Đường sắt Trung Quốc đắc lợi nhờ đại dịch

12/06/2021 20:13 GMT+7

Đại dịch Covid-19 đã biến đường sắt của Trung Quốc thành tuyến đường giao thương huyết mạch giữa nước này với châu Âu.

Đại dịch Covid-19 đang gây ra gián đoạn lớn với phương thức vận chuyển qua hàng hải và hàng không. Điều này khiến tuyến đường sắt của China Railway Express trở nên quan trọng hơn. Tuyến đường này đang được xem là giải pháp thay thế rẻ hơn và nhanh hơn để vận chuyển mọi thứ từ Trung Quốc sang châu Âu.

Tuyến đường sắt bắt đầu hoạt động cách đây khoảng một thập kỷ này đang trở thành xương sống trong sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Tuy nhiên, mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và châu Âu trong vấn đề Tân Cương và các vấn đề khác đang tác động đến thương mại hai bên, Nikkei Asia nhận định.

Đổ dồn vào đường sắt

Nhà cung cấp dịch vụ vận tải Trung Quốc SF Holding đã bắt đầu thuê máy bay chở linh kiện điện tử và đồ gia dụng từ Nhật Bản đến những nơi khác nhau ở Trung Quốc. Sau khi hàng hóa đáp xuống, chúng sẽ được đưa lên các chuyến tàu hỏa của China Railway Express đến châu Âu.

Công ty SF Holding từng phải phụ thuộc vào nhà vận chuyển bên ngoài để đưa hàng qua lại giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, do nhu cầu dự kiến tăng lên, công ty này quyết định sẽ tự thuê máy bay. Hiện tại, hãng này mỗi tuần tổ chức 1-5 chuyến bay trên 4 tuyến giữa Osaka và các thành phố của Trung Quốc.

Việc kết hợp vận chuyển hàng không và đường sắt giúp hàng hóa đi nhanh hơn và chi phí rẻ hơn. Thông thường, việc đưa hàng từ Nhật Bản đến châu Âu bằng đường biển sẽ mất khoảng 40 ngày.

Tuy nhiên, nếu hàng được đưa từ Nhật Bản sang Trung Quốc rồi đi tiếp sang châu Âu bằng tàu hỏa, nhà vận chuyển chỉ mất 20-30 ngày và chi phí toàn bộ chặng đường ít hơn một nửa, theo Nikkei Asia. Vì vậy, SF Holding đang có kế hoạch tận dụng nhiều lợi thế nữa của tuyến đường sắt này trong tương lai.

Công ty hậu cần Nhật Bản Nippon Express cũng đang thuê tàu của China Railway Express để đưa thiết bị, phụ tùng ô tô và các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc đến châu Âu.

Đến cuối tháng 3, Nippon Express có kế hoạch cung cấp 25 tuyến vận chuyển dùng đường sắt, bao gồm từ các tỉnh Sơn Đông và Quảng Đông. Công ty này cũng có mục tiêu khai thác 1-5 chuyến hàng/tuần đến các thành phố châu Âu như Duisburg và Hamburg ở Đức.

Biến động trong đại dịch

Việc các công ty vận chuyển đổ dồn vào China Railway Express diễn ra trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu có sự biến động lớn.

Nhu cầu hàng hóa tăng lên ở Mỹ và châu Âu do người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều hơn trong đại dịch. Theo Trung tâm Hàng hải Nhật Bản, số container đi đường biển từ châu Á sang châu Âu vào tháng 2 đã tăng 71% lên 1,16 triệu container so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, đại dịch cũng làm thiếu hụt nhân công tại cảng, khiến việc bốc dỡ hàng hóa bị đình trệ. Việc kênh đào Suez được khơi thông sau thời gian bị chặn lại vào tháng 3 khiến hàng hóa cũng đột ngột đổ về cảng, làm tăng thêm tình trạng hỗn loạn. Bên cạnh đó, công suất vận chuyển trên các chuyến bay chở khách cũng giảm. Nhiều chuyến bay bị hủy vì không có khách trong đại dịch.

Trước những thách thức về mặt vận chuyển này, các chuyến tàu của China Railway Express đang nhanh chóng trở thành huyết mạch chính cho thương mại Trung Quốc - châu Âu.

Đèo Alataw, nằm ở biên giới vùng Tân Cương và Kazakhstan, gần đây có hơn 10 chuyến tàu chạy qua mỗi ngày. Cơ quan hải quan tại đó đã xử lý 1.918 chuyến tàu từ tháng 1 đến tháng 4 với số hàng hóa trị giá hơn 10 tỷ USD. Số tàu và giá trị hàng hóa này lần lượt tăng 57% và 81% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tàu của China Railway Express bắt đầu được đưa vào sử dụng tháng 3.2011 nhờ nỗ lực của ông Bạc Hy Lai, người lúc đó là bí thư thành ủy Trùng Khánh. Đến năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình định vị China Railway Express là thành phần cốt lõi của BRI.

Tuyến đường sắt này hiện vận chuyển hàng hóa từ hơn 50 thành phố trên khắp Trung Quốc đến khoảng 150 thành phố trên 22 quốc gia châu Âu. Các tuyến đường mới và thủ tục hải quan được rút ngắn cũng giúp những chuyến hàng từ Trùng Khánh đến Đức chỉ mất 12-13 ngày thay vì 16 ngày như trước.

Những ngày đầu thành lập, tuyến đường sắt này chủ yếu vận chuyển máy tính, đặc biệt là từ Trùng Khánh, nơi có thời điểm sản xuất tới 1/3 tổng lượng máy tính xách tay trên toàn thế giới. Sau khi nhiều công ty nhận ra lợi thế của đường sắt, thêm nhiều mặt hàng được vận chuyển như ô tô điện, thiết bị gia dụng, sợi bông và gỗ xẻ từ Trung Quốc. Xe Porsches và các loại xe hơi sang trọng từ châu Âu cũng được đưa về trên tuyến đường này.

Đường sắt cũng trở thành phần quan trọng trong chiến lược của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc. Vào tháng 1, tập đoàn Midea là nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc đầu tiên vận hành chuyến tàu riêng để xuất khẩu ấm đun nước và máy rửa bát. Việc này được cho là giúp Midea giảm thời gian vận chuyển đến Moscow xuống còn 15 ngày, chỉ bằng 1/3 so với khi dùng đường biển.

Tuy nhiên, mối quan hệ biến động giữa Trung Quốc và Âu đang tác động đến kế hoạch phát triển các tuyến đường sắt này. Liên minh châu Âu ngày càng lo ngại về cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Chuyện này, cùng các vấn đề khác, đã khiến quá trình phê chuẩn hiệp ước đầu tư với Trung Quốc bị đình trệ. Nếu kéo dài, căng thẳng có thể tác động đến thương mại giữa hai bên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.