Kiên nhanh tay cầm lấy con dao nhỏ, ngồi khoanh chân rế, thẳng lưng, lột kiệu bằng dáng điệu chăm chỉ nhất. Ba Kiên quan sát cán dao, hỏi lớp vải quấn như vậy cầm đã êm tay chưa. Năm nào ba mẹ Kiên cũng làm hơn chục ký kiệu, vừa ăn vừa cho, không quấn vải vào cán dao thì cầm riết như vậy chỉ sợ rộp da tay. Cũng phải có mấy cách nho nhỏ để không ngán làm những công chuyện tỉ mỉ. Ngồi lâu tuy có mỏi lưng, bù lại người trong nhà được dịp xúm xít trò chuyện với nhau. Tết xưa tết nay nhiều sự kiện, nhiều mốc thời gian, nói hoài vui hoài không dứt.
Kiên ít tuổi nhất nhà, nếu không tính các cháu nhỏ đang đi học đi chơi, hiện thời không có mặt. Tết xưa Kiên không cần hỏi, chỉ việc vừa cắt đầu đuôi củ kiệu vừa nghe. Bà ngoại Kiên mất mấy năm rồi, thế hệ của bà từ lâu đã về thiên cổ, nếu không Kiên lại được nghe thêm mấy chuyện tết của thời loạn lạc. Mặc dầu, cuộc sống là cuồn cuộn, cái gì đã qua không thể nào níu kéo, nhưng trong câu chuyện của ba mẹ Kiên, của cô cậu chú dì một thế hệ đối với anh em Kiên tương đối gần gũi, hương vị tết cổ kim có điều gì đó vô cùng hòa hợp. Hỏi Kiên vì lẽ gì cho đó là hòa hợp, Kiên bèn trưng ra vẻ mặt chẳng biết nói sao cho phải. Chỉ biết, mỗi khi tay trái Kiên cầm bàn tay mẹ già, tay phải Kiên cầm bàn tay cháu nhỏ, một nhăn nhám một trơn tru đều khiến Kiên thương đến nhói lòng. Đời người được đếm qua bao nhiêu mùa tết, tự nhiên đã trở thành một chuỗi gắn bó không thể tách rời nhau.
Kiên sống nơi thành phố, cách làng quê không quá ba tiếng đồng hồ ngồi xe. Quãng cách đó, so với những người ly hương ngăn trở núi sông, là không đáng kể gì. Nhưng Kiên coi là đáng kể. Không sinh sống tại nơi mình sinh ra và lớn lên, thì kêu bằng ly hương hết. Trung bình ba tuần Kiên về thăm nhà một lần, lúc bận bịu thì một tháng. Những ngày cận tết, công việc dồn nhiều, Kiên vẫn tranh thủ nghỉ hai ngày về quê. Mệt, nằm dài lim dim ngay bên đống kiệu chưa lột vỏ. Không ai quấy rầy đến phút thư thả của Kiên, mọi người vẫn đều tay làm, rôm rả nói. Cho tới lúc gió quạt mùi kiệu thẳng một cơn xộc vào mũi, dựng Kiên dậy quýnh quíu. Tựa hồ mùi tết xưa, tết nay, tết mai sau ập về một lượt. Chỉ một mùi đó thôi cũng đủ làm mềm mại cuộc đời đầy những cân đong...
Kiên theo dõi báo chí, thấy năm nào cũng vậy, từ độ tháng bảy tháng tám dương lịch là người ta đã rao lai rai chuyện vé tàu vé xe về tết. Càng gần tết, những người có quê xa càng siêng hỏi han cách thức mua vé của nhau. Kiên thấy mình may mắn hơn nhiều đồng nghiệp, quê Kiên gần nên về lúc nào, về bằng gì cũng tiện, thậm chí hết vé xe thì chạy xe máy tà tà một buổi tới nơi. Có lần vui chuyện, Kiên hỏi một anh đồng nghiệp quê tận ngoài Trung, là anh đã đặt vé máy bay chưa. Anh lắc đầu, nói không đi máy bay mà đi tàu hỏa. Kiên thắc mắc. Anh thu nhập khá vậy, lại người trẻ ưa nhanh nhẹn, giao tiếp rộng như anh lẽ nào không xoay xở nổi một vé máy bay trong cơn sốt cuối năm? Anh cười xòa, kêu không phải. Đồng ý là đi máy bay nhanh tới nhà, nhưng anh cảm thấy đi tàu lại có không khí tết hơn.
Một câu trả lời cho qua chuyện vậy thôi cũng đủ làm cho Kiên ngẩn ngơ cả buổi.
Chuyến tàu về quê ngoại...
Bài hát ấy Kiên đã được nghe từ hồi nhỏ, từng lời từng chữ rõ ràng thấm thía. Lớn lên xa quê làm ăn, hoàn cảnh của Kiên na ná như bài hát, đều đặn về quê thăm ông bà nội ngoại, thăm ba mẹ ngày xuân. Na ná thôi, vì thực tế Kiên không đi tàu. Chính xác hơn là Kiên chưa có dịp đi tàu bao giờ, nên một câu trả lời đơn sơ của đồng nghiệp cũng đủ khiến cho Kiên ganh tỵ. Biết chừng đâu anh cũng mê bài hát đó như Kiên, và anh có điều kiện kiểm chứng nó hơn Kiên. Đã trải qua nhiều năm rời xa quê mà anh vẫn cảm thấy đi tàu mới có không khí tết, vẫn đều đặn đi tàu để tận hưởng không khí đó. Kiên ganh tỵ vì cho rằng anh, những người như anh, đều hạnh phúc hơn Kiên. Chỉ bằng hai chuyến tàu, trở về lúc năm cùng tháng tận và ra đi lúc đầu xuân muôn sắc thắm, những gì họ được chứng kiến trên đường tàu đều là những thứ Kiên chưa từng hân hạnh thấy qua.
Bạn trai Kiên lắng nghe cô ủ rũ trình bày. Anh cười hiền lành:
- Anh nghĩ tàu chỉ là một khái niệm. Lúc em ngồi xe về quê, thì chuyến xe đó cũng coi như một chuyến tàu.
Kiên cười ngạc nhiên:
- Gì kỳ vậy. Em thấy xe chỉ là xe.
- Chúng ta ngồi trên xe vẫn sẽ nhìn ra bên ngoài khung cửa. Em thử nhớ lại xem, ngày thường có bao nhiêu cảnh vật trôi vụt qua trước mắt, còn ngày tết nó thay đổi thế nào. Có lẽ không đầy đủ như đường tàu mà bài hát kia miêu tả, nhưng anh cam đoan nó không phải ít.
Bạn trai Kiên là người lạc quan, thích những câu chuyện vui vẻ, lời nói của anh thường hợp lý một cách nhẹ nhàng. Kiên nghe anh, làm thinh nhẩm tính. Ồ lạ quá, hình như Kiên đã từng thấy, đang thấy, rất nhiều. Rừng cây xanh lá, hương lúa chín vàng, quán lá ven đường... Thần trí bỗng chốc bay bổng bởi một vệt mùi đường xa vạn dặm.
Thở phào mấy hơi nhẹ nhõm, Kiên không ganh tỵ với đồng nghiệp nữa, giả đò nhìn bạn trai bằng ánh mắt khiếu nại:
- Cuối cùng em chỉ không nhìn thấy đồi lau.
Dòng suối tình cảm tuôn trào mãnh liệt, Kiên bỗng nhớ bà ngoại da diết. Có biết bao niềm vui ngày cũ, từng chuyện từng chuyện một, Kiên nhặt nhạnh và gom góp từ hồi còn nhỏ, theo lời kể rỉ rả của bà ngoại. Hồi xưa hơn nữa, ông nội của bà là người đứng đầu cả một làng. Giỗ quảy, ngày tư ngày tết trong nhà, đều trở thành ngày hội chung. Cả làng góp công góp của, mấy ngày mấy đêm tụ họp ăn uống vui chơi. Bà ngoại nói hồi bà chừng bảy tám tuổi, có lần được ông nội của bà nắm tay dắt đi ngời ngời quanh bộ ván làng, trước mặt quan khách. Bộ ván ấy dài sọc, làm bằng loại gỗ sáng bóng, dọn đầy những mâm cỗ đón khách khứa rất đông. Kể chuyện này, bà ngoại thêm một điều tự hào nữa, bà cứ nhắc làng Hưng Hòa chúng ta không có chuyện trọng nam khinh nữ. Ít nhất từ thời ông nội của bà, ông quý con trai như con gái, cháu chắt trong nhà không phân biệt giới tính, đứa nào ông cũng thích cũng thương. Do sức ảnh hưởng của ông, làng Hưng Hòa không có đàn ông đánh vợ. Ngược lại cũng không có phụ nữ hỗn hào, thấy chồng con hiền lành mà lấn lướt... Kiên nghe mê mẩn từng lời kể, rồi lẳng lặng quan sát cách bà ngoại uống nước ăn cơm. Kiên cảm thấy bà sang trọng lắm, đài các lắm. Vốn bà là con cháu quan làng, dù thời cuộc thăng trầm và cuộc sống sau này vô cùng lam lũ, cũng không ảnh hưởng nhiều đến phong cách của bà. Kiên còn bái phục bà ở tài bếp núc, làm bánh trái. Đôi khi Kiên lẩn thẩn tự hỏi, hồi xưa người ta dạy con gái kiểu gì, mà có người như bà vậy, chẳng ai ép làm lụng vẫn giỏi quá trời. Đến thời mẹ Kiên, mẹ gần như là phiên bản hoàn chỉnh của bà ngoại. Cứ nhìn dàn bánh mứt, đồ ăn thức uống đủ thứ mặn ngọt cữ giáp tết nhà Kiên thì biết. Mẹ luôn tay làm từ hồi còn trẻ cho tới nay tuổi quá sáu mươi. Ba Kiên cũng là đàn ông làng Hưng Hòa, yêu vợ thương con, cả đời cần mẫn. Kiên thường tự nghĩ rồi tự cười, ba mẹ làm siêng ráp lại với nhau, kết quả nuôi mấy đứa con mập ú.
Bạn trai Kiên nhắc, Kiên nên bớt nói chuyện ngày xưa. Kiên liền sửa dáng lọm khọm như bà già, đạo mạo trả lời, có xưa mới có nay. Anh bạn cười khì, nghĩ lại anh cũng không cần lo chuyện Kiên mải đắm chìm với quá khứ mơ mơ hồ hồ mà quên đi thực tại. Công việc của Kiên cần nhiều chữ nghĩa và con số, nên Kiên lúc nào cũng rất tỉnh táo, để từng năm một đều nhận về danh hiệu giỏi giang. Kiên thích mua sắm quần áo, giày dép mới, thích những đồ dùng công nghệ hiện đại. Nhưng trong con người Kiên luôn tồn tại một thứ dĩ vãng xa xăm nào đó, chỉ có mình Kiên nắm bắt. Ngay cả bà và mẹ bước ra từ thế giới của người xưa, đều không hiểu tại sao Kiên rất sẵn lòng nghe những câu chuyện cũ rích mà nhiều người cho là lê thê, lẩm cẩm. Chẳng những nghe, Kiên còn hỏi lại cặn kẽ cái nào chưa hiểu, đôi khi Kiên lấy giấy viết ra ghi chép tỉ mỉ. Có lần mẹ nói riêng với ba, rồi ba nói lại với Kiên, rằng trong nhà nghĩ Kiên đang muốn viết hồi ký hay thứ gì đó tương tự. Đến lượt Kiên ngạc nhiên, lật đật trả lời, con đâu có tính viết cái gì đâu. Chỉ là Kiên nghĩ, mỗi người nếu dư chút đỉnh thời gian thì nên tìm hiểu những câu chuyện từng xảy ra trên đời. Ta đọc cuộc đời, thật tự nhiên như đọc sách, coi phim, rà máy tính bảng. Rồi như một lẽ dĩ nhiên, lưu trữ những thứ thú vị ấy vào bộ óc, để về già còn kể tiếp cho con cháu. Như bà ngoại, như ba mẹ đã kể cho Kiên...
Đống kiệu dềnh dàng phát ngán vậy chứ chẳng mấy chốc đã cắt xong. Nhiều tay hay việc, làm nhanh hơn Kiên tưởng. Giờ đã đến khâu rửa sạch kiệu, đem ngâm đường. Mẹ vừa làm vừa giảng giải, thấy Kiên ghi lại cẩn thận, mẹ cười hỏi có phải Kiên đã muốn làm mẻ kiệu riêng cho gia đình nhỏ của mình. Nhắc đến gia đình riêng, Kiên ngập ngừng hỏi lại mẹ, lỡ như chừng đó Kiên không còn thời gian để về quê ngày tết nữa thì sao. Mẹ của Kiên, một đời tần tảo, nhiễm đậm phong cách từ tốn của bà ngoại, bình thản trả lời không sao hết. Kiên đã về quê đều đặn đón tết suốt thời son rỗi, thì đến khi Kiên bận bịu chăm sóc con cái, ba mẹ sẽ tới thăm. Chuyến tàu nào mà chẳng đi về đôi bận. Tùy thời gian và hoàn cảnh, người khách bước lên có thể thay đổi, hoặc luân phiên. Miễn là ở ga cuối có ai hoặc cái gì đó mà mình trông đợi, thì ngoài khung cửa đường xe hết thảy đều tốt tươi như cảnh đường tàu...
Bình luận (0)