Ngày 6.3, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã khai trương phòng trưng bày nhận diện hóa, mỹ phẩm vi phạm trên thị trường, tại số 62 phố Tràng Tiền, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Không gian trưng bày giới thiệu hơn 500 sản phẩm của hơn 30 nhãn hiệu ngành mỹ phẩm, dược phẩm, thuốc… đang bị làm giả để bán trên các trang mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử mà lực lượng quản lý thị trường bắt giữ, xử lý trong thời gian qua.
Đáng lưu ý, theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, trong khoảng 1 năm trở lại đây, quản lý thị trường đã xử phạt, thu giữ, thậm chí chuyển sang công an để khởi tố, truy tố rất nhiều vụ việc, đối tượng sản xuất sản phẩm hóa mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng và thuốc giả đã phát hiện trên môi trường internet.
"Đặc biệt, nhiều vụ việc, mỹ phẩm, thực phẩm, son phấn, thực phẩm chức năng, thuốc... được làm giả với quy mô và số lượng rất lớn để bán trên mạng internet, thông qua các nền tảng thương mại điện tử", ông Linh nói.
Cũng theo ông Linh, trong các vụ việc đã xử lý, người tiêu dùng các mặt hàng mỹ phẩm đa số là phụ nữ ở khắp mọi miền đất nước, lực lượng mua hàng rất đông, nhu cầu rất lớn nên mua phải hàng giả là rất phổ biến. Đối với dược phẩm và thuốc, người có bệnh không quan tâm đến giá cả, miễn là mua được thuốc, do vậy rất dễ bị mắc lừa mua thuốc giả.
Trong nhiều vụ việc lớn đã xử lý, các đối tượng tự bào chế, tự sản xuất sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh..., tự gắn nhãn mác, nhái nhãn hiệu các hãng nổi tiếng; sử dụng các trang mạng xã hội, công ty giao hàng, chuyển phát nhanh để bán, phân phối sản phẩm với số lượng giao dịch rất lớn.
Điển hình trong năm 2022, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP.HCM bắt giữ 5 kho hàng hóa mỹ phẩm, dầu gội… tại Q.Bình Chánh (TP.HCM). Toàn bộ tang vật bắt giữ là hàng giả.
"Các kho này sản xuất hàng giả với quy mô rất lớn và rất công phu. Sản phẩm đều gắn mác in chữ nước ngoài, được đưa xuống các tỉnh biên giới tây nam rồi lại đưa quay trở lại nội địa, coi đây là hàng nhập khẩu", ông Linh nói.
Ông Linh cũng cảnh báo một phương thức phổ biến, các đối tượng buôn bán hàng giả trên mạng thường sử dụng người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm để người xem dễ tin là hàng thật. Buôn bán, sản xuất hàng giả đem lại lợi nhuận rất cao, trên thực tế không chỉ có các ổ nhóm, cơ sở trong làng nghề, thậm chí nhiều cá nhân cũng tự mày mò pha trộn để sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm giả ngay trong căn hộ chung cư.
"Gần đây nhất, trong chung cư khu đô thị Times City (Hà Nội), lực lượng quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ số lượng lớn bột mì được pha chế, sản xuất thuốc giảm cân đã được bán rất nhiều trên Facebook", ông Linh dẫn chứng.
Ông Linh nhấn mạnh, sản phẩm hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc… ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Theo đó, tập trung phát hiện hàng giả trên môi trường internet, rồi tấn công vào các cứ điểm sản xuất là nhiệm vụ trọng điểm của lực lượng quản lý thị trường trong năm 2023.
Đối với người tiêu dùng, ông Linh đưa ra lời khuyên: "Khi mua các sản phẩm hóa mỹ phẩm, dược phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử, người tiêu dùng phải hết sức cẩn trọng, kiểm tra kỹ thông tin, lựa chọn các nhãn hiệu, đơn vị phân phối có uy tín để mua được hàng chính hãng và nên giữ lại hóa đơn để thuận tiện kiểm tra về sau".
Bình luận (0)