Dưới ánh mặt trời - Truyện ngắn dự thi của Tịnh Vũ

Tịnh Vũ
Đà Nẵng
21/10/2024 10:00 GMT+7

Đầu tuần nay, có đoàn từ thiện ghé thăm Nhiên. Không rõ họ tặng quà gì, chỉ thấy một thùng các tông to ơi là to, bao gói cẩn thận, cột cái nơ to đùng. Họ còn kẹp theo một cái phong bì, ghi rõ mấy chữ "Kính biếu Mái ấm Nhiên".

1. Mấy hôm nay, làng trên xóm dưới xì xào chuyện mụ Huê. Người ta không nói thẳng thừng. Họ chỉ tụm năm tụm bảy, to nhỏ với nhau. Họ nói, mụ lợi dụng lòng trắc ẩn của nhà hảo tâm để làm lợi cho mình. Nhưng người ta không có bằng chứng. Chỉ là đoán già, đoán non. Vậy mà, những lời đồn thổi cứ văng vẳng, rồi vang xa.

Mới nửa tháng trước, người ta nghe mụ kể thằng Biên đậu đại học rồi. Mụ nửa mừng, nửa lo vì chưa biết kiếm đâu ra tiền cho nó lên phố nhập học. Rồi bốn năm dài đằng đẵng, hai bà cháu mụ liệu có kham nổi không.

Đầu tuần nay, có đoàn từ thiện ghé thăm Nhiên. Không rõ họ tặng quà gì, chỉ thấy một thùng các tông to ơi là to, bao gói cẩn thận, cột cái nơ to đùng. Họ còn kẹp theo một cái phong bì, ghi rõ mấy chữ "Kính biếu Mái ấm Nhiên".

Rồi đến cuối tuần này, thằng cháu mụ hớn hở ăn mừng với lũ bạn vì vừa nộp xong học phí đầu năm và chuẩn bị lên thành phố nhập học. Vì thế, người ta sinh nghi "chỉ có thể là tiền của nhà hảo tâm", "rõ ràng mụ tư lợi cho mình"...

Vì không có bằng chứng cụ thể, người ra cứ lời ra tiếng vào, cố tình hớ hênh để mụ nghe thấy. Vậy mà mụ bỏ ngoài tai, cứ như không có chuyện gì. Mụ ra vào chẳng nói chuyện với ai. Mụ không giải thích. Họ lại càng sinh nghi. Nếu mụ ngay thẳng, nhẽ ra phải phân trần, giải thích mới đúng lý. Ai lại thinh thinh như mụ bao giờ.

Việc mụ, mụ cứ làm. Mụ dặn thằng Biên "kệ người ta, mình không thẹn với lòng là được rồi con". Thằng nhỏ ấm ức nhưng vẫn nghe lời mụ, dằn lòng xuống. Nó sắp lên phố học, chẳng còn mấy thời gian bên mụ, hơi đâu để tâm người ta bàn tán. Nhưng nó cũng không đành lòng cho lắm.

Dưới ánh mặt trời - Truyện ngắn dự thi của Tịnh Vũ- Ảnh 1.

ẢNH: TÍN DI

2. Gió đêm thổi hắt lên mấy gợn hơi nước từ dưới bờ sông. Mụ ngồi trên cái giường tre đặt giữa sân, tay khơi cơi trầu.

Những lời của ông Miễu và mụ Thoa lúc chiều cứ làm mụ nghĩ mãi. Tiền của mạnh thường quân, mụ không thể dùng cho thằng Biên. Đó là tình cảm của mọi người đối với Nhiên, với những người già bất hạnh đã hết nơi nương náu tìm đến mụ. Dự định xây thêm một gian nhà bên phần đất còn lại vẫn còn dang dở. Điều kiện sinh hoạt của mọi người vẫn chưa ổn, mặt mũi đâu mụ lợi dụng lòng thương của mọi người để lo cho cháu đích tôn của mụ. "Chuyện chi ra chuyện đó, thằng Biên là cháu tui, tui tự lo được" - mụ đã nói rất thẳng thắn như vậy. Mụ mở ra Mái ấm Nhiên đâu phải vì chờ đến hoàn cảnh này.

Nghĩ đến đó, mụ thở dài thườn thượt. Tiếng đêm lẫn với tiếng lòng của mụ. Nhẹ thênh, nhưng thăm thẳm.

Chợt, mụ nghe tiếng thằng Đắc ở nhà bên đang gắt gỏng với vợ con. Thằng Đắc cũng y hệt thằng Sét - con trai mụ.

Ngày xưa, mỗi lần nhớ đến người vợ đã bỏ nhà đi, thằng Sét đều tìm đến hơi men. Uống vào, nó càm ràm câu được câu mất. Có lúc, nó than thân trách phận. Lúc khác, nó oán trời trách đất. Nó còn nói, vì mụ ép nó cưới một người vợ không nên thân. Chỉ vì lời hứa của ba nó với đồng đội ngày xưa mà mụ ép nó phải gắn chặt đời mình với một người đàn bà không có tình nghĩa trước sau. Thằng Sét đã từng cố gắng vun đắp tình cảm. Nhưng cả hai ở với nhau như nước chảy lục bình, trôi tuột, chẳng đọng lại chút cảm xúc nào. Ngày vợ nó ngoại tình, bỏ lại thằng Biên, nó đâm ra chơi bời, nát rượu.

Nó đá thúng đụng nia. Nó hờn giận mụ. Nó xác quyết mụ chính là nguyên nhân khiến đời nó ra nông nỗi như vậy.

Một bữa, thằng Sét say mềm sau cuộc nhậu, chân thấp chân cao rồi té xuống mương. Chẳng may va đầu vào đá, nó chết. Một cái chết vô nghĩa. Thằng Biên mới lên lớp một, vừa vắng mẹ, vừa mồ côi cha. Mụ Huê cắn răng, nuốt nước mắt vào lòng, một mình nuôi cháu.

Ngày mụ gặp người đàn bà trung niên rách rưới, đang nhai vội ổ bánh mì được người đi đường biếu cho, mụ chột dạ nhớ lại những ngày tháng cơm chan nước mắt khi sống cùng thằng Sét trước đây. Mụ động lòng, dẫn người đàn bà kia về ở chung. Mụ chia bớt áo ấm. Mụ tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ, lên lai, bóp eo cho mấy bộ bà ba rộng thùng thình, dài quá cỡ rồi đưa cho mụ kia mặc.

Lần khác, mụ chứng kiến ông Miễu ở xóm trên bị con trai và con dâu hắt hủi ra đường. Mụ kìm lòng không đặng, lại tỉ tê "thôi, ông qua nhà tui, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo".

Cứ thế, nhà mụ mỗi lúc một đông hơn.

Trên miếng đất tổ tiên để lại, mụ tằn tiện từng đồng nuôi gà nuôi vịt, bán rau bán ớt để cất thêm bốn bức tường. Cái nhà hiện tại, mụ ở cùng với những người đàn bà vò võ những nỗi đau riêng chung như mụ đã từng. Còn cái nhà vừa cất lên, mụ để cho ông Miễu với mấy ông lão khác không còn chỗ đi về, có thể ghé mà trú tạm hoặc gửi đời mình ở đây. Chỉ cần họ tin mụ và tin tưởng lẫn nhau thì ai đến cũng được, mụ đều đón tiếp.

Sân nhà có sẵn cây cau, giàn trầu. Thi thoảng, mụ biểu thằng Biên leo lên hái cau, rồi ra chợ mua ít vôi. Mấy mụ ngồi lại với nhau, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Chòm xóm mang biếu bộ cờ tướng, ít sách báo cho mấy ông già giết thời gian. Tiếng cười giòn giã của những phận đời bất hạnh đã vang vang trong khoảnh sân rộng nhà mụ.

Mới đầu chính quyền lo ngại tụ tập đông người dễ sinh ẩu đả, mất trật tự. Sau thấy họ thuận hòa, trưởng tộc trong làng mới khuyên mụ nên xin phép, coi như thủ tục để mở cái nhà tình thương, cũng như tạo niềm tin. Nhỡ có ông mụ nào cám cảnh thì còn dám tìm đến tựa nương. Mụ nghe hợp lý, bàn bạc với mọi người rồi chọn cái tên "Mái ấm Nhiên", nhờ con trai ông trưởng tộc làm tư cách pháp nhân.

Hằng ngày, mọi người chia nhau chăm đàn gà, bầy vịt. Người thì kéo nước từ giếng con để giặt giũ. Người phụ tưới rau, tỉa lá. Mỗi sáng sớm, hai, ba người đàn bà tóc muối tiêu dắt díu nhau ra chợ làng, ngồi ngay đoạn ngã ba đông đúc nhất. Người này người kia đến mua ủng hộ. Phần vì rau trái ở vườn nhà mụ rất tươi. Phần vì mọi người cũng ngầm hiểu với nhau, xem như san sẻ chút kinh phí để mụ duy trì Nhiên.

Dần dần, tiếng lành đồn xa. Không chỉ mấy làng bên cạnh mà ngôi nhà chung của mụ ngày càng được nhiều người ở khắp nơi biết đến.

Thi thoảng, một vài đoàn từ thiện ở thị xã ghé lên. Họ mang theo quà bánh lỉnh kỉnh. Có khi là thùng áo ấm, chăn màn. Có lúc là chục bao gạo, mắm muối. Cũng có mấy đợt, người ta thấy mạnh thường quân còn gửi phong bì cho mụ Huê. Không ai biết trong phong bì có bao nhiêu tiền. Họ thấy mụ từ chối. Mụ đẩy qua, người ta đẩy lại. Cuối cùng, cái phong bì nằm gọn trong tay mụ cùng một cái gật đầu cảm ơn.

Người này người kia bắt đầu bàn ra tán vào. Người thiện cảm thì chắp miệng cảm thán "mừng cho mụ, có thêm kinh phí mà cưu mang mấy ông mệ, chứ bán rau bán trứng biết mấy cho đủ chừng ấy miệng ăn". Cũng có người xuýt xoa dè bỉu "ui chao, mang danh từ thiện, rồi cũng trôi tuột phong bì vô túi riêng".

Mấy lần thằng Biên nghe người ta nói xấu mụ. Nó tức dữ lắm. Không làm gì được họ, nó vùng vằng chạy về nhà, ấm ức với mụ cả buổi. Mụ giải thích mấy, nó cũng không nghe. Nó nói mụ "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng".

Đến khi thằng nhỏ thấy mụ ngồi khơi cái cơi trầu cũ mèm giữa đêm trăng, chốc chốc thở dài, rồi mụ kéo tà áo bà ba lên dặm nước mắt, nó mới bớt giận. Nó đi khẽ ra sau lưng, khều nhẹ vai mụ rồi thì thào mấy tiếng xin lỗi. Bữa đó, mụ mới kể nó nghe cảm giác của mụ ngày xưa - khi ba nó suốt ngày say xỉn rồi về nặng nhẹ trách móc. Cũng có lúc, mụ muốn dẫn nó đi khỏi xứ này cho xong. Nhưng một phần vì mụ không nỡ bỏ lại thằng con trai bê tha của mình, một phần vì chẳng biết đi đâu. Quê cha đất tổ ở đây, mồ mả tổ tông ở đây, mụ đâu thể nào nói đi là đi được. Hồi đó, nếu có một cái nhà giống như Nhiên bây giờ, hẳn mụ đã xin cho mình một chỗ trú ngụ. Bình yên là được.

Vậy nên, khi gặp những gương mặt già nua đang mỏi mòn những nỗi đau cuối đời ấy, mụ mời họ về ở cùng. Chừng ấy thời gian gắn bó, mụ dặn lòng phải cố gắng bằng mọi giá tiếp tục công việc này. Nhiên ngày càng đông hơn. Những người ở đây xem mụ là bạn, chia sẻ vui buồn với nhau. Có ai muốn bị người đời soi xét, bình phẩm đâu. Mụ cũng vầy thôi. "Nhưng ở đời mà, ai hiểu thì hiểu, ai đã không muốn hiểu thì mấy lời giải thích của mình cũng không đủ đâu con" - mụ vỗ vỗ lên tay thằng Biên, nói khẽ. Mụ nhướn đôi mắt tèm nhèm của mình về hướng bờ sông. Gió đêm lạnh quắt quay.

- Không lẽ lòng người lạnh dữ rứa nội? - Thằng Biên hỏi.

- Không đâu con, chỉ là họ chưa hiểu thôi.

Thằng Biên nghe mụ nói, rưng rưng nước mắt. Bữa đó, lần đầu tiên nó siết thật chặt đôi tay mụ. Nó xoa xoa lên mấy nếp nhăn đã dần se cứng lại trên mu bàn tay rám nắng với chi chít những chấm đồi mồi.

3. Chiếc xe ô tô láng cóng đổ phịch trước cổng. Người phụ nữ sang trọng, khoảng hơn bốn mươi tuổi, bước xuống xe dáo dác nhìn quanh. Cô ta ngước nhìn tấm bảng "Mái ấm Nhiên" một lúc lâu rồi dè dặt đi vào trong sân. Cái dáng vẻ rụt rè toát ra đằng sau bộ váy áo sang trọng và cặp kính mát lấp lánh khiến mọi người tò mò.

Thằng Biên từ trong nhà đi ra. Nó mang trên vai một cái ba lô nặng trịch, đầu đội mũ lưỡi trai.

Thằng nhỏ bịn rịn nắm tay mụ Huê. Nó nhìn khắp một lượt những gương mặt già nua đã trở thành người thân của nó từ khi nào chẳng rõ. Người này nói "học giỏi nghe con", người kia dặn "Tết về nghe con".

Nó cứ gật gật, mắt rơm rớm.

Thằng nhỏ nhìn sang người phụ nữ. Cô ta đưa tay tháo cặp kính mát, cúi đầu chào mụ Huê. Những người chung quanh nhìn chằm chằm vào gương mặt người phụ nữ, trông quen quá, tựa như đã từng gặp nhiều lần trước đây.

Cô ta lên tiếng:

- Dạ, mạ, con đưa thằng Biên đi nhập học, con cảm ơn mạ cho con...

Mụ Huê không để cho người phụ nữ kịp nói hết. Mụ đáp: "Về là được rồi, ráng mà lo cho thằng nhỏ".

Nói rồi, mụ vỗ vỗ vào lưng thằng Biên, đẩy nó ra hướng cổng. Gió sớm thổi vào mắt mụ những gợn long lanh.

Chiếc xe lăn bánh. Thằng Biên ngoái đầu nhìn qua ô cửa kính. Mụ vẫn đứng trước ngõ, ngay dưới dòng chữ "Mái ấm Nhiên" đã gắn chặt những năm tháng tuổi thơ của nó bên mụ. Ánh mắt mụ cứ ngóng mãi theo bóng dáng chiếc xe dần khuất phía cổng làng.

Những tiếng xì xào chung quanh chợt tắt. Không ai còn thắc mắc mụ lấy tiền đâu cho thằng Biên nhập học nữa. Chỉ ít bữa nữa thôi, một gian nhà mới sẽ được xây thêm. Nhiên sẽ lại đón thêm những người bạn già khác.

Dưới ánh mặt trời, họ sẽ cùng mụ ra ngõ, nở những nụ cười thật hạnh phúc, ngóng chờ đứa cháu đi học xa nhà trở lại tìm thăm.

Dưới ánh mặt trời - Truyện ngắn dự thi của Tịnh Vũ- Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.