Mỗi ngày, những đầu nậu ở khu vực chợ biên giới Lạng Sơn bán hàng tấn dược liệu không rõ nguồn gốc, chất lượng cho các tiểu thương khắp trong nam ngoài bắc.
Nhiều loại dược liệu, thuốc nam, thuốc bắc được bày bán tại chợ Đông Kinh - Ảnh: Hà An
|
Tại các chợ biên giới ở Lạng Sơn như Tân Thanh, Đồng Đăng, Đông Kinh, Giếng Vuông, Kỳ Lừa... nhiều loại thuốc nam, thuốc bắc không rõ xuất xứ bày bán công khai, được quảng bá có công dụng chữa bách bệnh như thần dược. Những loại thuốc này đều được phơi khô, đóng gói trong túi ni lông, ngoài túi ghi dòng chữ giới thiệu tên gọi, công dụng, nhưng tìm mỏi mắt không thấy các thông tin về nguồn gốc. Những người bán nói thẳng “nhập lậu từ Trung Quốc”.
Ghi nhận của PV Thanh Niên những ngày đầu tháng 9 cho thấy, chợ Đông Kinh có cả chục gian hàng bày bán các loại thuốc nam, thuốc bắc được giới thiệu là chiết xuất từ cây mật gấu, lá xạ đen, quả la hán, dâm dương hoắc, ba kích tím, tam thất bắc, tam thất, mật nhân, sâu chít... với giá khá mềm. Cây thiên ma (trị bệnh xương khớp) giá 200.000 đồng/kg, ba kích tím 200.000 đồng/kg, sâu chít 150.000 đồng/kg, quả la hán giá 180.000 đồng/kg... Tuy nhiên, khi ngã giá, người bán sẵn sàng hạ xuống... chỉ còn một nửa.
Một số loại mệnh danh là “thần dược phòng the” cũng được bày bán tràn lan. Người không biết thì mua với giá 300.000 - 350.000 đồng/kg, nhưng ngã giá xuống một nửa, họ vẫn bán.
Ông Nguyễn Đức Nguyên (52 tuổi, ngụ H.Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), một người có thâm niên hàng chục năm trong nghề buôn đông dược, lý giải về “sự dồi dào” của nguồn hàng đông dược tại các chợ biên giới: “Chúng được nhập lậu từ Trung Quốc. Khi hàng nhập về kho với số lượng lớn, để tránh bị nấm mốc, hư hỏng, nhiều người tẩm ướp các chất bảo quản, chủ yếu là lưu huỳnh và một số chất tạo màu. Đông dược khi được tẩm chất bảo quản có thể để nhiều năm vẫn không hư hỏng”.
Trong khi đó, ông Trần Văn Long (65 tuổi), chủ một cơ sở kinh doanh đông dược tại khu vực chợ Đồng Đăng, lại khẳng định, phần lớn trước khi được nhập từ Trung Quốc về với giá rẻ, đều đã bị “hút” hết dược chất quý. “Với các loại nhân sâm là đẳng sâm, ba kích tím, tam thất... khi thu mua về, họ dùng máy quay ly tâm, quay với tốc độ vài nghìn vòng/phút để vắt sạch tinh chất, nhất là sâm. Tinh chất của sâm được bán cho các công ty dược trong nước của Trung Quốc. Còn bã của sâm lại được ngâm qua nước, nhằm giúp cho bã sâm tươi lại, có mùi vị sâm rồi sau đó đem bán lại cho các đầu nậu trong nước”, ông Long nói.
Khó quản lý?
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, cho rằng hiện nay các sản phẩm liên quan tới đông dược bày bán tại nhiều khu vực chợ biên giới tỉnh Lạng Sơn rất khó quản lý vì các thương lái chủ yếu bán từng loại riêng, không theo thang thuốc chữa bệnh. Để xử lý các mặt hàng này, phía quản lý thị trường phải phối hợp với ngành y tế mới có thể kiểm tra xem sản phẩm nào được lưu hành.
Tuy nhiên khi chúng tôi đặt câu hỏi về thời gian cụ thể các đơn vị liên ngành này vào cuộc xử lý thực trạng trên, thì lại không được ông Nghĩa trả lời.
|
Bình luận (0)