Năm nay đường mai và phố ông đồ có gì hấp dẫn? phóng viên Thanh Niên đã phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, đơn vị tổ chức Lễ hội Tết Việt (bao gồm không gian đường mai, phố ông đồ...) để “bật mí” về sự hoành tráng của thiên đường sống ảo mỗi dịp cuối năm này.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM |
NỮ VƯƠNG |
Đường mai đẹp rực rỡ chờ đón người trẻ
Cứ đến thời điểm cuối năm là mọi người lại nôn nao chờ đợi không gian đường mai và phố ông đồ để đến vui chơi, chụp hình. Vậy năm nay Lễ hội Tết Việt tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?
Năm nay Lễ hội Tết Việt được chuẩn bị rất chu đáo, chính thức khai mạc và mở cửa để mọi người đến vui chơi, chụp hình vào 16 giờ 30 ngày 5.1 (tức ngày 14 tháng chạp). Lễ hội sẽ kéo dài đến hết mùng 5 tết, tuy nhiên các hoạt động diễn ra chủ yếu trong vòng 15 ngày (từ 14 đến hết 29 tháng chạp), sau đó chỉ còn lại không gian đường mai, phố ông đồ… để mọi người đến thưởng lãm và chụp hình.
Đường mai ngày tết luôn thu hút người trẻ |
Năm trước, tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên cũng gây nhiều hạn chế. Còn năm nay, khi cuộc sống đã bình thường mới trở lại, thì Lễ hội Tết Việt dự kiến sẽ bùng nổ và tươi mới thế nào, thưa ông?
Lễ hội Tết Việt năm nay được đầu tư tốt hơn, lớn hơn để mọi người có thể đến thưởng lãm, vui chơi và tham gia các hoạt động một cách ý nghĩa nhất.
Cũng như mọi năm, tại Lễ hội Tết Việt, phố ông đồ sẽ được tổ chức ở mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Thị Minh Khai. Tuy nhiên, nếu như những năm trước có khoảng 20 ông đồ tham gia thì năm nay có đến gần 50 ông, bà đồ trẻ đăng ký tham gia. Số lượng các khu vực dành cho các ông đồ cũng được ban tổ chức (BTC) bố trí tăng lên.
Khu vực vườn mai năm nay cũng có nhiều nét mới. Vườn mai chỉn chu hơn, chất liệu tốt hơn, cách sắp đặt cũng mới lạ với hơn 100 gốc mai bao phủ mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch và trong sân Nhà văn hóa Thanh niên. Tất cả được sắp đặt nghệ thuật, đẹp mắt và hài hòa với các gian hàng dựng bằng đước, lá dừa… tạo nên không khí ngày tết tươi vui, gắn với hình ảnh loài hoa đặc trưng ngày tết Nam bộ.
Các hoạt động vui chơi, giải trí, biểu diễn nghệ thuật, các hoạt động tương tác… cũng sẽ được tổ chức đầy đủ. Tuy nhiên, năm nay các hoạt động sẽ gắn với kỷ niệm 55 năm Tết Mậu Thân 1968 và Tết Quang Trung nên sân khấu sẽ có sự đầu tư lớn hơn rất nhiều, để người trẻ đến đây có thể vừa tham gia các hoạt động, vừa cùng chụp những tấm hình gắn với các sự kiện lịch sử.
Phố ông đồ cũng rất hấp dẫn các bạn trẻ |
Độc đáo ruộng lúa nam bộ ngay tại TP.HCM
Những nét mới mà ông vừa đề cập trong các không gian tại Lễ hội Tết Việt năm nay cụ thể như thế nào?
Năm nay, chúng tôi chú trọng việc sắp đặt không gian tết Việt của miền quê. Cách sắp đặt được đầu tư bài bản, chẳng hạn như khi đến với lễ hội thì đầu tiên các bạn sẽ bước qua một cổng tre với vườn mai, bên phải là ruộng lúa được sắp đặt nhiều tầng rất đẹp. Bên trái là một sân nhà được lát gạch thẻ, gắn với những sản phẩm đan mây, tre, lá của người Nam bộ, cùng những chậu hoa cúc tạo cho mọi người cảm giác như ở một vùng quê rất đẹp trong ngày xuân.
Ngoài đường mai ngay mặt tiền, đi sâu vào trong sẽ là vườn mai với nhiều mô hình bằng gỗ được kết nối dưới những gốc mai, tạo nên các bục ngồi rất tự nhiên để mọi người tạo dáng chụp hình và nghỉ chân thưởng lãm vườn mai đẹp rực rỡ.
Đối diện với vườn mai, chúng tôi tái hiện gian bếp rất thật, giản dị và mộc mạc của người Nam bộ xưa. Điểm độc đáo là gian bếp được trang trí với hơn 10.000 trái bắp phơi khô tương tác với những vật dụng trong không gian bếp xưa của người Việt. Năm nay, BTC đã chuẩn bị từ sớm, đặt nông dân ở Cần Thơ trồng hơn 2.000 chậu lúa để tái hiện một ruộng lúa được cách điệu nhiều tầng, gợi liên tưởng đến những cánh đồng cò bay thẳng cánh của đồng bằng Nam bộ.
Đặc biệt, sân khấu được thiết kế như những bức tường thành với rực rỡ sắc mai, đào, cúc, sẽ mang đến không khí Tết Quang Trung hào hùng thuở xưa. Ngoài ra, còn có những gian hàng mua sắm và ăn uống cho người trẻ khi đến đây vừa được vui chơi, chụp hình, vừa được giải trí, ăn uống và mua sắm.
Qua những không gian truyền thống được tái hiện, BTC Lễ hội Tết Việt muốn nhắn gửi điều gì?
Với chủ đề “Thành phố tôi yêu”, BTC mong muốn gửi gắm đến các bạn trẻ hãy luôn có niềm tin và tự hào về thành phố của mình. Từ sự tự hào và niềm tin đó thì các bạn cùng mọi người sẽ góp sức, vượt khó và mạnh dạn dấn bước để thành phố của chúng ta ngày càng phát triển.
Ông đồ ngày xuân |
Và cho dù chúng ta có hội nhập, có phát triển vượt bậc ở nhiều khía cạnh thì những giá trị truyền thống vẫn là cốt lõi, mọi người phải luôn gìn giữ và phát triển dựa trên những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương mình.
Đây chính là thông điệp mà Lễ hội Tết Việt năm nay muốn hướng đến.
Qua các năm, sức hút của Lễ hội Tết Việt đã được minh chứng như thế nào, thưa ông?
Đã qua 16 năm, Lễ hội Tết Việt vẫn luôn tạo sức hút rất lớn không chỉ với người trẻ mà với cả nhiều lứa tuổi, thành phần người dân thành phố. Qua mỗi năm, lượng khách đến ngày càng đông. Năm trước, qua thống kê có hơn 200.000 lượt khách đến với lễ hội. Năm nay, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, mọi người càng có thêm nhu cầu vui chơi, chụp hình dịp tết, nên BTC đã có sự chuẩn bị rất chu đáo để mọi người đến đây có thể thưởng lãm một cách hoàn hảo nhất, từ an ninh trật tự đến vấn đề vệ sinh…
Xin cảm ơn ông đã chia sẻ về đường mai trong Lễ hội Tết Việt 2023
Bình luận (0)