|
Ông Nguyễn Văn Nhi, Phó tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc (VEC), cho rằng vị trí mặt đường bị lún nứt do nằm trong nền đất yếu. Theo thiết kế, những vị trí này cần phải áp dụng biện pháp xử lý nền đất yếu bằng giếng cát, bấc thấm và gia tải chờ lún 4 - 7 tháng.
Do giải phóng mặt bằng khó khăn, tới tháng 3.2012 mới giải phóng mặt bằng xong tại 2 khu vực này, theo đúng yêu cầu kỹ thuật phải đến tháng 1.2013 mới có thể đưa dự án vào khai thác. Tuy nhiên, với mục tiêu thông xe vào 30.6.2012, đơn vị này đã báo cáo Bộ GTVT và được cho phép các vị trí đang xử lý nền đất yếu được dỡ tải sớm để làm mặt đường quá độ (sau khi hết lún nứt sẽ thảm bê tông nhựa). Cũng theo VEC, việc này đã được Hội đồng nghiệm thu nhà nước chấp thuận.
Ông Nhi cho biết trước mắt sẽ khắc phục tạm các điểm lún nứt, ổ gà. Tới tháng 3.2013, khi hết thời gian gia tải, chờ lún, đơn vị này mới hoàn thiện, trải thảm bê tông nhựa hai đoạn đường trên. Chi phí xử lý lún cũng như trải thảm vẫn nằm trong dự toán kinh phí thi công toàn tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, vì theo ông Nhi, do chờ chất tải đầy đủ thời gian, nên kinh phí thực hiện vẫn còn nguyên.
Trả lời câu hỏi tại sao phải ép tiến độ thông xe toàn tuyến vào 30.6.2012 trong khi yêu cầu kỹ thuật không cho phép, ông Nhi cho rằng mục tiêu thông xe là của cả VEC cũng như yêu cầu của Bộ GTVT. “Hai đoạn đường này dài 300 m, nếu dừng để chờ sẽ tổn phí với cả 50 km toàn tuyến, nên chúng tôi xử lý làm đường quá độ, chờ tải đối với hai đoạn trên để đưa cả tuyến vào khai thác, tránh lãng phí”, ông Nhi lý giải.
Mai Hà
Bình luận (0)