Dustin Nguyễn bị cắt vai: Các nhà sản xuất, đạo diễn nói gì?

29/12/2019 09:10 GMT+7

Liên quan đến vụ việc đạo diễn, diễn viên Dustin Nguyễn đột nhiên bị cắt vai khỏi dự án phim của đạo diễn Lê Văn Kiệt, một số nhà sản xuất, đạo diễn, nhà quay phim đã lên tiếng bày tỏ quan điểm…

Làm phim ở Việt Nam rất khó…

Việc Dustin Nguyễn bị cắt vai trước 3 ngày bấm máy đã khiến anh rất bức xúc vì cho rằng nhà sản xuất và các bên liên quan lật lọng… Và điều này cũng phần nào phơi bày những vấn đề còn khuất tất ở phía sau màn ảnh và hậu trường làm phim. Theo như đạo diễn Lưu Huỳnh chia sẻ: “Theo tôi thì những nhà phát hành phim, nếu có đầu tư vào phim thì đều sẽ giống như nhau. Vì người ta bỏ tiền ra thì sẽ góp ý kiến và có sự lựa chọn. Làm phim ở Mỹ và Việt Nam rất khác nhau. Ở Mỹ, nếu bạn sản xuất phim thì không được phát hành phim. Nhà phát hành (có rạp chiếu) thì không được sản xuất phim. Họ có quyền mua cổ phiếu của nhau để kiếm tiền. Nhưng tại Việt Nam thì bên sản xuất phim cũng có rạp và bên phát hành cũng sản xuất phim. Ở đây tôi không nói vấn đề đúng hay sai mà có sự lộn xộn đó nên mới nảy sinh nhiều vấn đề. Bên Mỹ phía nhà sản xuất là lớn nhất, có quyền đuổi đạo diễn, đuổi diễn viên… Vì họ chính là người đi kiếm tiền về làm dự án đó, đi gom tiền về, đi thuyết phục nhà đầu tư thì họ là người có quyền quyết định chính. Ở Oscar, giải thưởng lớn vẫn trao cho nhà sản xuất. Nên ai cũng biết làm phim ở Việt Nam rất khó, sẽ lệ thuộc vào tiền, vào nhà phát hành…”.
Đạo diễn hình ảnh Nguyễn K’Linh thì cho rằng hiện trạng điện ảnh và truyền hình Việt Nam thì đơn vị đầu tư thường là người có quyền quyết định lớn nhất trong nhiều vấn đề chứ không chỉ riêng chuyện thay vai. Chỉ một số ít đạo diễn có tên tuổi mới có thể bảo vệ được bộ phim của mình. “Chúng ta phải hiểu rằng người đạo diễn giỏi họ thường biết chính xác họ muốn gì cho bộ phim của mình nên rất khó có những chuyện thay đổi vào những phút cuối, nhất là thay vai chính cho bộ phim của họ. Thực tế hiện trạng này xảy ra cũng đã lâu. Ai cũng hiểu không riêng ngành điện ảnh mà các ngành nghề khác cũng có những vấn đề bất cập. Điện ảnh Việt Nam cũng chỉ ở giai đoạn sơ khai nên chắc chắn có nhiều những chuyện như vậy sẽ xảy ra. Nó sẽ chỉ giảm bớt khi mọi thứ đi vào chuyên nghiệp hơn, nhà đầu tư, nhà sản xuất, đạo diễn, hay cả ê-kíp cũng chuyên nghiệp. Thực chất quyền lực của nhà đầu tư, nhà sản xuất, nhà phát hành không phải là ngầm mà là họ có thật sự. Không chỉ riêng điện ảnh Việt Nam mà hệ thống điện ảnh các nước khác cũng như vậy. Chỉ có cái ở các nước họ phát triển hơn nên họ có những luật để hạn chế các quyền lực của mỗi thành phần cho công bằng. Điều bất cập lớn nhất và vô lý nhất ở Việt Nam là chúng ta để cho nhà phát hành cũng có thể làm cả nhà sản xuất, như vậy vô tình tạo ra thế độc quyền và lúc đó thì ai mạnh vì gạo, bạo vì tiền sẽ thắng", Nguyễn K’Linh nhấn mạnh thêm.

Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình

Ảnh: NVCC

Riêng về việc của Dustin Nguyễn bị cắt vai diễn, đạo diễn của phim Cánh đồng bất tận Nguyễn Phan Quang Bình phân tích: “Trong giai đoạn casting cho một bộ phim thì cũng giống như tìm cầu thủ cho một đội tuyển bóng đá vậy, thường thì chia nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn thì trách nhiệm và quyền hạn của đạo diễn, nhà sản xuất sẽ khác nhau. Giai đoạn đầu là casting rộng rãi và tìm kiếm những diễn viên có thể hợp vai đến thử. Giai đoạn hai là thử vai với một vài phân đoạn trong phim, và tạm chốt nhân vật, trong giai đoạn này đạo diễn có thể mời các ứng cử viên diễn viên chính phụ diễn thử để xem lối diễn của họ có hòa hợp với nhau hay không. Rồi giai đoạn 3 là thử với một vài phân đoạn khó và chốt vai và ký hợp đồng. Trường hợp Dustin Nguyễn là giai đoạn cuối thường quyết định ít nhất vài tuần trước khi bấm máy nên tôi nghĩ đạo diễn và nhà sản xuất sẽ phải trực tiếp gặp để thỏa thuận với Dustin và gửi văn bản kèm theo nói rõ với diễn viên lý do thay đổi. Dustin là một diễn viên chuyên nghiệp nên khi nhận vai anh thường dành hết tâm trí để hiểu từng chi tiết nhỏ trong kịch bản, tìm cách thực hiện vai diễn tốt nhất và cũng là người luôn mong muốn có bộ phim phù hợp để không ảnh hưởng đến sự nghiệp diễn xuất của mình, anh ấy sẽ hiểu và chấp nhận thôi".
"Thường trong các trường hợp nếu phải quyết định cắt bỏ một vai diễn người đạo diễn sẽ là người quyết định cao nhất vì chính đạo diễn sẽ là người phải chịu mọi trách nhiệm với tác phẩm của mình đang làm. Cho dù nhà sản xuất muốn thay đổi diễn viên thì cũng phải thuyết phục được đạo diễn. Tôi vẫn thường nói trong một dự án phim, đạo diễn có quyền đuổi nhà sản xuất ra khỏi bối cảnh hay phim trường nếu muốn, cho dù ngày hôm sau nhà sản xuất có quyền thay đổi đạo diễn. Nếu đạo diễn hoặc nhà sản xuất cùng thống nhất thấy một vai diễn không phù hợp, có thể gây ảnh hưởng lớn đến tác phẩm của họ. Họ sẽ phải đưa ra một quyết định thay vai diễn, việc đầu tiên nhà sản xuất, đạo diễn sẽ phải trực tiếp hoặc nếu không thể gặp gỡ vì lý do nào đó thì họ sẽ phải cử một người đủ uy tín, đủ thẩm quyền đến gặp diễn viên đó kèm theo là gửi một văn bản nói rõ lý do của mình với diễn viên và thanh toán các khoản lương và chi phí, phụ phí phát sinh khác cho diễn viên”, đạo diễn Nguyễn Phan Quang nói thêm.

“Văn hóa ứng xử” trong làm phim cần văn minh và tôn trọng nghệ sĩ

Trong chuyện bị cắt vai đột ngột, Dustin Nguyễn nhiều lần nhấn mạnh rằng anh lên tiếng và đi đến cùng vụ việc vì muốn hướng đến một “văn hóa ứng xử” tốt đẹp trong làm phim. Chia sẻ về vấn đề này đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình cho rằng: “Công nghiệp điện ảnh đang trong giai đoạn chuyển mình, các nhà sản xuất hay người làm phim cũng đang sử dụng cách vận hành cũ cho một thời đại làm phim mới, nên những chuyện như Dustin Nguyễn và những chuyện bức bối khác sẽ còn tiếp tục xảy ra. Cần lắm một cách làm việc chuyện nghiệp của cả nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên, những thành viên trong đoàn làm phim để có thể sáng tạo những tác phẩm hay có ý nghĩa, có chất lượng gửi đến khán giả. Cần lắm luật Điện ảnh mới có những điều khoản được quy định rõ ràng để bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ, những người sáng tạo, những người lao động trong ngành công nghiệp điện ảnh, cũng như những điều khoản qui định quyền hạn và trách nhiệm của các hãng phim, các nhà đầu tư phim, để chúng ta có thể hành xử với nhau một cách văn minh hơn trong nghề".

Đạo diễn hình ảnh Nguyễn K'Linh

ẢNH: NVCC

Đồng quan điểm trên, đạo diễn Lưu Huỳnh cũng chia sẻ: “Trường hợp của Dustin Nguyễn tôi nghĩ đạo diễn và nhà sản xuất phải bảo vệ được diễn viên mà họ chọn. Còn nếu thiếu tiền để làm, phải lệ thuộc vào đơn vị phát hành thì nên tìm tiếng nói chung với Dustin Nguyễn khi đã mời anh vào vai diễn này, xử sự trong sự thông cảm và rõ ràng. Nếu thấu tình và có trách nhiệm tôi nghĩ Dustin Nguyễn cũng sẽ vui vẻ và thấu hiểu. Và điều tôi muốn nói chính là nên trách nhà sản xuất và đạo diễn. Nhà sản xuất và đạo diễn nếu đã chọn Dustin Nguyễn thì phải bảo vệ anh ấy, đằng này không bảo vệ được diễn viên mà còn không rõ ràng, gian dối nữa thì rất tệ. Điều đáng buồn hơn ở đây là tình cảm giữa con người với con người, đồng nghiệp với đồng nghiệp. Còn nếu không bảo vệ được thì nói thẳng tiếng, nói một cách tình cảm, rõ ràng. Nên ở khía cạnh này tôi thấy Dustin Nguyễn bị gạt, bị xúc phạm, tổn thương. Điều đáng tiếc là ở Việt Nam không có Hiệp hội diễn viên để bảo vệ họ. Nên tình trạng như diễn viên Dustin Nguyễn đang gặp phải sẽ còn tiếp tục diễn ra trong trong tương lai ở thị trường phim Việt Nam”.
Riêng về chuyện ứng xử chuyên nghiệp và tôn trọng nghệ sĩ, đạo diễn hình ảnh Nguyễn K’Linh tỏ ra khá bức xúc: “Tôi không trực tiếp tham gia dự án nên nội tình và sự thật như thế nào chúng ta phải tiếp tục theo dõi, nhưng cách thức ứng xử và giải quyết chuyện này không phải là cách làm chuyên nghiệp và tôn trọng người nghệ sĩ. Và cái quan trọng hơn trong ngành điện ảnh là trân trọng sự góp sức của cả ê-kíp chứ nó không chỉ là hợp đồng mua bán. Nếu có thay vai, cắt vai thì cách giải quyết tốt nhất là gặp mặt tất cả các bên liên quan rồi cùng ngồi xuống bàn bạc, thảo luận cùng tìm cách giải quyết. Nếu thẳng thắn thì người diễn viên họ cũng cảm thấy được tôn trọng. Trong trường hợp của anh Dustin Nguyễn đối với tôi nó không phản ánh sự phát triển của điện ảnh Việt. Mà nó phản ánh cách cư xử giữa con người với con người. Đó là điều mà tôi nghĩ anh Dustin Nguyễn buồn nhất. Còn sự phát triển của điện ảnh Việt Nam cần chính sách, cần sự góp sức, cần có những nghiệp đoàn để có thể tiến tới tính chuyên nghiệp hơn thì mới có thể phát triển được. Khi mọi thứ chuyên nghiệp thì cách ứng xử cũng sẽ chuyên nghiệp và có lý có tình hơn”.

NSND, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân

ẢNH: NVCC

Chia sẻ ngắn gọn về vụ việc của Dustin Nguyễn, NSND - đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết: “Tôi đã từng xem phim và cùng vợ chồng Dustin Nguyễn dự một liên hoan phim quốc tế, nên hoàn toàn tin tưởng họ là những người tử tế, có tâm với nghề”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.