Trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 này, một số bạn đọc vẫn gọi hỏi tôi về tình hình giao thông cầu Rạch Miễu, nhưng hỏi "kẹt ít hay nhiều" chứ không hỏi "có kẹt xe không" như trước. Có lẽ, ai cũng ngầm hiểu cầu Rạch Miễu chắc chắn kẹt xe vào dịp này.
Tại một diễn đàn về giao thông, ông Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre, đã phát biểu: “Sau thời gian chờ rất lâu, lực lượng CSGT hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre phối hợp điều tiết để giải phóng phương tiện ùn ứ. Những lúc ấy ngồi trong xe ô tô qua cầu, tiếng gầm rú của các động cơ rất dữ dội và tôi có thể cảm nhận độ rung lắc, chênh vênh thân cầu rất rõ, cứ tưởng như cầu sắp không còn chịu tải nổi nữa vậy. Các báo cáo của ngành chuyên môn cũng cho thấy cầu Rạch Miễu hiện hữu đã thật sự quá tải vì lượng phương tiện khoảng 25.000 lượt/ngày, vượt luôn trọng tải dự phòng theo thiết kế”.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, lãnh đạo ngành giao thông tỉnh Tiền Giang và Bến Tre cho biết nếu cấm được xe 3 trục (tải) qua cầu trong những ngày lễ, tết thì có thể không kẹt, nhưng cấm loại phương tiện này theo khung giờ cao điểm thôi vẫn chưa thực hiện được.
Trong điều kiện bình thường, mỗi xe tải nặng nhất qua cầu phải mất hơn 30 phút do vướng độ dốc cao, dài, trong khi xe cùng chiều không có làn để vượt; còn trong điều kiện phương tiện ùn ứ phải mất khoảng 1 tiếng, cầu Rạch Miễu lại chỉ có 2 làn đường, không đồng bộ với 4 làn xe trên QL60 ở hai bên.
Tình hình kẹt chỉ có thể giải quyết khi có cung đường hoặc cầu khác chia sẻ lưu lượng phương tiện. Và một lý do then chốt để giảm thiểu ùn ứ trong điều kiện hiện nay là BOT cầu Rạch Miễu ngưng hẳn việc thu phí trong dịp lễ, tết, nhưng doanh nghiệp “đời nào chịu thiệt”.
Nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã kiên trì kiến nghị T.Ư xây cầu Rạch Miễu 2 để “đường về miền Tây gần hơn”. Miền Tây với hơn 20 triệu dân, là vựa lúa, trái cây, thủy sản của cả nước..., phải chờ đến bao giờ mới thoát khỏi vị trí “vùng trũng” về giao thông?
Bình luận (0)