Khi được chỉ định xét nghiệm doping sau thi đấu, VĐV sẽ chia mẫu thử của mình thành hai lọ, lọ A (mẫu A) để Ban tổ chức giải xét nghiệm và lo kinh phí. Lọ B (mẫu B) cũng được Ban tổ chức giữ lại để phục vụ những tình huống phát sinh. Mà ở đây là với mẫu A cho kết quả dương tính với chất cấm, VĐV có quyền được yêu cầu xét nghiệm mẫu B và tự chi trả kinh phí.
Đoàn thể thao Việt Nam |
MINH TÚ |
Ngày 15.9, hai VĐV điền kinh Việt Nam đã có đơn xin được mở mẫu B (hiện đang ở phòng xét nghiệm tại Thái Lan - cũng là nơi vừa xét nghiệm mẫu A). Theo quy định, việc tiến hành mở mẫu B phải được thực hiện công khai, dưới sự chứng kiến của những người có trách nhiệm. Nếu VĐV đó có mặt mặt trực tiếp tại chỗ thì càng tốt. Còn nếu vì điều kiện khách quan, không thể có mặt, VĐV có thể ủy quyền cho HLV, lãnh đội hoặc thành viên khác có uy tín của đội.
Trong trường hợp, những người được ủy quyền cũng không thể có mặt tại địa điểm phòng xét nghiệm, VĐV lại vẫn có thể ủy quyền cho lãnh đạo hoặc người phụ trách phòng xét nghiệm. Người được ủy quyền (có thể là người Thái Lan hoặc người có quốc tịch khác) sẽ phải tuyên bố, tôi được VĐV ủy quyền cho việc mở mẫu B. Kết quả xét nghiệm mẫu B sẽ có trong vòng 7 đến 10 ngày.
Nguồn tin của Thanh Niên cho hay, mẫu A của hai VĐV (đoạt huy chương vàng và huy chương bạc SEA Games 31) cho thấy họ đã dùng thuốc lợi tiểu là loại có chứa chất cấm trong hoạt động thể thao.
Theo chuyên gia về phòng chống doping, các nhóm chất được các VĐV sử dụng nhiều nhất là nhóm hormon steroid, trong đó có hormon nam, nhóm tăng cơ, hormon tăng trưởng, kích thích sản xuất hồng cầu, nhóm giảm đau, tăng hưng phấn thần kinh…
Những VĐV sử dụng chất thuộc nhóm gây nghiện như bột đá, heroin làm tăng hưng phấn thần kinh, hoặc tiêm hormon giới tính nam nhằm làm cho cơ bắp to khỏe hơn… thường sau 6 tháng đến 1 năm sử dụng cơ thể có những biến chứng khó lường. Thậm chí đã có VĐV nữ cũng tiêm loại hormon này và hậu quả vô cùng nặng nề như bị nam hóa: giọng ồm, mặt xuất hiện nhiều mụn trứng cá, nhiều lông, mọc râu, mất kinh nguyệt; hoặc trở thành những con nghiện phụ thuộc vào thuốc và mất hết sức khỏe sau vài năm.
Đa phần các VĐV chọn những loại doping khác nhau tùy thuộc vào tính chất của mỗi môn thể thao. Những môn cần sức bền, sức mạnh như đua xe đạp, đua thuyền, bóng đá, thể hình… cũng có nguy cơ sử dụng cao. Thậm chí một số môn ít sức mạnh như bắn súng, bắn cung… cũng đã phát hiện VĐV dùng doping với mục đích ổn định tinh thần, ổn định nhịp tim khi thi đấu. Còn việc hai VĐV dùng thuốc lợi tiểu, là nhằm giảm cân để thi đấu tốt hơn trong nội dung của mình ở môn điền kinh.
Bình luận (0)