Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vì sao không từ Lạng Sơn đến Cà Mau?

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vì sao không từ Lạng Sơn đến Cà Mau?

30/11/2024 13:47 GMT+7

Chính phủ bảo lưu phương án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chạy qua Nam Định, không kéo dài từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau.

Hôm nay 30.11, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Theo dự thảo nghị quyết, dự án có tổng vốn 67,3 tỉ USD, tổng chiều dài 1.541 km, với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Toàn tuyến đi qua 20 tỉnh, thành phố; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM).

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vì sao không từ Lạng Sơn đến Cà Mau?

Chưa xác định thời điểm khởi công

Đáng chú ý, theo Chính phủ, do tính chất phức tạp và dự án lần đầu được triển khai tại Việt Nam, phụ thuộc nhiều vào tư vấn nước ngoài, nên tiến độ mới là dự kiến. Do đó, Chính phủ chưa xác định thời điểm khởi công cụ thể dự án trong nghị quyết. Tương tự mốc thời gian hoàn thành cũng là dự kiến "cơ bản hoàn thành" vào năm 2035.

Có ý kiến đề nghị bổ sung chiều dài tuyến khoảng 2.110 km từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Song theo Chính phủ, quy hoạch mạng lưới đường sắt 2021 - 2030 đã xác định các tuyến đường sắt mới trên hành lang Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cần Thơ, chiều dài 1.871 km, gồm 3 tuyến Lạng Sơn - Hà Nội, Hà Nội - TP.HCM và TP.HCM - Cần Thơ.

Các tuyến này có nhu cầu vận tải khác nhau nên tiêu chuẩn kỹ thuật và loại hình cũng khác nhau. Trong đó, tuyến Lạng Sơn - Hà Nội là loại đường sắt thường, đang lập quy hoạch chi tiết để huy động nguồn vốn đầu tư.

Tuyến Hà Nội - TP.HCM là đường sắt tốc độ cao, tuyến TP.HCM - Cần Thơ là đường sắt thường, dự kiến đầu tư trước 2030. Do đó, Chính phủ giữ nguyên phạm vi dự án từ Hà Nội đến TP.HCM.

Vì sao Chính phủ đặt mục tiêu 2035 'cơ bản hoàn thành' đường sắt tốc độ cao?

Ngoài ra, Chính phủ cũng giữ nguyên "đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng an ninh, có thể vận chuyển hàng hóa khi cần thiết".

Trường hợp xuất hiện nhu cầu hàng nhẹ, thương mại điện tử có giá trị cao sẽ được xem xét khai thác. Trung Quốc hiện đã khai thác tàu hàng cao tốc với vận tốc 350 km/giờ, tương đương tàu khách, chủ yếu vận tải hàng hóa nhẹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.