Đường 1C huyền thoại: Lịch sử không bị lãng quên

17/12/2023 07:05 GMT+7

Nước mắt của người kể chuyện và cả người nghe đã rơi khi tham gia buổi trò chuyện 'Lịch sử đường 1C xưa và nay' do Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên VN phía nam và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) tổ chức chiều 15.12.

Con đường thấm đẫm máu và nước mắt

Mở đầu buổi trò chuyện tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, TS Lê Hồng Liêm, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, hiện là Trưởng ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên VN phía nam, Phó chủ tịch T.Ư Hội Hữu nghị VN - Campuchia, nhớ lại những ngày đầu khai phá con đường 1C.

Đường 1C huyền thoại: Lịch sử không bị lãng quên - Ảnh 1.

Bà Đoàn Thị Hồng Thắm, nguyên Tiểu đội trưởng TNXP

Đ.T

Hưởng ứng phong trào "Năm xung phong" do đại tướng Nguyễn Chí Thanh phát động ở miền Nam, dưới sự chỉ đạo của T.Ư Cục miền Nam, con đường 1C được hình thành năm 1967.

Ông Trần Văn Mãnh, nguyên Tổng đội trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong (LLTNXP), chia sẻ LLTNXP giải phóng miền Nam được thành lập cùng thời điểm hình thành đường 1C, hoạt động theo mô hình quân đội, phục vụ chiến đấu dưới sự chỉ đạo của Đoàn thanh niên.

Nhà văn Trầm Hương, tác giả cuốn Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái, đã nêu bật sự hy sinh âm thầm, lặng lẽ của LLTNXP ngày đó. "Nhiều nhân chứng sống - những cô gái năm xưa trung dũng, kiên cường - đã tạo cho tôi cảm hứng để viết cuốn sách. Không ít người trở thành liệt sĩ, anh hùng… Tôi nhớ như in một nữ TNXP từng kể chị liều mình dập khói màu máy bay trinh sát địch thả xuống khi phát hiện bộ đội trong lằn đạn xối xả. Đồng đội khi viếng mộ liệt sĩ Võ Thị Phiêu đều nhắc ngón tay búp măng thon dài mang nhẫn cưới của chị bị sưng tấy do đạn pháo, các anh phải cắt bỏ vì bị hoại tử nhưng rồi chị cũng không qua khỏi… Họ từng gồng gánh sứ mệnh thiêng liêng của dân tộc trên đôi vai gầy gò nhỏ bé với một niềm tin tất thắng gần như thiêng liêng. Giờ đa số sống trong nghèo khó, chỉ đau đáu mong mỏi: đất nước hòa bình, người dân được cơm no, áo ấm. Bình dị như thế! Họ đã nằm xuống cho chúng ta có cơ hội mặc chiếc áo dài ngày hôm nay", nữ nhà văn bùi ngùi kể.

Những nhân chứng sống

Khoảng 400 nữ TNXP đã nằm xuống trên đường 1C và hơn 300 người khác bị thương tật sau chiến tranh.

Bà Đoàn Thị Hồng Thắm, nguyên Tiểu đội trưởng TNXP, kể trong nước mắt: "Mùa khô thì địch càn, mùa nước nổi trực thăng quần thảo, xả súng điên cuồng. Năm 1968 - 1969 là giai đoạn ác liệt nhất, vậy mà đường 1C vẫn sừng sững cho đến ngày 30.4.1975. Chúng tôi phải đi lại bằng xuồng. Có lúc lội nước đến thắt lưng, trời thì mưa tầm tã, ai cũng bị bệnh lác, ngứa khắp người đến mức thành ghẻ. Có lần suốt cả tháng trời chúng tôi vận chuyển vũ khí, đứa nào mặt cũng không còn chút máu vì… đói, ăn toàn cháo, không tìm đâu ra muối".

Đường 1C huyền thoại: Lịch sử không bị lãng quên - Ảnh 2.

Ảnh bà Nguyễn Minh Hạnh, cựu binh Quân khu 9 chụp năm 1973

NVCC

Một năm, mỗi người được phát hai bộ đồ nên ai cũng phải giữ cẩn thận, sợ rách. "Nhiều chị xắn quần, xắn tay áo bị cỏ cắt rướm máu vẫn cam chịu vì "thân thể trầy xước còn lành chứ quần áo rách không có mà thay". Giặc hung tàn cỡ đó mà không sợ, lại sợ con đỉa bám vào người. Tiểu đội tôi chỉ huy toàn nữ từng chiến đấu với địch, đứa nào cũng thủ lại 1 viên đạn trong súng AK để tự xử, không cho giặc bắt và tra tấn. Chị Thám Hoa bị thương cuộn mình trong tro tàn, địch tưởng chết nên bỏ đi. Chị Hồng Lãm cắn lưỡi quyên sinh khi bị địch bắt. Con gái Cà Mau anh hùng thế đấy", bà Thắm kể giọng tỉnh queo mà người nghe lại sụt sùi thương cảm. 16 tuổi, bà đã tham gia LLTNXP dù gia đình không cho. Bà thuyết phục nên gia đình ra "phán quyết": gian khổ cỡ nào cũng phải chịu, không đầu hàng, không được đào ngũ.

Bà Nguyễn Minh Hạnh, cựu binh Quân khu 9, nhìn nhận ở miền Nam khi ấy có những người con gái 15, 16 tuổi tối còn sờ vú bà, sáng đã ra đi theo tiếng gọi Tổ quốc. "Đêm trước khi gia nhập LLTNXP họ còn vá áo cho em, cho cháu, dọn dẹp nhà cửa. Gia đình có con gái đi đánh giặc đều lo sợ mang bầu, chửa hoang, nhục nhã gia đình. Vậy mà không nghe ai bị tai tiếng, dù có lúc tiểu đội cả nam lẫn nữ phải giăng mùng ngủ giữa đồng hoang. Họ vĩ đại lắm. Có đất nước nào như thế không? Sự hy sinh của họ là quá lớn cho dân tộc này, đất nước này và chúng ta - những người được sống trong hòa bình - không được lãng quên", bà Hạnh nói.

Bà Thắm nhớ thêm: "Tổ chức luôn giáo dục chúng tôi tạm gác chuyện yêu đương vì mục tiêu lớn của dân tộc. 100% nữ TNXP bị bệnh lác vì suốt ngày ngâm mình dưới nước, phần đông đều mắc bệnh phụ khoa. Sợ nhất là dịch thương hàn do nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng khi quá nhiều thi thể của cả hai bên thối rữa phía thượng nguồn sau cuộc chiến. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác, phải uống để sinh tồn".

Hy sinh là thế, tổn thất là thế, nhưng giờ đây họ vẫn âm thầm hỗ trợ đồng đội. Bà Huỳnh Thị Bé (An Giang) vận động xây nhà tình nghĩa cho các chị từng thuộc LLTNXP và còn nhiều đồng đội khác nữa đã hợp sức cùng bà. 100 căn nhà tình nghĩa được dựng lên cho các đồng đội TNXP, tuy vậy cơ chế, chính sách cho họ cũng còn thiếu và ít.

Gần 60 năm trôi qua, đường 1C huyền thoại vẫn còn đó, như chứng nhân một giai đoạn lịch sử bi tráng đầy hào hùng của dân tộc với sự đóng góp không hề nhỏ của những đôi tay chỉ dành để làm đẹp cho đời, nhưng vì "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" nên họ đã cầm súng xông pha… 

Theo cựu binh Nguyễn Hữu Châu (con trai luật sư Nguyễn Hữu Thọ), đường 1C không độc đạo mà là một hệ thống đường cả bộ và thủy kéo dài từ kênh Vĩnh Tế (Kiên Giang) giáp biên giới Campuchia về đến U Minh Thượng, U Minh Hạ (Cà Mau). Tháng 7.1967, Khu ủy quyết định thành lập tuyến đường này nhằm chuyển vũ khí từ Campuchia về chiến trường Tây Nam bộ sau khi đường Hồ Chí Minh trên biển bị đánh phá ác liệt. Hơn 13.000 tấn vũ khí được tiếp nhận và vận chuyển trên tuyến đường 1C, đưa rước hơn 30.000 người ngược xuôi. Hàng ngàn tấn bom đạn đã dội xuống con đường huyết mạch này, nhiều người đã nằm xuống khi miền Nam chưa giải phóng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.