Dưới nếp nhà sàn: Ngôi làng Thái cổ giữa đại ngàn

27/08/2023 00:17 GMT+7

Với khoảng hơn 340.000 người sinh sống ở các huyện vùng cao Nghệ An, người Thái vẫn lưu giữ được bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình từ không gian sinh tồn đến ngôn ngữ, kiến trúc nhà ở, trang phục, âm nhạc và phong tục, tập quán.

Nằm giữa đại ngàn, cách trung tâm xã Hạnh Dịch (H.Quế Phong, Nghệ An) khoảng 15 km là một bản làng với gần 200 nóc nhà của người Thái. Ngôi làng có tên Mường Đán này đang giữ được gần như nguyên vẹn các giá trị văn hóa độc đáo của người Thái cổ.

Dưới nếp nhà sàn: Ngôi làng Thái cổ giữa đại ngàn  - Ảnh 1.

Một góc bản Mường Đán với những ngôi nhà sàn lợp bằng gỗ sa mu

K.HOAN

Những căn nhà lợp gỗ sa mu

Mường Đán nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, quanh bản là những cánh rừng già. Con đường nối từ trung tâm xã Hạnh Dịch đến Mường Đán ngoằn ngoèo, chạy giữa trập trùng núi non. Sau tầm 30 phút chạy xe, Mường Đán bất ngờ hiện ra với những căn nhà sàn nằm san sát nhau dưới thung lũng. Điều đặc biệt ở những ngôi nhà sàn này là mái nhà được lợp bằng các tấm gỗ sa mu dầu, một loại cây gỗ quý hiếm phân bổ khá nhiều ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

Mái nhà lợp gỗ sa mu dầu xưa nay chỉ có ở đồng bào người Mông với kiến trúc nhà trệt và rất hiếm có những căn nhà sàn của người Thái lợp loại gỗ quý này. Ông Hà Văn Hùng (70 tuổi), một người dân ở Mường Đán, kể rằng dân Mường Đán sống biệt lập giữa rừng. Vài chục năm về trước, đường đi vào Mường Đán còn rất khó khăn nên không thể vận chuyển vật liệu từ bên ngoài vào để làm nhà. Xung quanh bản là rừng. Người dân chặt gỗ về dựng nhà và sau khi phát hiện gỗ sa mu có nhiều tinh dầu, rất bền nên họ đã dùng để lợp nhà thay cho lá cọ.

"Ngày xưa rừng chưa bị cấm, chúng tôi phải lập thành nhóm nhiều gia đình, mỗi nhà cử 1 đến 2 người mất hơn một buổi đi bộ lên vùng biên giới giáp với Lào để đốn cây vì ở đó có nhiều gỗ sa mu. Sau khi dùng rìu hạ cây, gỗ cây được cắt ra thành khúc dài khoảng 60 - 80 cm rồi chẻ thành các tấm và được gùi về bản, phơi khô rồi lợp nhà. Mỗi chuyến đi rừng mất 4 - 5 ngày. Cứ lợp nhà này xong thì tiếp tục lên rừng tìm gỗ về lợp cho nhà khác", ông Hùng kể.

Gỗ sa mu bền, không mối mọt, có tinh dầu rất thơm. Khi trời nắng nóng, các tấm lợp bằng gỗ sa mu cong vênh, tạo khe hở nên thoáng mát. Trời mưa, gỗ tự khít lại nên che mưa rất tốt. "Lợp sa mu thì 3 năm đầu không có con muỗi nào vào nhà. Mùi tinh dầu gỗ rất thơm, xua đuổi côn trùng. Gỗ sa mu trắng độ bền 25 - 30 năm mới phải thay, còn gỗ sa mu đỏ thì 40 năm sau vẫn tốt", ông Hùng nói. Căn nhà sàn của gia đình ông Hùng được lợp bằng gỗ sa mu đỏ hơn 30 năm trước, nay các cột gỗ xuống cấp, ông phải dựng lại nhà nhưng các tấm ván gỗ sa mu vẫn còn gần như nguyên vẹn. Để bảo vệ loài gỗ quý này, ông tái sử dụng nó để làm trần áp mái, còn phần mái thì dùng tôn để thay thế. Nhiều gia đình khác ở Mường Đán cũng sử dụng cách làm này vì gỗ sa mu đã bị nghiêm cấm khai thác để bảo tồn.

Sa mu dầu không chỉ có giá trị về mặt khoa học, về nguồn gien, kinh tế mà nó còn tạo ra các ảnh hưởng về văn hóa, tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng biên giới Việt - Lào này. Một số chuyên gia về thực vật khẳng định sa mu dầu chính là loại gỗ ngọc am huyền thoại được dùng để ướp xác của người xưa. Năm 1995, trong một chuyến điều tra rừng, các nhà lâm nghiệp tình cờ phát hiện cây sa mu dầu có mặt ở Pù Hoạt. Năm 2016, 56 cây sa mu dầu cổ thụ ở Pù Hoạt đã được công nhận là Cây di sản. "Hồi trước có ai biết cây sa mu quý hiếm đâu, cứ thấy nó thơm, bền nên chúng tôi khai thác. Bây giờ biết nó quý hiếm thì bảo vệ chứ không ai dám đụng đến cây nữa", ông Hùng nói.

Dưới nếp nhà sàn: Ngôi làng Thái cổ giữa đại ngàn  - Ảnh 2.

Trang phục truyền thống của người Thái ở Mường Đán

Bảo tồn văn hóa để làm du lịch

Mường Đán sau này được chia tách thành 2 bản Na Xái và Hủa Mương. Hai bản này chỉ cách nhau một con dốc. Cách đây vài năm được tái nhập và đổi tên thành bản Long Thắng. Mường Đán có từ khi nào thì đến nay những cao tuổi ở đây không ai biết rõ. Cụ Lô Thị Bính (83 tuổi) nói cụ sinh ra và lớn lên ở Mường Đán đã thấy rất nhiều gia đình sinh sống ở đây rồi. Trải qua nhiều thế hệ, người Thái đã biến vùng đất thâm u giữa đại ngàn này thành bản làng trù phú với những ngôi nhà sàn san sát, khang trang và những khu rừng quế mang lại giá trị kinh tế cao.

Dưới ngôi nhà sàn ở Mường Đán vẫn còn những chiếc khung cửi. Đó là công cụ có từ xa xưa của người Thái để tạo nên các bộ trang phục độc đáo của cộng đồng này. Phụ nữ Mường Đán rất thích mặc trang phục của dân tộc mình và họ tự tay dệt vải và may thành áo, váy để mặc. Ông Lô Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch, cho biết do sống biệt lập nên đến nay người dân Mường Đán còn giữ gìn khá nguyên vẹn nét văn hóa đặc trưng của mình, từ không gian sinh tồn đến ngôn ngữ, trang phục, âm nhạc và phong tục, tập quán. Đây là giá trị mà chính quyền xã đang sử dụng để biến Mường Đán thành điểm du lịch trải nghiệm văn hóa.

Cách Mường Đán chỉ chừng nửa cây số là con suối có thác 7 tầng. Thác nước nằm trong cánh rừng già này gần đây đã trở thành địa điểm gây được chú ý nhờ vẻ đẹp hoang sơ của nó. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ cho 6 hộ dân ở Mường Đán xây dựng nhà ở của họ thành điểm homestay và đã có vài gia đình đủ điều kiện để đón khách lưu trú. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.