Đường sắt cao tốc Bắc-Nam: 'Công nghệ nước nào cũng được nhưng phải chuyển giao cho ta'

13/11/2024 14:39 GMT+7

Góp ý đề án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đại biểu Quốc hội cho rằng, công nghệ nước nào cũng được, song phải chuyển giao để Việt Nam làm chủ mới có thể đảm bảo tiến độ đặt ra.

Sáng 13.11, sau khi nghe tờ trình, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại tổ về chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam vận tải hành khách hay hàng hóa?

Đường sắt cao tốc Bắc-Nam: 'Công nghệ nước nào cũng được nhưng phải chuyển giao cho ta'- Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM)

ẢNH: GIA HÂN

Nêu ý kiến tại tổ TP.Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường nói ông băn khoăn khi đề án nói tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam chỉ chở hành khách còn hàng hóa chỉ "lưỡng dụng trong trường hợp cần thiết". Việc vận tải hàng hóa được giao cho tuyến đường sắt cũ.

Ông cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển kinh tế Việt Nam là vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất khẩu, kết nối quốc tế. Thực tế hiện nay hàng hóa chủ yếu được vận chuyển bằng đường bộ còn đường sắt khổ 1 m không vận chuyển được hàng hóa.

"Tôi thấy điểm đầu tiên dù không quy định chi tiết nhưng phải quy định tuyến này là tuyến lưỡng dụng cả hàng hóa và hành khách và phải giải quyết được vận chuyển hàng hóa cho liên thông quốc tế. Nếu không liên thông quốc tế thì có thể là một cái bẫy trong quá trình đầu tư tuyến đường sắt này", ông Cường nêu.

Tại tổ TP.HCM, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cũng băn khoăn vấn đề đường sắt cao tốc Bắc - Nam chở khách hay chở hàng vì quan trọng nhất hiện nay là chở hàng chứ không phải chở người.

"Hiện nay, nhìn cảnh mỗi lần nông sản đem lên chỉ chạy bằng phương tiện vận tải đường bộ thời gian rất dài", đại biểu Lan nói. Theo bà Lan, với thực trạng này, Trung Quốc chỉ cần đóng biên vài ngày là cả xã hội lo đi giải cứu nông sản. Vậy nên, cái cần là chở hàng, hàng mới cần phải nhanh và phải nối từ Nam ra Bắc. Bà Lan đề nghị tính toán kỹ nhu cầu hành khách của dự án.

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam giải quyết bài toán logistics

Nói thêm về vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT TP.Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho hay, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chủ yếu là để chở hành khách. Một phần sau này sẽ khai thác chở hàng hóa nhẹ, nhanh. Còn đường sắt hiện hữu được dùng để chở hàng hóa.

Ông Nguyễn Phi Thường cho biết, ví dụ như ga Ngọc Hồi là điểm khởi đầu của tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam tại Hà Nội. Còn ga Thường Tín hiện nay sẽ là ga hàng hóa.

Đường sắt cao tốc Bắc-Nam: 'Công nghệ nước nào cũng được nhưng phải chuyển giao cho ta'- Ảnh 2.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP.Hà Nội) nêu ý kiến tại thảo luận tổ

ẢNH: GIA HÂN

Phải chuyển giao để Việt Nam làm chủ công nghệ đường sắt cao tốc

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị trong nghị quyết chủ trương dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải ghi rõ việc đầu tư dự án này phải thực hiện chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. "Chúng ta phải làm chủ quá trình đầu tư để đầu tư toàn bộ các hệ thống đường sắt khác chứ không mua sản phẩm có sẵn dù mua sẵn thì rẻ hơn. Nhưng chúng ta thà đắt một lần nhưng chúng ta mãi mãi bền vững về sau", ông Cường nêu.

Ông Cường so sánh các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM đều kéo dài hàng chục năm không hoàn thành. Trong khi đó, dự án đường dây 500 kV mạch 3 triển khai rất thần tốc. Ông cho rằng, bí quyết để việc triển khai các đại dự án đạt tiến độ là làm chủ công nghệ.

"Do vậy, tôi xin đề nghị tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, không quan trọng là công nghệ của nước nào, nước nào cũng được nhưng phải chuyển giao công nghệ cho ta. Ta phải là nhà đầu tư, ta phải là người nhận công nghệ và triển khai", ông Cường kiến nghị, và cho rằng, nếu giải quyết được vấn đề chuyển giao công nghệ thì sẽ đảm bảo tiến độ. "Nếu như nhà đầu tư nước ngoài vào thì 10 năm chắc chắn không hoàn thành", ông nói thêm.

Quan trọng hơn, theo ông Cường, nếu làm chủ công nghệ thì sau dự án này Việt Nam sẽ có ngành công nghiệp đường sắt. Nếu tiếp tục đi mua thì sau khi hoàn thành dự án sẽ tiếp tục bị phụ thuộc vào thiết bị, vận hành và cả bảo dưỡng, sửa chữa.

"Nếu như vậy thì nó trở thành một cái gánh nặng, một cái món nợ cho tất cả đời sau. Tôi cho rằng cái chi phí ấy là cái lớn", đại biểu đoàn Hà Nội nêu.

Đường sắt cao tốc Bắc-Nam: 'Công nghệ nước nào cũng được nhưng phải chuyển giao cho ta'- Ảnh 3.

Giám đốc Sở GTVT TP.Hà Nội Nguyễn Phi Thường nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ sáng 13.11

ẢNH: GIA HÂN

Cùng quan điểm, Giám đốc Sở GTVT TP.Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho rằng, Việt Nam đang thiếu hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho mạng lưới đường sắt. Ông dẫn chứng 3 tuyến đường sắt đô thị hiện nay là công nghệ của 3 nước khác nhau nên hệ thống tiêu chuẩn rất khác nhau.

Việc chuyển giao công nghệ tới nay mới chỉ dừng ở việc đào tạo phục vụ vận hành còn trang thiết bị khai thác vận hành hầu hết đều nhập khẩu từ nước ngoài, chưa sản xuất trong nước. "Trường hợp phải thay thế phải phụ thuộc vào nhà sản xuất nước ngoài, rất khó khăn", ông Thường nói.

Đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Dẫn kinh nghiệm Trung Quốc, ông Thường đề nghị cần phải xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật nhất quán cho đường sắt. Cùng đó, phải có một cơ quan thống nhất chịu trách nhiệm xây dựng, vận hành, bảo trì đường sắt trên cả nước.

Về chuyển giao công nghệ, ông Thường nhấn mạnh không chỉ chuyển giao khai thác vận hành mà phải bao gồm sản xuất, lắp đặt trang thiết bị đặc biệt công nghệ lõi như tàu điện, đường ray, hệ thống tín hiệu.

Giám đốc Sở GTVT TP.Hà Nội đề nghị các công ty nước ngoài tham gia đấu thầu phải liên doanh với nhà thầu trong nước, đàm phán chuyển giao công nghệ cho công ty trong nước, ký hợp đồng chuyển giao công nghệ hoàn chỉnh trước khi đấu thầu. "Và phải thành lập bộ phận giám sát việc chuyển giao công nghệ này", ông Thường nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.