Đường dây đánh bạc trực tuyến 30.000 tỉ: Lỗ hổng ngân hàng

28/04/2019 08:00 GMT+7

Sau Rikvip/Tip.Club, lại thêm đường dây đánh bạc trực tuyến Fxx88.com với số tiền cá cược lên tới 30.000 tỉ đồng vừa bị triệt phá gây chấn động dư luận.

Điểm chung của các đường dây đánh bạc trực tuyến này chính là vai trò “cầu nối” thanh toán quan trọng của các ngân hàng, với một loạt giao dịch mờ ám, bất thường, thậm chí thuê cả tài khoản xe ôm, công nhân...

Không biết hay cố tình bỏ qua?

Fxx88.com bị triệt phá không quá bất ngờ với cộng đồng game, casino trực tuyến, bởi đây là một trang web “hot” thu hút số lượng hàng trăm nghìn người chơi trong suốt thời gian dài. Đáng ngạc nhiên là số tiền cá cược của nó quá khủng khiếp. Nếu Rikvip/Tip.Club của ông trùm Phan Sào Nam và 2 cựu tướng công an chỉ gần 10.000 tỉ đồng, thì đường dây này lên tới 30.000 tỉ đồng, gấp 3 lần.
Theo cơ quan điều tra, Fxx88.com hoạt động có tổ chức, trên địa bàn nhiều tỉnh, thành cả nước. Hình thức thanh toán của đường dây đánh bạc này chủ yếu qua hệ thống ngân hàng (NH) bằng các dịch vụ chuyển tiền NH online, dịch vụ chuyển tiền nhanh Zpay, Eeziepay... Sau khi xác thực số tiền người chơi đã nạp vào tài khoản chơi, nhà cái cấp cho người chơi số tiền ảo tương ứng để đánh bạc trên trang mạng. Nhằm thu hút con bạc, các đối tượng đã lập ra hơn 4.000 đại lý lớn, nhỏ trên toàn quốc.
“Thủ đoạn tinh vi và hoàn toàn mới xuất hiện trong đường dây đánh bạc là các đối tượng tổ chức đánh bạc đã thuê tài khoản NH của những công nhân, xe ôm...”, theo nhận định ban đầu từ phía các cơ quan công an. Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, luật sư (LS) Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, cho rằng hình thức thanh toán này thực sự không khó phát hiện, bởi đã xuất hiện những tài khoản NH có lượng giao dịch lên đến hàng chục tỉ đồng/tháng, trong khi chủ tài khoản chỉ là công nhân, có thu nhập chỉ 5 - 7 triệu đồng/tháng.
Lý giải thêm điều này, theo LS Đức, khi mở tài khoản có khá đầy đủ thông tin nhân thân, tài chính của các khách hàng. Không thể có chuyện một người thu nhập thấp, công nhân lại có thể chuyển đi chuyển lại số tiền lớn đến như vậy. Trong khi đó, luật Phòng, chống rửa tiền, cũng như Nghị định 116/2013 đã hướng dẫn, giao dịch có giá trị bất thường, giá trị giao dịch phức tạp vượt qua nhiều địa bàn, quốc gia của khách hàng, tần suất thường xuyên các NH phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, báo cáo NH Nhà nước.
“Với một người lái xe ôm, một công nhân thu nhập chỉ vài triệu/tháng thì lấy tiền ở đâu để giao dịch cả chục tỉ đồng/tháng. Thông tin khách hàng, giao dịch chuyển tiền đi đâu, mục đích gì các NH đều biết. Vấn đề là họ kiểm tra, giám sát, báo cáo như thế nào mà thôi”, LS Đức nói.

Lỗ hổng quản lý các giao dịch bất thường

Cũng cần phải nhắc lại đường dây đánh bạc Rivip/TipClub trước đó. Phía công an xác định, tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là gần 9.600 tỉ đồng. Trong đó, nạp tiền từ các NH là 168 tỉ đồng, chiếm 1,75%. Ngoài ra, đường dây đánh bạc này mở một số tài khoản thanh toán quốc tế thông qua NH để chuyển tiền ra nước ngoài.
Nhiều LS đã tỏ ra bức xúc, khó hiểu khi tòa không làm rõ trách nhiệm của các NH trong vụ án này. Trong khi cáo trạng của Viện Kiểm sát cũng nêu rõ, các nhà mạng và NH đã thu lợi bất hợp pháp hàng ngàn tỉ đồng từ hoạt động đánh bạc này và yêu cầu thu hồi toàn bộ số tiền bất hợp pháp.
Tại tòa, LS Trần Hồng Phúc đặt hàng loạt câu hỏi đối với trách nhiệm của các NH, bởi khi thẩm vấn tại phiên tòa, các bị cáo đều trả lời mọi giao dịch mua, bán tiền ảo (rik) đều ghi rõ trong lệnh chuyển tiền, chẳng lẽ các NH đều không biết các giao dịch như vậy là bất hợp pháp? Còn LS Trương Thanh Đức cho rằng, NH phạm luật rất nghiêm trọng, cụ thể là tiếp tay cho hành vi rửa tiền. Ông Đức nói rằng ở đây phải xử lý trách nhiệm pháp nhân đối với các đơn vị trên, vì nếu không xử lý thì rất không ổn.
LS Đức khẳng định có lỗ hổng rất lớn trong NH liên quan đến việc chuyển tiền thật mua bán tiền ảo: "Không phải NH không biết, thậm chí biết rất rõ nhưng không biết thuộc trách nhiệm của ai. Thực tế, đại lý game thực hiện chức năng thanh toán thì vi phạm luật Các tổ chức tín dụng, vì họ không phải các tổ chức tín dụng thực hiện các chức năng thanh toán; còn các tổ chức tín dụng thì vi phạm luật Phòng, chống rửa tiền".
PGS-TS Ngô Trí Long cũng phân tích thêm, về cơ bản, các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán không có nghĩa vụ và cũng không thể kiểm soát mục đích sử dụng dịch vụ của khách hàng. Tuy nhiên, theo luật Phòng, chống rửa tiền, các NH phải có trách nhiệm rà soát, báo cáo các giao dịch bất thường.
Đặc biệt nếu có vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm xác định, chứng minh sự vi phạm của các bên, bao gồm cả đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán. “Ngành NH cũng quản lý việc chuyển tiền ra nước ngoài rất chặt chẽ. Vậy tại sao đường dây đánh bạc vẫn có thể chuyển một lượng lớn tiền ra nước ngoài? Khách hàng chuyển ra sao, lý do gì, có bất thường không NH phải làm rõ thì mới cho chuyển, không thể dễ dàng chuyển tiền bất chính ra nước ngoài dễ dàng được”, ông Long nói.
Những giao dịch đáng ngờ nào phải báo cáo?
Theo luật Phòng, chống rửa tiền có hiệu lực thi hành từ 1.1.2013, các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực NH bao gồm:
a) Có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản; tiền gửi vào và rút ra nhanh khỏi tài khoản; doanh số giao dịch lớn trong ngày nhưng số dư tài khoản rất nhỏ hoặc bằng không;
b) Các giao dịch chuyển tiền có giá trị nhỏ từ nhiều tài khoản khác nhau về một tài khoản hoặc ngược lại trong một thời gian ngắn; tiền được chuyển qua nhiều tài khoản; các bên liên quan không quan tâm đến phí giao dịch; thực hiện nhiều giao dịch, mỗi giao dịch gần mức giá trị lớn phải báo cáo;
c) Sử dụng thư tín dụng và các phương thức tài trợ thương mại khác có giá trị lớn, tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường;
d) Khách hàng mở nhiều tài khoản tại tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài ở khu vực địa lý khác nơi khách hàng cư trú, làm việc hoặc có hoạt động kinh doanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.