Quá nhiều sai phạm
Có quá nhiều sai phạm tại Tổng công ty đường sắt VN (ĐSVN) và một số đơn vị thành viên như vấn đề mua ray dự phòng, quản lý vốn vay bằng ngoại tệ, sử dụng quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp, quản lý tài sản cố định, thậm chí cả việc đầu tư xây dựng...
Bên cạnh đó, như kết luận của Thanh tra Chính phủ thì nguyên nhân của những sai phạm này còn bắt nguồn từ sự chậm chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động, không phân định rõ giữa quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, tư duy độc quyền chậm đổi mới. Phải sớm loại bỏ những nguyên nhân này để không lặp lại những sai phạm tương tự.
Đỗ Minh Kiều (H.Long Khánh, Đồng Nai)
tin liên quan
Liều mạng khi vượt barie đường sắtMới đây, khi dừng tại điểm barie chắn tàu ở phố Khâm Thiên (Hà Nội), tôi thấy một số người cố tình vượt qua barie bằng mọi cách, mặc dù nhân viên quyết liệt ngăn cản, khi tiếng còi tàu hú lên báo hiệu đang đến rất gần (ảnh).
Bộ GTVT cần nhận trách nhiệm
Trước những sai phạm của ĐSVN, Bộ GTVT cần kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân liên quan. Đừng để xảy ra tình trạng “kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc” rồi thôi. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng cần thẳng thắn nhận trách nhiệm trong sai phạm của ĐSVN vì là đơn vị quản lý nhưng lại để xảy ra nhiều sai phạm trong thời gian dài như thế.
Nguyễn Vũ Huy Toàn (Q.Đống Đa, Hà Nội)
Lãng phí tiền của nhân dân
Tiền của nhà nước mà giao cho những cán bộ thiếu năng lực, không có tầm nhìn, thiếu lương tâm thì sẽ gây lãng phí, không hiệu quả là điều đương nhiên. Đã bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước bị rơi vào tình trạng tương tự và hao tốn không biết bao nhiêu tiền của nhân dân. Lẽ ra, nếu ngành đường sắt làm đúng và giàu tinh thần trách nhiệm thì nhà nước không bị thâm hụt ngân sách, nhân dân được hưởng những dịch vụ tốt hơn từ ngành đường sắt. Nếu không thay đổi tư duy, thay đổi cách điều hành, vận hành của ngành đường sắt thì biết đến bao giờ người dân mới được đi tàu với tốc độ nhanh hơn, được phục vụ tốt hơn hiện nay?
Trần Tiến Minh (TP.Vinh, Nghệ An)
Đủ kiểu móc tiền ngân sách
Con số 3 năm có 188 đoàn của ngành đường sắt đi nước ngoài khiến người dân không khỏi ngao ngán. Đã sai phạm, gây lãng phí tiền của người dân mà còn vô tư đi du lịch với lý do đi học tập. Đi học tập kiểu gì mà về nước không áp dụng được điều gì hay ho để phát triển ngành đường sắt, giờ tàu chạy cũng không nhanh hơn nhiều so với những năm trước đây, cung cách phục vụ thì như thời bao cấp… Nói thật, nếu ngành đường sắt VN mà xóa bỏ độc quyền, mở cửa cho các doanh nghiệp đầu tư thì sẽ phát triển rất nhanh chóng, người dân sẽ được hưởng lợi.
Võ Hoàng Sang (Q.8, TP.HCM)
Ì ạch mãi
Một đất nước có chiều dài như VN thì việc vận chuyển bằng đường sắt là vô cùng tiện lợi, cho nguồn thu rất lớn. Thế nhưng nhiều năm qua, vận chuyển bằng ô tô, máy bay phát triển một cách vượt bậc thì ngành đường sắt chẳng có gì tiến triển. Lâu thật lâu mới thấy một toa tàu gọi là mới, hiện đại được đưa vào sử dụng. Việc bán vé qua mạng cũng trầy trật, nhất là mùa cao điểm. Đó là do tư duy độc quyền, điều đó ai cũng rõ. Bên cạnh đó, sự quản lý của Bộ GTVT, Bộ Tài chính đối với ngành đường sắt cũng là một nguyên nhân. Phải làm sao thúc đẩy ngành đường sắt phát triển nhanh, mạnh hơn nữa. Không thể để tình trạng ì ạch, cứng nhắc như sắt tồn tại mãi được.
Đào Minh Bằng (P.11, Q.6, TP.HCM)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
Nguyễn Khánh Dũng (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Nguyễn Hoàng Thái (H.Nhà Bè, TP.HCM)
|
Bình luận (0)