Hiện nay phụ huynh có xu hướng đưa con du học sớm, thậm chí từ lớp 7, 8 nhằm mục đích cho con thích nghi dần với điều kiện học tập ở nước ngoài trước khi tiếp lên bậc ĐH. Huỳnh Đỗ Phương Uyên, học sinh lớp 7 chuyên Anh trường chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM cho biết: “Lớp con có 45 bạn thì có hơn 30 bạn có ý định du học. Từ khi con học lớp Lá, mẹ đã cho con học tiếng Anh để mai mốt lớn đi du học. Hai em của con cũng được định hướng như vậy”.
Vợ chồng chị H.Y (Điện Biên Phủ, Q.1, TP.HCM) chia sẻ: “Vợ chồng tôi đã phải cân nhắc rất kỹ càng trước khi cho con du học bậc trung học ở nước ngoài. Đáng mừng là sau khi học một thời gian, cháu tiến bộ rõ rệt, cái dễ thấy nhất là cháu đã biết sống tự lập và đề cao tác phong công nghiệp. Đôi khi cháu còn “dạy” lại ba mẹ nhiều thứ”.
Giống như vợ chồng chị H.Y, chị Hồng (TP.HCM) có con du học ở Singapore từ năm lớp 10 cũng rất hạnh phúc trước sự thay đổi của con. “Trước đây con mình ở nhà lầm lì ít nói, bây giờ cởi mở, tự tin hơn hẳn”, chị Hồng cho biết.
Thế nhưng không phải phụ huynh nào cũng nhận được những kết quả tốt đẹp khi cho con ở tuổi thiếu niên đi du học. Không hiếm những cô, cậu bé đã nhanh chóng tiếp thu lối sống Tây, nói tiếng Tây sõi hơn tiếng Việt, coi thường lời dạy bảo của cha mẹ. Một phụ huynh có con du học từ năm lớp 10 buồn rầu: “Tôi dường như đã mất con. Trước đây cháu rất tôn trọng ý kiến của cha mẹ và ngoan ngoãn, lễ phép. Bây giờ cháu hay có câu cửa miệng: ở nước ngoài người ta thế này, người ta thế kia. Sự gắn bó với gia đình cũng không còn nữa”. Đó là chưa kể, không ít học sinh trước khi du học là đứa bé nhút nhát nhưng sau một thời gian trở thành một người hư hỏng: không chú tâm học hành, nghiện hút ma túy…
Nhiều bậc phụ huynh sẽ phải giật mình khi đọc tâm sự trên mạng của một du học sinh tên L.K.L: “Hai tuần ăn chơi đú đởn, sáng thì ngủ phè phỡn đến 12 giờ, có khi đến tận 15-16 giờ, dậy lại ngồi vào net, rồi đi uống cà phê. Thông thường là cả hội đánh bài đến tối, rồi lại đi xem đá bóng, không thì về nhà anh T. nấu ăn. Ăn xong lại tá lả đến 1 giờ sáng”.
Một du học sinh khác cho biết những sinh hoạt thường diễn ra trong những ngày ở xứ người: “Một lúc sau chúng tôi xuống sàn nhảy. Cả nhóm người Việt quây lại, họ chuyền tay nhau điếu thuốc và sau này tôi biết đấy là cỏ (tài mà). Phải khó khăn lắm tôi mới có thể từ chối không đưa cái thứ đấy lên mồm. Được một lúc mọi người lại phân phát cho nhau một viên thuốc lắc. Và đó là lần đầu tiên trong đời tôi được cầm cái thứ đó”.
Bản thân vợ chồng chị H.Y rất vui mừng vì con có nhiều thay đổi tốt khi du học nhưng vẫn đưa ra lời khuyên: “Tôi nghĩ tốt nhất vẫn là bậc ĐH hoặc sau ĐH, lúc đó trẻ đã đủ lớn, đủ hiểu được những giá trị cốt lõi, đủ gắn bó với gia đình và biết suy nghĩ cái gì nên và không nên”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Mai, công tác tại Trung tâm đào tạo khu vực SEAMEO tại Việt Nam cũng hướng cho con trai đi du học sau khi tốt nghiệp THCS. Chị Mai cho hay: “Thật sai lầm khi nhiều bậc cha mẹ nghĩ bằng mọi giá phải gửi con đi học nước ngoài. Thực ra, du học chỉ tốt khi con mình thực sự có năng lực. Nếu ở VN học dở, không chú tâm đến chuyện học hành thì ra nước ngoài trẻ cũng khó mà tốt được. Mình biết nhiều trường hợp con học kém mà vẫn gửi đi du học, không theo được phải quay về, hoặc ở lại để tiêu tiền vô tội vạ của bố mẹ”. Theo chị Mai, phù hợp nhất là trẻ đi du học sau khi đã hoàn thành xong bậc THPT, trong trường hợp mới tốt nghiệp THCS thì cha mẹ phải tính toán, cân nhắc rất nhiều về những được mất, đôi khi phải chấp nhận một thực tế không được như mình mong muốn.
Cần chuẩn bị gì khi du học bậc trung học? |
Mỹ Quyên
Bình luận (0)