Ngày 19.7, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010, và định hướng 2020 (Nghị quyết 54) kết hợp với Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức hội thảo Phát triển công nghiệp và đô thị vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Duy Hưng phát biểu tại hội thảo |
gia hân |
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư, cho biết sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 54, phát triển kinh tế toàn vùng nói chung và địa phương nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, vấn đề mới phát sinh. Theo Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư, về đô thị có thể thấy việc quy hoạch và quản lý quy hoạch của vùng đồng bằng sông Hồng còn nhiều bất cập.
Dẫn câu chuyện dư luận nhắc đến nhiều về quy hoạch thủ đô Hà Nội, ông Hưng nhấn mạnh: "Đường Lê Văn Lương điển hình quy hoạch và quản lý quy hoạch bất cập".
Theo ông Hưng, quy hoạch bất cập, không đồng bộ trong hạ tầng dẫn đến tình trạng mưa to là ngập lụt, tắc đường hay tình trạng thiếu cây xanh trong đô thị.
Theo Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, tác động ngày càng lớn cần phải đánh giá lại những gì đã làm được, chưa làm được sau 17 năm qua ở vùng Đồng bằng sông Hồng trong lĩnh vực công nghiệp và đô thị. Từ đó có những tổng kết, báo cáo, đánh giá để trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới, đặt ra những vấn đề chiến lược, dài hạn trong thời gian sắp tới.
Tại hội thảo, lãnh đạo Ban Kinh tế T.Ư cũng cho biết cần thay đổi nhận thức, tư duy về vấn đề liên kết vùng. Ông Trần Duy Hưng cũng nhắc lại câu nói của Bí thư Bình Dương Nguyễn Văn Lợi trong một hội thảo về liên kết vùng phía nam “thể chế vùng của chúng ta như một câu lạc bộ".
Chính vì vậy, Ban chỉ đạo rất muốn nghe những ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học để có những phương án tối ưu về liên kết vùng, liên kết nội vùng, tạo động lực cho phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Hồng.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành và các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng |
gia hân |
Nêu ý kiến tại hội thảo, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng trong quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trong vùng vẫn còn nhiều hạn chế. Theo ông Chính, bất cập nhất chính là quản lý phát triển đô thị. “Cứ làm xong quy hoạch nhưng nhà đầu tư vào thì lại thay đổi, điều chỉnh, lái thế này, lái thế kia. Như đường Lê Văn Lương ở Hà Nội, đang thành điểm nóng và Chính phủ cũng nhìn thấy điều này. Cứ thế điều chỉnh lên bao nhiêu tầng”, ông Chính nói. Ông Chính cho rằng, quy hoạch phải trên cơ sở mật độ dân cư và sự phát triển đồng bộ của hạ tầng. “Chứ còn anh chồng tầng lên thì chỉ tốt cho nhà đầu tư còn người dân thì rất là khổ”, ông Chính nói và dẫn chứng khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội), diện tích chỉ 3 ha nhưng chồng hàng chục nhà cao tầng mà “chỉ 3 cái như thế thì dân số đã bằng một 1 phường”. “Tôi nghĩ vấn đề quản lý quy hoạch địa phương rất quan trọng”, ông Chính nhấn mạnh.
Trong tham luận gửi tới hội thảo, Bộ Xây dựng cũng đánh giá ngoài liên kết giao thông, các liên kết về hạ tầng khác của vùng đồng bằng sông Hồng chưa thực sự mạnh, chưa đồng bộ.
Bộ Xây dựng cũng đánh giá, hệ thống hạ tầng đô thị của vùng nhìn chung còn thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo sự kết nối giữa đô thị và vùng.
Tình trạng ngập úng vẫn còn, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Hệ thống đường sắt đô thị được tập trung đầu tư, nhưng tiến độ triển khai còn chậm so với kế hoạch.
Bộ Xây dựng cũng đánh giá, tình trạng quá tải, tắc nghẽn giao thông tại các đô thị lớn là Hà Nội chậm được giải quyết. Hạ tầng cấp thoát nước đô thị cấp thoát nước còn bất cập, chưa có giải pháp hữu hiệu cho tình trạng ngập úng.
Cũng theo Bộ này, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ cùng với tác động của biến đổi khí hậu tạo ra thách thức về quy hoạch để đảm bảo đáp ứng cơ sở hạ tầng cho phát triển hệ thống đô thị tương lai.
Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54 và Kết luận số 13 ngày 28.10.2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 được giao cho Ban Kinh tế T.Ư chủ trì; trên cơ sở đó tham mưu Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninhvùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam.
Bình luận (0)