'Đứt' vắc xin tiêm chủng mở rộng kéo dài

25/12/2022 06:33 GMT+7

6 tháng qua, TP.HCM đã hết nhiều loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, và đến nay coi như đã cạn. Người dân phải đưa con em đi tiêm chủng dịch vụ gây tốn kém tiền bạc.

Thế nhưng, chưa thấy cơ quan có trách nhiệm cung ứng vắc xin tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMRQG) lên tiếng về vấn đề này. Quan trọng hơn, bao giờ mới có vắc xin TCMRQG?

Một trẻ ở P.14, Q.Tân Bình (TP.HCM) tiêm vắc xin MMR II dịch vụ vào sáng 24.12

DUY TÍNH

Gây khổ sở cho dân

Sáng 24.12, Trạm y tế (TYT) P.11 (Q.Tân Bình) tổ chức tiêm chủng cho người dân trên địa bàn, bao gồm tiêm vắc xin Covid-19, tiêm chủng trong Chương trình TCMRQG và tiêm dịch vụ. Nhưng vắc xin của Chương trình TCMRQG chỉ còn vỏn vẹn vắc xin SII (ho gà, uốn ván, bạch hầu, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib). Hơn 10 cháu bé được TYT “năn nỉ” ra tiêm vắc xin sởi vì đã tới hạn, nhưng mãi đến 10 giờ mới chỉ có 1 em 10 tháng tuổi được đưa đến tiêm.

Ngày 23.12, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế cho hay “đang giao các đơn vị kiểm tra”. Trong khi đó, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư - đơn vị đầu mối tiếp nhận và phân bổ vắc xin TCMR, cho biết “sắp có vắc xin TCMRQG”, nhưng không thông tin về thời gian dự kiến mà Viện này có thể cung cấp.

Trước đó, về thiếu hụt vắc xin TCMRQG, thông tin từ một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế cho hay, qua rà soát lại, cơ sở pháp lý không cho phép Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư ký hợp đồng mua vắc xin; do đó Bộ Y tế và bộ ngành liên quan đã hỗ trợ Viện hoàn thiện thủ tục.

Cũng theo thông tin từ Bộ Y tế, thời gian qua, Bộ Y tế đã và đang quyết liệt triển khai, phối hợp Bộ Tài chính để xây dựng và thẩm định giá theo Nghị định số 32 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, để sớm cung ứng vắc xin TCMRQG cho các tỉnh, thành.

Liên Châu

Cứ nghĩ TYT gọi ra tiêm vắc xin sởi miễn phí, nhưng không, vắc xin miễn phí là của TCMRQG đã hết, còn vắc xin sởi này của Trung tâm y tế Q.Tân Bình đấu thầu mua tiêm dịch vụ. Khi biết phải đóng tiền, ông của bé phải về nhà gần đó lấy tiền ra đóng với giá 171.000 đồng (giá các ngày thường là 96.000 đồng/mũi tiêm).

Tại TYT P.13 (Q.Tân Bình), sáng 24.12 tổ chức tiêm Covid-19 cho người dân. Có 2 trường hợp đến tiêm sởi ngày 23.12, thì phường chuyển qua TYT phường khác tiêm dịch vụ ngày 24.12. Tại TYT P.13 cũng chỉ còn vắc xin SII.

Trong khi đó, tại TYT P.14 (Q.Tân Bình), chị Hạnh cũng đưa con 10 tháng tuổi ra tiêm vắc xin sởi. Nhưng, con chị cũng được chỉ định tiêm dịch vụ MMR II (sởi - quai bị - rubella) với giá 254.000 đồng. “Lâu nay con của tôi tiêm vắc xin miễn phí trong Chương trình TCMRQG, nay nghe thông báo hết vắc xin buộc phải tiêm dịch vụ. Nếu có vắc xin miễn phí thì gia đình bớt tốn kém”, chị Hạnh nói.

Theo lãnh đạo Trung tâm y tế Q.Tân Bình, phần lớn người dân trông chờ vào TCMRQG, nhưng vắc xin TCMRQG hết thì phải tư vấn cho người dân đi tiêm vắc xin dịch vụ để đủ mũi.

Đã 4 lần đề nghị cung ứng vắc xin

TP.HCM được Chương trình TCMRQG cung ứng 10 loại vắc xin, gồm: viêm gan B cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Haemophilus influenzae tuýp B, sởi, viêm não Nhật Bản B và rubella. Đến tháng 5.2022, các loại vắc xin trên đã có dấu hiệu hết. Ngày 29.6, Sở Y tế TP.HCM báo cáo khẩn tình hình gần hết vắc xin TCMRQG cho UBND TP.HCM và Bộ Y tế, đồng thời đề nghị Bộ Y tế phân bổ vắc xin theo số lượng TP.HCM đã đăng ký.

“Bộ chưa thông báo chừng nào cấp”

Tại Bình Định, từ vài tháng qua, ở các cơ sở tiêm chủng công lập cũng xảy ra tình trạng thiếu các loại vắc xin như: viêm não Nhật Bản, lao (BCG), sởi - rubella (MR), bại liệt dạng uống (bOPV), SII (ho gà, uốn ván, bạch hầu, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib), IPV (bại liệt), VGB (viêm gan B), DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván), sởi... Nhiều người muốn tiêm các loại vắc xin này phải tìm đến các cơ sở tiêm chủng tư nhân.

Tại Phú Yên, theo ông Huỳnh Lê Xuân Bích, Phó giám đốc Sở Y tế kiêm Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, trước đây Phú Yên cũng thiếu vắc xin nhưng sau đó Bộ Y tế đã cấp bổ sung và đã triển khai tiêm phòng. Tuy nhiên, Phú Yên hiện vẫn còn thiếu 3 loại vắc xin, gồm: ngừa bại liệt (bOPV), viêm não Nhật Bản và rubella (MR). “Phú Yên đã gửi dự trù các loại vắc xin còn thiếu này ra Bộ Y tế nhưng Bộ chưa thông báo chừng nào cấp”, ông Bích nói.

Hoàng Trọng - Đức Huy

Đến ngày 12.8, Sở Y tế TP.HCM tiếp tục có công văn gửi khẩn Bộ Y tế và UBND TP.HCM báo cáo nhiều loại vắc xin đã hết, đề nghị được cung ứng vắc xin.

Ngày 25.11, và ngày 22.12, Sở Y tế TP.HCM thêm 2 lần nữa có văn bản gửi khẩn Bộ Y tế và UBND TP.HCM cũng báo cáo về nội dung nhiều loại vắc xin đã hết, đề nghị được cung ứng vắc xin trong thời gian sớm nhất; đảm bảo đủ vắc xin phục vụ nhu cầu TCMR cho người dân.

Cảnh báo nguy cơ dịch sởi quay lại

Theo Sở Y tế TP.HCM, trong các loại dịch bệnh nguy cơ bùng phát, thì hiện nay lo ngại nhất là dịch sởi.

Theo yêu cầu của Chương trình TCMRQG, tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi phải đạt ít nhất 95% ở trẻ dưới 1 tuổi để có thể kiểm soát được dịch sởi. Thực tế cho thấy cứ 4 năm 1 lần thì dịch sởi lại xảy ra theo chu kỳ, gần nhất là các đợt bùng phát dịch sởi vào các năm 2013 - 2014, năm 2018 - 2019. Điều đáng lo ngại hơn nữa là sau 2 năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi tại TP.HCM rất thấp.

Sở Y tế nhận định chu kỳ 4 năm dịch sởi quay trở lại, cộng với việc 3 năm qua (2019 - 2021) tỷ lệ trẻ tiêm vắc xin sởi đều không đạt, và sự gián đoạn nguồn cung ứng vắc xin trong Chương trình TCMRQG nên nguy cơ dịch sởi tái bùng phát tại TP.HCM lớn hơn rất nhiều lần so với những đợt dịch trước.

Trong tình hình “cạn” vắc xin thuộc Chương trình TCMRQG như hiện nay, Sở Y tế chỉ đạo các TYT phường, xã lập danh sách các trẻ đã đủ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng để mời tiêm ngay khi nhận được vắc xin từ chương trình. Trong trường hợp các bậc phụ huynh quá lo lắng và muốn trẻ được tiêm đúng lịch, thì tư vấn cho phụ huynh có thể đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để tiêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.