sống) 18,1 năm nữa, tuổi 55 nữ giới có kỳ vọng sống 24,5 năm - điều này có nghĩa số năm bình quân nam giới còn sống để hưởng hưu theo luật lao động bằng 73,88% so với phụ nữ. Cho nên, đứng trên góc độ dân số học, cần phải tăng độ tuổi nghỉ hưu của phụ nữ lên ít nhất bằng với độ tuổi nghỉ hưu của nam giới hiện nay. Đây cũng là một trong những yêu cầu của bình đẳng giới.
Giả dụ, tuổi nghỉ hưu của hai giới như nhau: tròn 60 tuổi, khi đó, kỳ vọng sống của nữ giới là 20,4 năm (so với 18,1 năm của nam giới) thì số năm có thể hưởng hưu của nam giới bằng 88,73% nữ giới. Nếu thời gian nghỉ hưu có thể của hai giới như nhau thì tuổi nghỉ hưu của nữ phải là 62 tuổi. Khi đưa ra điều này, chắc rất rất nhiều phụ nữ phản đối. Nhưng như tôi vừa trình bày, đây chỉ là giả định được tính toán trên bảng sống của Việt Nam năm 2009. Nhìn chung, ở nhiều nước, tuổi nghỉ hưu cả hai giới là ngang bằng.
Tuy nhiên, bàn đến tuổi nghỉ hưu không thể không tính đến tính chất nghề nghiệp. Các nghề lao động độc hại không thể có tuổi nghỉ hưu như những nghề nghiệp khác: họ phải được nghỉ hưu sớm hơn. Ngay trong một nghề nghiệp, cũng nên có sự khác nhau về thời gian tính tuổi nghỉ hưu. Chẳng hạn, trong giáo dục, các cô giáo làm việc trong các trường mẫu giáo, nhất là các cô nuôi dạy trẻ dưới 36 tháng tuổi khó có thể hành nghề tốt sau tuổi 50, thậm chí sau tuổi 45. Chúng ta lại không sẵn sàng chuyển nghề theo độ tuổi trong các trường hợp này và cũng cực kỳ khó vì việc chuyển đổi nghề nghiệp không là ưu tiên của người lớn tuổi (bản thân người lớn tuổi trong nhiều trường hợp cũng không phải là đối tượng ưu tiên tuyển dụng của các nhà tuyển dụng). Vì thế, cần phải có qui định dưới luật cho những lao động ngoài độ tuổi như chúng ta vẫn làm hiện nay (ví dụ: Nghị định 141 của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật Giáo dục đại học: người lao động có trình độ tiến sỹ có thể tiếp tục giảng dạy thêm 5 năm ngoài tuổi qui định nghỉ hưu nếu có sức khỏe và đơn vị sử dụng lao động cần; tương tự người có học hàm PGS thì thời gian có thể lao động thêm là 7 năm, GS là 10 năm).
Chuyện tăng độ tuổi lao động phải căn cứ vào nhiều yếu tố. Không nên chỉ nhìn nhận từ quỹ bảo hiểm xã hội mới mong việc sử dụng lao động có hiệu quả hơn.
Nguyễn Kim Hồng *
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà giáo công tác tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
>> Không đồng tình việc nâng tuổi nghỉ hưu
>> Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu chưa thuyết phục
>> Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu thêm 2 - 5 năm
>> Bức xúc vì tài sản kếch xù của quan chức nghỉ hưu
>> Cần cân nhắc khi tăng tuổi nghỉ hưu
>> Kéo dài' tuổi nghỉ hưu cho... cán bộ
Bình luận (0)