Được voi đòi... tiền

07/01/2013 04:05 GMT+7

Người nuôi voi khấp khởi mừng trước chính sách hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho voi nhà sinh sản, nhưng để voi đẻ được cũng khó như... hái sao trên trời.

Hàng chục năm nay, người ta quen với cảnh từng đàn voi nhà đi làm du lịch, chở khách trên lưng rong ruổi khắp rừng khắp rú ở vùng Buôn Đôn, hồ Lắk... Nhưng đó là những con voi trưởng thành, to lớn lừng lững, hầu như không có bóng dáng những chú voi con chạy lúp xúp dưới chân voi mẹ. Nhiều người cho rằng “chú voi con ở Bản Đôn” được mô tả trong bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên trước kia là voi rừng được săn bắt về thuần dưỡng, nay cũng bước vào tuổi già, còn lâu nay voi con do voi nhà đẻ ra tuyệt nhiên không có.

“Con gì cũng đẻ, voi nhà thì không”

Ông Ama Drăng ở xã Krông Na, H.Buôn Đôn, lắc đầu khi được hỏi chuyện voi sinh sản: “Ui chao, hơn hai chục cái mùa rẫy rồi con gì cũng đẻ nhưng mình có thấy con voi nhà nào đẻ đâu. Cách đây gần chục năm, có một voi cái ở buôn Trí mang thai, nhưng bị con voi đực ở buôn Đôn ăn hiếp làm sẩy thai, chủ voi đực bị phạt vạ mấy chục triệu đồng. Từ đó đến nay, người ta không dám cho voi đực voi cái gần nhau thì làm sao có voi đẻ được”.

Được voi đòi... tiền
Lâu nay, voi nhà bận làm du lịch, “quên” chuyện sinh đẻ - Ảnh: T.N.Q 

Ama Drăng nói vậy nhưng có lẽ ông không nhớ hồi năm 2010 còn có một con voi cái ở Khu du lịch sinh thái Buôn Đôn bỗng dưng mang thai nhưng không rõ lý do gì voi con bị đẻ non và chết yểu. Cái chết của voi con này được nhiều người cho là do voi mẹ làm du lịch quá sức trong thời gian mang thai.

Liên quan chuyện voi làm du lịch, ông Y Gar, một chủ voi ở H.Lắk, diễn giải giờ đây voi nhà không còn chức năng kéo gỗ từ rừng về, thồ lúa, bắp từ rẫy nữa vì nhà nước không cho khai thác gỗ rừng vô tội vạ như trước, còn vận chuyển nông sản thì đã có xe tiện lợi hơn nhiều... “Con voi mua về với giá vài trăm triệu đồng sẽ lãng phí lớn nếu không cho nó chở khách du lịch, vì mất công nuôi mà không sinh lợi. Còn nếu nó mang thai thì mất 3 năm không có thu nhập, chủ voi sẽ không ưng bụng đâu”, ông Y Gar phân tích.

Cứ thế, một phần với lý do làm du lịch mà từ lâu nhiều voi nhà ở Đắk Lắk đã không được sinh đẻ.

Nhiều tiền như... voi đẻ

Cuối năm 2012, ở Đắk Lắk râm ran câu chuyện voi nhà được hỗ trợ để chăm sóc, chữa bệnh và nhân giống. HĐND tỉnh đã thông qua một nghị quyết chuyên đề về chính sách bảo tồn voi, với kinh phí dự tính hàng chục tỉ đồng; trong đó “khủng” nhất là số tiền cấp cho chủ voi cái nếu voi đẻ được. Theo đó, hỗ trợ 500.000 đồng/ngày cho 30 ngày voi gặp gỡ, động dục, giao phối; 300.000 đồng/ngày cho 10 tháng đầu voi mang thai, 600.000 đồng/ngày cho 18 tháng sau; còn nài voi cái được trả công chăm sóc voi 200.000 đồng/ngày trong 28 tháng. Tính tổng cộng, chủ voi và nài voi nhận gần 600 triệu đồng cho con voi cái đẻ được con. Trong khi đó, voi đực là đối tác “góp công” nhân giống cũng sẽ đem lại cho chủ và nài 24 triệu đồng.

Tuy vậy, sau giây phút hồ hởi ban đầu khi đón nhận thông tin “đẻ được voi là đòi được tiền”, nhiều chủ voi cũng nhận ra cho voi đẻ hiện giờ không dễ dàng. Vì sao vậy? Ông Ma Đe, một người nuôi voi có kinh nghiệm ở buôn Đôn, giải thích: “Hằng năm, vào mùa động dục voi quậy bạo lắm, có khi gây nguy hiểm cho người, nên thường bị chủ xích chặt trong rừng, bỏ đói đến kiệt sức; lâu dần voi nhà bị kìm hãm đến mất hứng thú yêu đương. Voi bị cấm giao phối quá lâu nên “máy móc” sinh sản cũng khó “chạy” bình thường”.

Câu chuyện chủ động “tác hợp” voi nhà sau nhiều năm cách ly cũng cho thấy không dễ cho voi đẻ. Mấy năm nay, ông Đàng Năng Long ở H.Lắk, chủ của đàn voi 7 con, đã có sáng kiến cho sinh hoạt ghép đôi từng cặp voi đực - voi cái để xem thử kết quả. Đầu tiên, ông cho ghép hai đôi voi Y Trút và H’Khun, Béc Khăm và H’Túc. Nhận thấy hai cặp này có vẻ hợp nhau, ông Long tiếp tục cho sống ghép thêm 3 đôi voi nữa trong độ tuổi sinh sản, trong đó có voi của các chủ khác. “Voi cũng có tâm tính gần giống như người, chúng phải thích nhau thì mới chịu cho “ghép đôi”, nếu không thì đừng hòng đực cái chấp nhận nhau”, ông Long lý giải.

Đến nay, dù chưa có dấu hiệu voi cái nào mang thai nhưng ông Long vẫn lạc quan nuôi hy vọng với cách làm của mình.

Chưa lường nhiều chuyện

Hỗ trợ người nuôi voi bằng những chính sách thiết thực (dù khá muộn màng) của tỉnh Đắk Lắk đã nhận được sự tán đồng của nhiều người tâm huyết với hoạt động bảo tồn voi. Để xây dựng các nội dung hỗ trợ này, Trung tâm bảo tồn Đắk Lắk đã tiến hành nhiều đợt khảo sát, trưng cầu ý kiến các chủ voi, nài voi, nhà nghiên cứu động vật hoang dã, cùng các cơ quan, ban ngành liên quan... Tuy vậy, một số chính sách bảo tồn voi cũng chưa đề cập đến những vấn đề có khả năng xảy ra trong thực tế. Chẳng hạn, ai chịu trách nhiệm tính mạng voi nhà khi chúng được thả ra rừng nhằm mục đích giao phối, việc bảo hiểm cho voi hoặc cơ chế, thủ tục thanh toán tiền hỗ trợ khi xảy ra rủi ro cho voi trong quá trình sinh sản...

Nhiều chủ voi cũng ngần ngại khi nhớ lại nhiều năm trước, từng có những con voi nhà ở buôn Đôn, Lắk bị kẻ xấu bắn chết để lấy ngà, chặt đuôi lấy lông, bị chém chí mạng khi chăn thả trong rừng...

Trần Ngọc Quyền

>> Voi rừng lại về phá hoa màu
>> Không được ngủ đêm trong khu vực có voi rừng
>> Sống chung với… voi rừng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.