Tóm nhầm... cá lớn
Ở một góc kín đáo tại phi trường Fiumicino của Ý vào một ngày đầu năm 2006, cảnh sát thuộc đội chống mafia tiến hành kiểm tra hành lý của một hành khách chuẩn bị bay đến Libya vì nghi ngờ tay này buôn lậu ma túy. Thế nhưng, cái mà họ tìm thấy lại là một manh mối dẫn đến một bí mật còn quan trọng hơn nhiều. Thay vì heroin, cảnh sát đã lôi ra những chiếc mũ sắt, áo chống đạn và một cuốn catalogue vũ khí.
Phát hiện trên đã kéo đội chống tội phạm trong chiến dịch Parabellum vào các cuộc theo dõi qua điện thoại và thư điện tử kéo dài cả tháng trời. Sau khi phân tích một khối lượng thông tin khổng lồ về các giao dịch tại thị trường chợ đen nước này, cuối cùng giới chức Ý cũng lần ra một đầu mối mới: Một nhóm doanh nhân Ý đã thực hiện nhiều phi vụ buôn bán vũ khí lậu cho Libya thông qua những công ty nước ngoài ở Malta và Síp. Theo Hãng tin AP, trước khi bị phát hiện, những tay này đang thương lượng để cung cấp hơn 100.000 khẩu súng cho khách hàng ở Iraq.
Hợp đồng gần 40 triệu USD
D.Razzi, chỉ huy chiến dịch Parabellum, hết sức ngạc nhiên khi tìm ra các chứng cứ cho thấy khách hàng của những tổ chức tội phạm trên lại chính là chính quyền Iraq do Mỹ đỡ đầu. AP dẫn nguồn tin từ cơ quan điều tra cho biết hợp đồng bán vũ khí cho Iraq đã manh nha vào tháng 11 năm ngoái. Khi đó, Công ty Al-Handal tại Dubai (UAE) đã gửi thư điện tử cho M.Bettinotti, Giám đốc Công ty MIR tại Malta, đặt vấn đề liệu MIR có thể cung cấp 100.000 khẩu AK-47 và 10.000 khẩu súng máy cho khách hàng của họ là Bộ Nội vụ Iraq hay không.
Không những thế, e-mail ghi rõ đơn đặt hàng này đã được sự đồng ý của "chính phủ Mỹ và Iraq". Trước đó, MIR đã cung cấp những thiết bị quan sát vào ban đêm cho Công ty Al-Handal. Cái tên Al-Handal cũng từng xuất hiện trong hồ sơ điều tra vụ xì-căng-đan "Đổi dầu lấy lương thực" tại Iraq cách đây 3 năm.
Việc trao đổi thông qua e-mail của 2 bên diễn ra không mấy thuận lợi. Phía Al-Handal cứ khăng khăng rằng khách hàng (Iraq) muốn có vũ khí do Nga sản xuất, trong khi người Ý lại muốn chào hàng loại AK-47 được sản xuất tại Trung Quốc. Đến tháng 12, những tay buôn lậu người Ý đã tìm được người cung cấp vũ khí do Nga sản xuất đúng theo yêu cầu của khách hàng. Một đầu nậu Bulgaria đã chào hàng 50.000 khẩu AKM, một phiên bản cải tiến của AK-47, 50.000 khẩu AKMS báng xếp và 5.000 súng tự động PKM. Dù chê đắt (với giá chào hàng là 39,7 triệu USD), phía Iraq tỏ vẻ hài lòng.
Nếu chuyện mua bán trót lọt, các ông trùm Ý sẽ thu được 6,6 triệu tiền lợi nhuận. Tuy nhiên, thanh tra D.Razzi đã quăng mẻ lưới tóm gọn 17 kẻ tình nghi tại Ý, trong đó có 4 kẻ chủ mưu, vào đầu năm nay. Theo AP, các nhà điều tra Ý còn phát hiện những nghi can trên đã trả tiền lại quả hơn 500.000 USD cho 2 quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Libya để đẩy nhanh các giao dịch vũ khí do Trung Quốc sản xuất.
Nghi vấn
Từ sự việc trên, các nhà điều tra phát hiện có sự dính líu của một số quan chức Chính phủ Iraq trong hợp đồng mua bán vũ khí từ Ý. Hãng tin AP dẫn lời một quan chức cấp cao thuộc Bộ Nội vụ Iraq thừa nhận rằng bộ này đã mua vũ khí thông qua Al-Handal, ngoài số vũ khí do Mỹ cung cấp. Theo ông, bộ không hề hỏi Al-Handal về nguồn gốc của số vũ khí đặt mua.
Vụ việc này là minh chứng mới nhất cho thấy Iraq đã trở thành thỏi nam châm thu hút các tay buôn lậu vũ khí và là một thị trường súng ống không kiểm soát. Hồi tuần rồi, một ủy ban thuộc Quốc hội Mỹ đã công bố báo cáo rằng Lầu Năm Góc hiện không thể xác định được tung tích của 190.000 khẩu AK-47 và một số lượng lớn quân trang, quân dụng khác. Số vũ khí này có khả năng đã lọt vào tay quân chống đối tại Iraq. Hiện vẫn chưa giải thích được tại sao những quan chức Iraq phải nhờ cậy đến kênh cung cấp lậu để có được vũ khí và những vũ khí trên sẽ được sử dụng như thế nào.
Thụy Miên
Bình luận (0)