Đường lên đỉnh Olympia: Tại sao vẫn 'nóng' sau 19 năm?

16/09/2019 20:30 GMT+7

Mỗi năm Đường lên đỉnh Olympia có 144 thí sinh tham gia 'leo núi'. Trong 19 năm qua, chương trình đã có sự tham gia của 2.736 thí sinh. Đâu là lý do để gameshow truyền hình này vẫn 'hot' sau 19 năm?

Chương trình chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19 vừa khép lại, để lại nhiều dư âm cảm xúc cho người xem. Trong thời đại của rất nhiều gameshow tồn tại một vài năm rồi biến mất thì Đường lên đỉnh Olympia vẫn thu hút một lượng người xem trung thành và không có dấu hiệu suy giảm.

Lớn lên cùng Olympia, cùng leo núi qua màn ảnh

Nguyễn Hải Đăng, 21 tuổi, sinh viên khoa vật lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết: “Em sinh năm 1998, chương trình đầu tiên của Olympia lên sóng năm 1999, tức là khi em chỉ là cậu bé 1 tuổi. Từ khi 6 tuổi, học lớp 1 em đã ngồi trước màn hình để xem chương trình Đường lên đỉnh Olympia, đến giờ đã theo dõi chương trình này 15 năm. Khi lên cấp 2, cấp 3 thì đã ngồi để thi cùng các “nhà leo núi”. Đã có lúc em ước giá như mình là một trong những người được thi. Nhưng sau này, em thấy mình còn nhiều hạn chế, em đã không thực hiện được điều ao ước đó, tuy nhiên với em chương trình vẫn luôn truyền cảm hứng tích cực cho người trẻ”.

Nguyễn Hải Đăng, 15 năm theo dõi Đường lên đỉnh Olympia

Thúy Hằng

Theo Nguyễn Hải Đăng, độ "hot" của Đường lên đỉnh Olympia có thể đến từ những tấm gương những bạn trẻ giỏi, bản lĩnh, tự tin, chính họ đã truyền năng lượng tích cực cho nhiều bạn khác; bộ câu hỏi hay, ý nghĩa ở tất cả các lĩnh vực của cuộc sống; những người dẫn chương trình ấn tượng, phải kể đến như nhà báo Tạ Bích Loan, Tùng Chi, Lưu Minh Vũ, Kiều Anh, Khánh Chi, Diệp Chi…

Thần tượng của nhiều người trẻ

Nguyễn Bảo Thuận Kiều, 27 tuổi, hiện sống tại Thành phố Mới Bình Dương, cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 11, cho biết nhiều bạn trẻ rất thần tượng những thí sinh tham gia chương trình truyền hình này, nhiều em luôn ngưỡng mộ và học hỏi, ao ước làm sao có thể trở thành một trong những thí sinh được tham gia. “Không chỉ cá nhân mỗi học sinh được dự thi Olympia, mà nhà trường, thầy cô, cha mẹ cũng sẽ ủng hộ, động viên, cổ vũ, điều này càng góp thêm sức 'nóng' của Đường lên đỉnh Olympia. Sau 19 năm, Olympia ngày càng hiện đại hơn, bắt kịp xu thế hơn nhưng vẫn giữ được 'chất' và sự máu lửa của mình”, Kiều nói.

Nguyễn Hoàng Cường (Quảng Ninh) quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2018

Quỳnh Anh

Lan tỏa khắp Việt Nam từ miền núi tới hải đảo, thành thị…

Thạc sĩ Phạm Vũ Lộc, thí sinh Olympia năm thứ 8, đang làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, lý giải những nguyên nhân khiến Đường lên đỉnh Olympia có những giá trị lâu dài: “Chương trình tạo ra một sân chơi, một cuộc thi đấu về trí tuệ của những học sinh giỏi, đối tượng được xã hội coi trọng và đầu tư rất nhiều nguồn lực. Từ mái tranh nghèo đến những căn nhà đô thị, gia đình nào cũng đau đáu vì thế hệ tương lai của mình. Chương trình vô hình trung tạo ra những hình mẫu đáng mong ước của nhiều người. Vì thế, việc thu xếp công việc để đón xem Đường lên đỉnh Olympia vào khung giờ chủ nhật hằng tuần đôi khi trở thành thói quen của nhiều người, nhiều thế hệ”.

Cựu thí sinh Olympia trong một lần gặp mặt tại Đà Lạt 2018

Quang Tuệ

“Đường lên đỉnh Olympia được phát sóng trên VTV3, kênh truyền hình có lượt xem cao của VTV. Từ miền núi cho đến hải đảo, từ thành thị đến nông thôn, chỉ cần một chiếc tivi là ai cũng có thể xem và cuốn hút vào những chặng thi đấu gay cấn. Nhiều khi xem Đường lên đỉnh Olympia tôi có cảm giác như nhiều người đang thưởng thức một trận bóng đá của đội tuyển quốc gia, vừa háo hức vừa hồi hộp, nhiều khi cảm xúc đến nghẹt thở”, thạc sĩ Phạm Vũ Lộc nói.
Theo cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia, chương trình có những ê kíp chuyên nghiệp, tâm huyết, liên tục được đổi mới, cuốn hút hơn. “Nếu so sánh chương trình của năm thứ 19 này với chương trình của những năm đầu, khi chưa có các thiết bị tiên tiến, trường quay hiện đại, chưa có mạng xã hội tương tác, các hoạt động bên lề, ai cũng có thể thấy chương trình đã phát triển rất nhiều, bắt kịp nhiều xu thế. Tuy vậy, giá trị xuyên suốt mà chương trình tạo ra cũng như mang lại cho quảng đại công chúng thì hầu như không hề suy biến”, thạc sĩ Phạm Vũ Lộc trao đổi.
Một gameshow truyền hình hoàn toàn “made in Việt Nam”
Đường lên đỉnh Olympia là trò chơi truyền hình hoàn toàn “made in Việt Nam”, format hoàn toàn do VTV lên ý tưởng và sản xuất. Ngày 21.3.1999 đã trở thành một thời điểm đáng nhớ của những ai yêu thích chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Đúng 10 giờ sáng hôm đó, chương trình đầu tiên Đường lên đỉnh Olympia lên sóng VTV3.
Mỗi năm Đường lên đỉnh Olympia sẽ có 144 thí sinh - những nhà leo núi thi đấu tìm ra những người xuất sắc nhất. Như vậy trong 19 năm qua, chương trình đã có sự tham gia của 2.736 thí sinh. 19 nhà leo núi xuất sắc nhất trong 19 năm trở thành quán quân của Đường lên đỉnh Olympia giành học bổng du học tại Úc.
Trong Gala chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 15, nhà báo Tạ Bích Loan, người dẫn chương trình đầu tiên của Đường lên đỉnh Olympia cho biết sau khi chương trình 7 sắc cồng vồng kết thúc thành công, mọi người luôn mong muốn có một gameshow nào đó thật đặc biệt cho học sinh phổ thông. Là người viết format của chương trình, nhà báo Tạ Bích Loan đã nghĩ tới một chặng đường leo núi, do đó, cấu trúc của cuộc thi gồm có 4 phần là khởi động, vượt chướng ngại vật, tăng tốc, về đích.
Nhà báo Tạ Bích Loan chưa quên những ngày đầu tiên của chương trình Đường lên đỉnh Olympia, một căn phòng ở trên tầng 4 luôn đóng cửa, chị và bạn Tùng Chi vò đầu bứt tai, nghĩ ra những câu hỏi để làm khó thí sinh…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.