Năm ấy, nhà tôi ở sau lưng Trường trung học Bồ Đề, ngôi trường bây giờ được gắn bảng chứng tích chiến tranh, có chỗ trơ khung sắt, vài mảng tường lơ lửng. Nhìn ngôi trường ấy, không ai không rùng mình, khi liên tưởng một điều rằng chẳng ai có thể sống trong một bối cảnh đạn bom dày đặc như thế.
Nhưng, nơi tập trung nhiều nhất những cuộc giao tranh đẫm máu là thành cổ. Chỉ tính 81 ngày đêm ác liệt ấy, nơi đây đã hứng chịu đến hơn 120.000 tấn bom đạn, sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử mà quân đội Mỹ dội xuống Hiroshima (Nhật Bản) để kết thúc Thế chiến 2. Chính vì vậy bây giờ, trong khung cảnh hòa bình, giữa bộn bề của cuộc mưu sinh, nhiều nơi ở thị xã nhỏ bé này vẫn ngày ngày nghi ngút khói nhang, cả ở trong khuôn viên Trường Bồ Đề cũng có một bàn thờ để khách đến thăm viếng thắp nén nhang tưởng niệm người đã khuất. 15 năm trước, khi tôi đưa ba về thăm lại Quảng Trị, ông đã đòi đưa đi thăm thành cổ. Ở đó, ông đứng rất lâu để hồi tưởng về những tháng ngày xưa cũ. Rồi ông cùng tôi tìm về mảnh vườn nhỏ bé, nơi có ngôi nhà mấy anh em tôi đã sống tuổi ấu thơ với tiếng ầm ào bom đạn suốt đêm ngày, cho đến mùa hè năm 1972, một mùa hè đã “đóng đinh” vào lịch sử cuộc chiến bằng mấy chữ mùa hè đỏ lửa.
Cũng trong buổi sáng ấy ở thành cổ, trong khói nhang nghi ngút, trong cảm thức hòa bình, khi nhìn lại một cuộc chiến với bao hy sinh mất mát, đã dẫn tôi trở về với những câu chuyện kể về những bà mẹ ở cả hai miền đã không quản ngại đường xa, cơm đùm gạo bới đi tìm tung tích hài cốt của con mình. Cảm thức ấy cũng đến với tôi khi nhớ lại câu nói của ba tôi khi cuộc chiến kết thúc, ông đã nói với mấy đứa con rằng “hòa bình rồi, về thôi con ơi”, như một tiếng reo, một sự vỡ òa trong tâm trạng vì đã kết thúc bao nhiêu năm tháng gieo neo loạn lạc, tang tóc đau thương.
Về thôi, đó cũng chính là một nốt lặng trong một bản nhạc kéo dài, mà trong đó càng về cuối, khúc đoạn ngân lên về hòa bình hầu như đã thấm đẫm trong biết bao con tim của con dân nước Việt. Bởi vậy, mỗi khi nhìn vào bức ảnh có tựa đề Hoàng hôn thành cổ mà một người bạn có nhà ở thị xã Quảng Trị tặng trong chuyến trở về 15 năm trước, tôi vẫn nghĩ đến bao điều, có lúc trong tâm thức lại trỗi dậy một lời nhắn gửi: Hãy trân trọng những giá trị mà hòa bình mang lại!
Bình luận (0)