Từ cuối tháng 5 đến nay, liên tiếp gần 10 vụ tai nạn đường sắt xảy ra đã gây ra nỗi ám ảnh cho người dân và cả lãnh đạo ngành đường sắt. Bản thân lãnh đạo ngành cũng phải thừa nhận hệ thống hạ tầng đường sắt của nước ta hiện nay quá cũ kỹ, lạc hậu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.
tin liên quan
Hơn 1.000 toa tàu 'hết đát'Đáng buồn là nhìn lại lịch sử, VN từng sở hữu hệ thống đường sắt vào loại hiện đại nhất nhì khu vực. Ngành đường sắt VN ra đời năm 1881 bằng việc khởi công xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên đi từ Sài Gòn đến Mỹ Tho dài khoảng 70 km. Những năm sau đó, mạng lưới đường sắt tiếp tục được triển khai xây dựng trên khắp lãnh thổ VN theo công nghệ đường sắt của Pháp với khổ đường ray 1 m. Thời kỳ chiến tranh, hệ thống đường sắt bị hư hại nặng nề.
Đến năm 1986, sau khi chuyển đổi cơ cấu và chuyển sang cơ chế thị trường, lãnh đạo ngành đường sắt bắt tay vào chương trình khôi phục và hiện đại hóa toàn thiết bị, hạ tầng, kỹ thuật với mục tiêu đưa đường sắt trở thành ngành vận tải hàng đầu của VN, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước và hòa nhập với các hệ thống đường sắt trong khu vực Đông Nam Á. Khi đó, đường sắt chiếm tới 30% năng lực vận tải của toàn ngành giao thông. Thế nhưng sau hơn 30 năm, đường sắt VN liên tục chứng kiến những bước lùi đều. Đến nay, loại hình giao thông này chỉ còn phục vụ 1,9% nhu cầu vận chuyển toàn quốc.
Một chuyên gia làm việc lâu năm trong ngành đánh giá ngành đường sắt đang ngày càng kém dần và trở nên tụt hậu. Cơ sở hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu, lại không được kết nối với các phương thức vận tải khác để khai thác các lợi thế của đường sắt. Các ga đường sắt quốc gia kết nối rất kém với các bến xe, xe buýt, các tuyến đường gom... khiến việc vận chuyển hàng hóa, hành khách kém hấp dẫn, chi phí cao, gây lãng phí, bất tiện, giảm khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin tín hiệu lạc hậu, chủ yếu sử dụng chuông reng báo hiệu khi có tàu đến, quá phụ thuộc vào nhân viên đường sắt. Do đó khi nhân viên không làm tròn trách nhiệm, rất dễ gây tai nạn thảm khốc, như 4 vụ tai nạn liên tiếp xảy ra hồi cuối tháng 5 vừa qua. Hệ thống quản lý ở các ga đường sắt cũng chưa được nâng cấp, chưa được trang bị, ứng dụng hệ thống quản lý hiện đại nên vận hành, khai thác đường sắt còn chưa hiệu quả và đảm bảo an toàn. Đặc biệt, cơ chế quản lý ngành đường sắt vẫn không thay đổi so với cách đây 30 - 40 năm, vẫn tư duy bao cấp và không phân cấp trách nhiệm rõ ràng. Bộ máy quản lý hết sức cồng kềnh, thiếu hiệu quả và quá tốn kém.
“Để giải quyết những tồn tại này, ngoài các biện pháp mang tính cấp bách, cần giải pháp mang tính lâu dài như tăng cường đầu tư, hiện đại hóa cho hệ thống đường sắt bắc - nam, kết nối tốt với các phương thức vận tải khác, đặc biệt là các cảng biển quốc tế. Ứng dụng khoa học công nghệ, hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu trong vận hành, khai thác chạy tàu như lắp đặt camera theo dõi hành trình chạy tàu trên đầu máy; lắp cần chắn và rào chắn tự động tại các điểm giao cắt đường bộ... Đặc biệt, tái cơ cấu, sáp nhập, thu gọn bộ máy quản lý và đổi mới phương pháp, cơ chế quản lý toàn ngành”, chuyên gia trên đề xuất.
Bình luận (0)