Dưới chân đồi Montmartre

19/02/2018 14:02 GMT+7

Paris không chỉ có hàng người dằng dặc trước Bảo tàng Louvre, náo động bởi đám đông khách Trung Quốc tại đại lộ Champs-Élysées hay những binh sĩ mặt lạnh như tiền dưới chân tháp Eiffel.

Sáng tinh mơ, sương còn đọng trên cánh hoa ngoài cửa sổ, những con đường dốc lát đá thoai thoải trên đồi Montmartre không một bóng người. Cửa tiệm san sát hai bên vẫn còn ngủ yên... Đến gần trưa, lác đác vài du khách đi từng cặp, dịu dàng chụp ảnh cạnh khung cửa đầy hoa của nhà hàng nhỏ hoặc thong thả dạo bước đến cái bảo tàng... vắng tanh trưng bày tác phẩm của Salvador Dali.
Ở Montmartre, người ta chủ yếu chỉ bán tranh và quà lưu niệm đậm phong vị Belle Epoqué (Thời kỳ tươi đẹp,
chỉ giai đoạn từ cuối thế kỷ 19 đến trước Thế chiến 1), không có thời trang hàng hiệu, không nước hoa, không mỹ phẩm organic. Dĩ nhiên cũng chẳng có xe du lịch nào len lỏi được vào những con đường hẹp quanh co để thả xuống từng đoàn khách ồn ào mua đồ Hermès như “mua rau”.

Chốn bình yên
“Vắng tanh” có lẽ là từ thích hợp nhất để mô tả những bảo tàng nhỏ xinh dưới chân Montmartre. Chỉ cách hàng người rồng rắn dài như bất tận bên ngoài Bảo tàng Louvre có 2 km, Bảo tàng quốc gia Gustave Moreau ẩn mình trên con đường Rochefoucauld thưa vắng xe cộ. Năm xưa, nơi đây là căn hộ và xưởng vẽ của Gustave Moreau (1826 - 1898), bậc thầy trường phái tượng trưng nhưng lại nằm trong những cái tên hầu như không được dân ngoại đạo biết đến.
Không có người hướng dẫn, không có những vựng tập dày cộm để chú giải về nguồn gốc hay ý nghĩa từng bức tranh và cũng không có đám đông chen kín như trước nàng Mona Lisa ở Louvre. Thật ra tại đây gần như không có ai! Tức là không có bất kỳ tác nhân nào tạo hiệu ứng “huyền thoại hóa” giả tạo để ảnh hưởng đến “sự thấy” của người xem. Ở đó chỉ có cảm giác choáng ngợp rất khó diễn tả khi một mình đứng giữa gian phòng rộng thênh thang, bao quanh bởi những bức tranh khổng lồ nhưng cực kỳ chi tiết, mang đậm màu sắc tôn giáo lẫn thần bí của Moreau. Dường như bước qua khung cửa hẹp kia là một thế giới hoàn toàn khác. Chẳng phải mở cánh cửa dẫn đến thế giới bí ẩn siêu vượt mọi hiện tượng biểu kiến của cuộc đời và vũ trụ là tôn chỉ của trường phái tượng trưng sao? Chợt có chút tiếc nuối dâng lên trong lòng, giá mà có sẵn trong tay tập “thần chú” Les Fleurs du mal (Ác hoa) của Charles Baudelaire để đọc ở đây thì há chẳng sướng lắm ru?
Bảo tàng Quốc gia Gustave Moreau Ảnh: Thúy Ngọc

Từ đường Rochefoucauld, băng qua Bruyère rồi rẽ trái để vào đường Chaptal là đến một viên ngọc náu mình khác giữa lòng Paris. Cũng vườn, cũng hoa, cũng biệt thự nhưng tại Bảo tàng La vie romantique, người ta không phải tranh giành từng chút không gian với hàng trăm, thậm chí cả ngàn người khác như ở khu vườn của Monet (nằm tại Giverny). Nỗi bất an đầy ám ảnh sau cái đêm đẫm máu vào tháng 11.2015 ở Paris đã không thể chạm tới ngôi nhà màu xanh và quán cà phê trang nhã đầy mộng mơ nằm dưới tán cây, cạnh khoảng sân đầy nắng. Chắc không có kẻ cực đoan nào nghĩ đến chuyện tấn công một nơi chẳng mấy khi đông đúc này. Và đúng như tên gọi, bộ sưu tập ở bảo tàng chủ yếu tập trung vào cuộc đời mãnh liệt và lãng mạn của nữ văn sĩ George Sand, đặc biệt là mối tình giữa bà với Frédéric Chopin.
Bên kia sông
Bảo tàng La vie romantique Ảnh: Trọng kha
Hoàng hôn dần buông trên sông Seine, dọc theo tả ngạn vẫn đầy người với người. Sau một ngày mệt nhoài chen chúc ở Louvre, leo cầu thang lên tháp Eiffel, mua sắm tại Champs-Élysées và check-in Facebook trước nhà sách Shakespeare and co., người ta ngồi kín các nhà hàng, quán bar trong khu Quartier latin, vốn cũng là điểm dừng chân ưa thích của các thế hệ sinh viên Paris. Điều không nhiều du khách biết là nếu muốn tạm xa không khí náo nhiệt đến hỗn loạn tại các đại lộ Saint-Germain và Saint-Michel, họ chỉ mất 5 phút đi bộ là đến quán Polidor trên đường Monsieur-le-Prince.
Quán ăn nhỏ bé này dường như nằm ngoài dòng chảy thời gian kể từ khi mở cửa năm 1845: đèn vàng, cầu thang gỗ, bàn ăn lót giấy ca rô kê thành từng dãy, thực đơn gần 200 năm vẫn không thay đổi mấy, giá hơi cao nhưng thức ăn siêu chất lượng. Đó cũng là lý do Polidor từng thường xuyên đưa đón những nhà xê dịch lừng danh (và nghèo!) như Ernest Hemingway và Jack Kerouac. Chưa kể đến những André Gide, Paul Valéry hay Henry Miller. Giờ đây, dạng thực khách quen thuộc của quán vẫn vậy: chủ yếu là người cao tuổi dân Paris “chính hiệu” cùng sinh viên Đại học Sorbonne và Trường Collège de France. Cũng có khách du lịch tìm đến nhưng hầu như luôn lọt thỏm giữa những âm thanh đầy nhạc tính của tiếng Pháp.
Trên đồi Montmartre Ảnh: Trọng Kha
Không khí đậm đặc tính địa phương vừa ấm cúng vừa có phần hơi lạnh lùng, vừa bình dân vừa đặc tuyển ở Polidor cũng tương tự như tại quán Osteria Al Duca (Verona, Ý). Chuyện nơi đây vắng bóng du khách cũng gây bất ngờ vì “nghe đồn” Osteria Al Duca chính là nhà của chàng Romeo năm xưa và nằm không xa bức tượng đồng bị sờ ngực đến phai màu của nàng Juliet. Có điều, hàng quán ở Ý lâu nay luôn khét tiếng vì thái độ phục vụ, đặc biệt đối với khách phương xa, nên nếu ai đó tóc không nâu, mũi không cao và mắt không sâu đẩy cửa bước vào thì việc có được đối xử thân thiện hay không còn là chuyện... hên xui.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.