‘Được tiêm vắc xin là mừng rồi, tôi không nghĩ chuyện kén chọn’

21/07/2021 17:30 GMT+7

‘Tôi đăng ký tiêm vắc xin Covid-19 rồi, mong được tiêm sớm. Được tiêm là tôi mừng rồi, không nghĩ gì chuyện kén chọn’, một bạn trẻ tại P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM nói.

Ngày mai, 22.7, bắt đầu tiêm vắc xin đại trà tại các quận huyện TP.HCM. Mục tiêu trong 2 tuần, TP.HCM sẽ tiêm hết 930.000 liều. Người trẻ đã đăng ký tiêm đang hồi hộp đợi thông báo thời gian cụ thể để được tiêm vắc xin phòng chống Covid-19.

TP.HCM khởi động chiến dịch tiêm gần 1 triệu liều vắc xin Covid-19

Đăng ký tiêm vắc xin cho mình và người thân

Nguyễn Thùy Hương, 25 tuổi, trú P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM cho hay trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, cô đã đăng ký tiêm vắc xin cho mình và những người thân. "Tôi hy vọng tất cả mọi người sẽ sớm được tiêm để đạt miễn dịch cộng đồng”, Hương nói.
Cô cũng cho hay, tâm lý kén chọn vắc xin không nên có trong lúc dịch bệnh đang căng thẳng tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành. “Nhiều người được tiêm vắc xin có thể khoe hình ảnh đó trên mạng xã hội. Nhưng tôi nghĩ kèm hình ảnh đó nên là những thông điệp như cùng tuân thủ những lời khuyên của chuyên gia y tế trước và sau khi tiêm vắc xin Covid-19, cùng giữ khoảng cách 5K khi đi tiêm vắc xin, tránh tụ tập đông người”, bạn trẻ này cho biết.

Vì sao không nên so sánh và ‘kén cá chọn canh’ giữa các vắc xin Covid-19?

Chị Đ.H 36 tuổi, công nhân làm việc tại công ty Nidec Sankyo (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, chị đã được tiêm một mũi vắc xin vào ngày 23.6 tại công ty. Hiện chị đang là F1 và đang đi cách ly tập trung tại Khu B Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, xong việc được tiêm một mũi vắc xin trước đây khiến chị an tâm và mạnh mẽ hơn rất nhiều khi đi cách ly.
Do đó, nữ công nhân cho biết, khi đã đăng ký và được thông báo ngày đi tiêm vắc xin là tin vui, bạn trẻ nên tìm hiểu kỹ các lời khuyên sức khỏe trước và sau khi tiêm, giữ tâm thế bình tĩnh, không căng thẳng. "Chúng tôi chưa được thông báo thời gian được tiêm vắc xin mũi 2. Tại khu cách ly, chúng tôi tuân thủ 5K tuyệt đối và lạc quan, tôi tin là mình sẽ sớm được ra ngoài và tiếp tục đi làm”, chị Đ.H nói.

Tiêm vắc xin tại TP.HCM thời gian qua. Nhiều người trẻ cho biết đã đăng ký tiêm vắc xin cho người thân qua cổng thông tin

Ảnh Độc Lập

Anh Nguyễn Kim Hùng, 31 tuổi, trú đường Mai Am, P.9, Q.8, TP.HCM, người đã hoàn thành một mũi tiêm vắc xin vào cuối tháng 6 vừa qua cho hay, trên mạng có nhiều thông tin không kiểm chứng về việc tiêm vắc xin khiến nhiều người hoang mang. Do đó, trước khi đi tiêm vắc xin, mỗi người nên là độc giả thông minh, lựa chọn những tin tức chính thống từ các tờ báo lớn, các cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, HCDC… để có sự sáng suốt, bình tĩnh tâm lý đồng thời biết cách chuẩn bị ăn uống, ngủ nghỉ ra sao trước và sau khi tiêm.
"Thời gian này dịch tại TP.HCM đang căng thẳng nên mỗi người khi đi tiêm vắc xin trong đợt tiêm đại trà nên nghiêm ngặt tuân thủ nguyên tắc 5K, không tập trung đông người tại ngay nơi tiêm”, anh này khuyên.

Hà Nội tiêm vắc xin Covid-19 cho 5,1 triệu dân như thế nào?

Nên chuẩn bị gì trước và sau khi tiêm vắc xin Covid-19?

Bác sĩ Đặng Văn Đạt, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, TP.Thủ Đức, TP.HCM cho hay trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Việt Nam nói chung và TP.HCM việc phòng tránh dịch bệnh trong giai đoạn này là hết sức cần thiết và cấp bách. Vì vậy để phòng tránh dịch hiệu quả cần tuân thủ theo khuyến cáo Bộ y tế thực hiện đúng (5K + tiêm vắc xin).
Ngày mai, TP.HCM sẽ bắt đầu tiêm vắc xin đại trà tại các quận, huyện. Vậy mỗi người trẻ nên chuẩn bị như thế nào trước và sau khi tiêm vắc xin Covid-19?
Theo bác sĩ Đạt, trước khi tiêm cần uống đủ nước bởi nước chiếm 50-60% trọng lượng cơ thể người trưởng thành. Nước cần thiết cho mọi hoạt động sống của cơ thể. Nước bảo vệ các mô, cơ quan và điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể.
Các thực phẩm nên ăn thực phẩm giàu vitamin A, C, E, D, thực phẩm giàu kẽm. Ví dụ các thực phẩm được khuyến khích là gấc, khoai lang, bí đỏ, cà rốt, ớt chuông, bông cải xanh, dầu gan cá, các loại rau có lá màu xanh đậm, cá, trứng, sữa, tôm, ghẹ…
Không nên nhịn đói trước khi đi tiêm vắc xin bởi nhịn đói trước tiêm có thể gây chóng mặt, ngất xỉu, đặc biệt nếu bạn là người sợ kim tiêm.

Trước và sau khi tiêm cần ăn uống đủ chất

Ảnh Xuân Uyên

Không uống rượu, bia trước và sau tiêm vắc xin Covid-19

“Rượu, bia có thể ức chế miễn dịch, gây mất nước, làm suy yếu khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng, gây khó khăn khi phân biệt phản ứng của rượu, bia và phản ứng của vắc xin.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các chuyên gia đặc biệt cảnh báo, người dân nên tránh uống rượu trước và sau khi tiêm vắc xin vì rượu có khả năng ức chế hệ thống miễn dịch, có thể khiến cơ thể mất nước. Tốt nhất, nên kiêng uống rượu trong vòng 1 ngày hoặc lâu hơn sau khi chủng ngừa”, bác sĩ Đạt khuyên.
Bác sĩ Đạt cho hay, trước khi tiêm thì không nên uống nhiều thực phẩm chứa caffein (trà, cà phê, nước tăng lực...) bởi caffein làm tăng tần số tim, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim khi sử dụng quá nhiều. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng.
Song, sau khi tiêm có thể uống, nhưng cần theo dõi những biểu hiện của cơ thể và báo cho cán bộ y tế.
“Sau khi tiêm vắc xin cần theo dõi những phản ứng của cơ thể đối với vắc xin thường xảy ra sau khoảng 30 phút hoặc 1 đến 2 ngày sau, chậm nhất có thể trong 7 ngày sau tiêm. Nên thông báo cho nhân viên y tế ngay nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe”, bác sĩ  Đạt cho biết.

Tiêm vắc xin rồi vẫn phải tuyệt đối 5K

Bác sĩ Đặng Văn Đạt cho hay, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và các hãng sản xuất vắc xin, việc tiêm chủng đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 và sau một khoảng thời gian tạo miễn dịch cho cơ thể thì hiệu quả cao nhất mà vắc xin mang lại. Nếu người được tiêm không may mắc Covid-19 thì sẽ mắc ở mức độ nhẹ hơn.
Do đó, dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 vẫn phải tuân thủ nguyên tắc 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế.
“Không có vắc xin nào có tỷ lệ bảo vệ 100%. Trong thực tế, luôn luôn có một tỷ lệ người đã tiêm vắc xin vẫn mắc bệnh và tất cả vắc xin thông thường đều thế, không riêng gì vắc xin Covid-19.
Vắc xin Covid-19 giúp những người bị nhiễm virus Covid-19 không bị nặng hay tử vong ở mức từ 60-70%, giảm bớt những trường hợp nhiễm trùng không triệu chứng ở mức 50-60%. Cùng với đó, một lợi ích to lớn hơn là miễn dịch cộng đồng cho người dân khi tỷ lệ tiêm chủng lên đến 70-80%”, bác sĩ Đạt thông tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.