Đường tồn kho, giá thấp khiến ngành mía đường chật vật

15/09/2018 10:29 GMT+7

Đường nội tồn kho tại các nhà máy hơn 620.000 tấn cộng với giá giảm thấp đã khiến ngành mía càng thêm chật vật.

Khó kiểm soát đường nhập lậu
Tại Hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2017 - 2018 do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Tây Ninh vào ngày 13.9, tính đến hết ngày 15.8 thì lượng đường tồn tại kho các nhà máy là 622.040 tấn (cao hơn cùng kỳ năm trước 67.584 tấn).
Trong khi đó, giá đường vụ 2017 - 2018 có biến động phức tạp, đang ở mức thấp nhất trong những năm gần đây. Giá đường liên tục giảm từ đầu vụ (đầu vụ giá bán đường trắng loại I đã có thuế VAT tại kho nhà máy dao động từ 13.500 - 14.500 đồng/kg, giữa vụ 12.000 - 12.500 đồng/kg, cuối vụ 10.500 - 11.500 đồng/kg). So với niên vụ trước, giá đường giảm bình quân 3.000 - 5.000 đông/kg, đây là mức giảm rất lớn, dẫn đến nhiều khó khăn cho doanh nghiệp (DN).
Việc giá đường giảm mạnh nhất từ trước đến nay, theo Bộ NN-PTNT, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung đường thế giới tăng nhanh hơn so với cầu, khiến giá đường thế giới giảm mạnh. Tồn kho đường trong nước niên vụ 2016 - 2017 lớn, trên 600.000 tấn dẫn đến áp lực tiêu thụ vụ này cao. Bên cạnh đó, nguồn cung các loại đường khác (như HFCS - siro ngô nồng độ fructose cao) dồi dào tạo nên sự cạnh tranh đối với đường mía. Đặc biệt, vấn đề quản lý buôn lậu đường chưa thật sự hiệu quả. Đường lậu nhập khẩu khó kiểm soát, có giá rẻ trong khi giá đường trong nước thiếu cạnh tranh.
Liên kết vùng nguyên liệu
Ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, giá mía nguyên liệu hiện chiếm 70% giá thành sản xuất kinh doanh. Do vậy, để giảm giá thành sản xuất việc cần làm trước tiên là nâng cao năng suất cho cây mía. Theo ông Toản, thực tế hiện vùng nguyên liệu sản xuất mang tính chất hộ gia đình, nhỏ lẻ là nguyên nhân rất lớn dẫn đến hạn chế việc đầu tư xây dựng hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch mía. Đó cũng là nguyên nhân gián tiếp không nâng cao được năng suất, chất lượng mía cũng như giảm giá thành sản xuất mía.
“Vùng nguyên liệu là yếu tố sống còn đối với các DN đường. Để phát triển nguồn nguyên liệu bền vững, ngành mía đường cần xây dựng các vùng nguyên liệu theo hướng hợp tác, liên kết các nhà máy để hình thành hệ thống chế biến đường thô và đường luyện, kết hợp với việc phát triển điện thương phẩm từ bã mía, sản xuất cồn...”, ông Toản cho biết.
Về mô hình liên kết này, tại Tây Ninh, nông trường Thành Long (H.Châu Thành) được ngành nông nghiệp đặc biệt chú ý. Bởi, nông trường đang trồng 1.000 ha mía đường nguyên liệu theo công nghệ 4.0. Từ khâu trồng, tưới, bón phân đều tự động qua phần mềm; xử lý cỏ, bón phân bằng cơ giới. Theo ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa, thì cả khâu thu hoạch được thực hiện bằng máy hiện đại với mỗi máy thay thế 800 công lao động. Nông trường cũng áp dụng các biện pháp sinh học để diệt côn trùng hại mía rất hiệu quả.
Trước đó, ngày 21.8, trong chuyến công tác tại Tây Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khảo sát và làm việc với nông trường Thành Long. Thủ tướng đánh giá cao mô sản xuất hiện đại với quy mô lớn, vừa cơ giới hóa toàn bộ các khâu, hạ tầng đồng bộ, ứng dụng sâu rộng thành tựu của cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4, vừa có sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, hợp tác xã với nông trường. Qua đó tạo nguồn nguyên liệu mía chất lượng tốt, hiệu quả vượt trội so với sản xuất nhỏ lẻ. Từ đó, sản xuất ra đường hữu cơ và nhiều loại sản phẩm đường có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, giúp nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn dọc biên giới. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ NN-PTNT xem xét cụ thể và nghiên cứu mô hình này để nhân rộng trên cả nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.