Đường trăm tỉ 'tắc' vì chờ… 1 hộ dân

26/06/2023 10:22 GMT+7

Tuyến đường giao thông ở tỉnh Quảng Nam được đầu tư hơn 270 tỉ đồng nhưng chưa được khớp nối chỉ vì phải chờ… 1 hộ dân suốt nhiều năm.

"TẮC" 120 M ĐƯỜNG SUỐT 7 NĂM

Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án đầu tư tuyến đường nối từ đường cứu nạn cứu hộ (hiện là đường Võ Chí Công) đến QL1 (tại ngã ba Cây Cốc, TT.Hà Lam, H.Thăng Bình. Dự án do Sở GTVT tỉnh làm chủ đầu tư; thời gian thực hiện từ năm 2016 đến cuối năm 2023.

Đường trăm tỉ 'tắc' vì chờ… 1 hộ dân - Ảnh 1.

Hiện còn 120 m đường bị “tắc” suốt 7 năm chưa thể thi công

MẠNH CƯỜNG

Tuyến đường có tổng chiều dài 8,3 km, điểm đầu tại Km 0+129 (Võ Chí Công) và điểm cuối tại Km 972+200 của QL1 (ngã ba Cây Cốc). Dự án hoàn thành sẽ kết nối từ tuyến cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất đến QL1, đường Võ Chí Công và Khu tái định cư ven biển Bình Minh (xã Bình Minh, H.Thăng Bình), phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực vùng đông Quảng Nam.

Điều đáng nói, đến thời điểm này, tuyến đường đã hoàn thành 8,18 km, chỉ còn 120 m cuối cùng lại bị "vướng" mặt bằng của hộ bà Bùi Thị Nuôi (tại ngã ba Cây Cốc) suốt 7 năm qua. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đoạn 120 m còn vướng mắc chỉ rộng khoảng 3 m, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà, gây khó khăn cho phương tiện lưu thông.

ĐANG KHIẾU NẠI VÌ BỒI THƯỜNG CHƯA ĐỦ

UBND H.Thăng Bình cho biết ngày 6.12.2016, huyện đã ban hành quyết định thu hồi gần 1.000 m2 loại đất ở đô thị của hộ gia đình bà Bùi Thị Nuôi để thực hiện dự án. Ngày 21.10.2022, UBND huyện này ra quyết định bồi thường, hỗ trợ gia đình bà Nuôi số tiền hơn 8,7 tỉ đồng, tương đương với diện tích đất bị thu hồi trên và đất tái định cư. Tuy nhiên, bà Nuôi chưa thống nhất và ủy quyền cho một công ty luật có chi nhánh tại TP.Đà Nẵng gửi đơn khiếu nại với lý do diện tích bồi thường chưa đủ, giá thấp, yêu cầu bố trí thêm lô tái định cư, tính thêm nhân khẩu…

Đường trăm tỉ 'tắc' vì chờ… 1 hộ dân - Ảnh 2.

Ngôi nhà của gia đình bà Bùi Thị Nuôi

Bà Phan Thị Nhi, Phó chủ tịch UBND H.Thăng Bình, cho biết ngoài gần 1.000 m2 đất bị thu hồi, phần diện tích đất ở còn lại của bà Nuôi (ngoài vệt giải phóng mặt bằng) là gần 500 m2, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 2011. Theo quy hoạch chung xây dựng TT.Hà Lam giai đoạn đến năm 2020 và năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, mặt cắt quy hoạch tuyến đường nối từ đường Võ Chí Công đến QL1 là 48 m. Sau khi trừ khoảng lùi 3 m, diện tích còn lại của hộ bà Nuôi khoảng 75 m2 không đảm bảo để xây dựng nhà ở. Bên cạnh đó, theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, đường nối từ đường Võ Chí Công đến QL1 có mặt cắt lộ giới 60 m. Vì vậy, diện tích còn lại của hộ bà Nuôi cũng không đảm bảo để xây dựng nhà ở.

Bà Nhi cho rằng theo quy định của UBND tỉnh, trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau khi thu hồi không đủ điều kiện để làm nhà ở, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác thì được bồi thường bằng đất ở theo hình thức giao đất ở tại các khu tái định cư hoặc các vị trí xen cư. Căn cứ vào nhân khẩu và số cặp vợ chồng, tại thời điểm trước khi ban hành thông báo thu hồi đất ngày 10.10.2016 của UBND H.Thăng Bình, gia đình bà Nuôi có 8 nhân khẩu và 3 cặp vợ chồng cùng sinh sống trên thửa đất bị thu hồi. Do thực hiện dự án kéo dài, đến năm 2022 nhiều người trong gia đình bà Nuôi di chuyển ra TP.Đà Nẵng tạm trú. Vì vậy, rất khó khăn trong việc xác nhận cặp vợ chồng thứ 2 trở lên thực tế cùng chung sống trên thửa đất ở thu hồi để thực hiện chính sách hỗ trợ đảm bảo quyền lợi cho hộ dân. "Để giải quyết vụ việc đúng theo quy định, UBND huyện đã có báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì cùng các sở, ngành liên quan để xem xét hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết sớm", bà Nhi nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.