Chương trình này được công nhận đạt chuẩn kiểm định quốc tế ABET của Mỹ vào cuối tháng 8.2020 vừa qua, dựa trên kết quả của chuyến thăm kiểm định năm ngoái từ ngày 24 đến 26.11.2019. Kết quả kiểm định này được công nhận mở rộng và bao gồm cho cả những khóa sinh viên DTU ngành Điện-Điện tử đã tốt nghiệp từ ngày 1.10.2018.
|
Đây là chương trình đào tạo thứ 3 đạt chuẩn kiểm định ABET của Trường đại học (ĐH) Duy Tân, sau 2 chương trình đào tạo gồm:
- Kỹ thuật Mạng, và
- Hệ thống Thông tin Quản lý
được công nhận kiểm định vào ngày 27.8.2019.
ĐH Duy Tân là trường ĐH thứ 2 của VN có các chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET, sau trường ĐH Bách Khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM (2014), và là 1 trong 4 cơ sở giáo dục của VN đạt chuẩn kiểm định này nếu tính cả trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (2018 - là trường thứ 2 nếu tính cả cao đẳng và ĐH) và Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh (2019). Tính đến nay, trường ĐH Duy Tân là cơ sở giáo dục cấp trường có nhiều chương trình nhất (3 chương trình) được ABET đánh giá đạt chất lượng đạt mức cao nhất (6 năm).
Điểm mạnh của chương trình Công nghệ kỹ thuật Điện Điện tử tại ĐH Duy Tân đã được ABET ghi nhận và đánh giá cao thông qua nhận xét: “Nhà trường đã áp dụng một chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên việc giảng dạy tích hợp các dự án xuất sắc nhằm hỗ trợ cho sinh viên lĩnh hội được các kiến thức thông qua việc chủ động khám phá những thách thức và giải quyết các vấn đề thực tiễn của thế giới. Việc giảng dạy kỹ thuật dựa trên dự án được vận hành theo mô hình CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate). Đây là một mô hình giáo dục kỹ thuật tiên tiến nhằm dạy cho sinh viên-những kỹ sư tương lai các nguyên tắc cơ bản về kỹ thuật để họ có thể hình thành nên các kỹ năng về xây dựng ý tưởng, thiết kế, triển khai thực hiện và vận hành các thiết kế kỹ thuật cũng như đưa ra các giải pháp trong thế giới thực.
Chương trình đào tạo đã tích hợp những nguyên tắc của CDIO trải dài trong 5 môn học. Đội ngũ giảng viên của chương trình đã thể hiện năng lực và khả năng thực hiện các nguyên tắc CDIO trong chương trình giảng dạy một cách xuất sắc thông qua các báo cáo trình bày tại nhiều hội nghị về CDIO trên toàn thế giới. Sinh viên của chương trình đã được chuẩn bị tốt cho việc thực hành kỹ thuật thông qua quá trình tham gia vào các cuộc thi CDIO Academy, nơi trưng bày và thi đấu các sản phẩm của sinh viên theo mô hình CDIO”.
Được xem là tổ chức kiểm định uy tín nhất thế giới cho các chương trình kỹ thuật và công nghệ, rất nhiều trường ĐH nổi tiếng thế giới đã tham gia kiểm định ABET cho các chương trình đào tạo của mình. Tiêu biểu trong số đó có: ĐH Khoa học Ứng dụng (Áo), ĐH Khoa học và Công nghệ Mody (Ấn Độ), ĐH AMA(Philippines); hay các trường ĐH kỹ thuật nổi tiếng của Mỹ như: Học viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT), Đại học California ở Berkeley (UCB), ĐH Carnegie Mellon (CMU), ĐH Purdue, ĐH Johns Hopkins, ĐH Duke...
ABET được thành lập năm 1932 với 4 Ủy ban Kiểm định gồm:
- Ủy ban Khoa học Ứng dụng (ASAC),
- Ủy ban Khoa học Điện toán (CAC),
- Ủy ban Kỹ thuật (EAC), và
- Ủy ban Công nghệ - Kỹ thuật (ETAC).
Các thành viên thuộc 4 ủy ban này đến từ 35 hiệp hội nghề nghiệp uy tín của Mỹ như: ASHRAE, SPE, SME… với hơn 2.200 tình nguyện viên là các nhà khoa học, các chuyên gia và nhà tuyển dụng hàng đầu trên toàn thế giới. Hiện tại, đã có hơn 4.000 chương trình đào tạo thuộc 793 trường ĐH và cao đẳng ở 32 quốc gia được kiểm định bởi ABET.
Khác với cách đánh giá và công nhận theo cấp độ đáp ứng từ 1-7 (bởi AUN-QA) hay theo tỉ lệ cần có ít nhất 80% số tiêu chí đạt (kiểm định trong nước), để ABET công nhận đạt kiểm định ở mức cao nhất (6 năm), các chương trình đào tạo cần đáp ứng tuyệt đối 100% các tiêu chí theo yêu cầu của ABET. Nếu có bất kỳ một tiêu chí nào thuộc chương trình đào tạo không đáp ứng theo yêu cầu của ABET, chương trình đó xem như không được kiểm định hoặc chỉ có thể được xem xét công nhận có điều kiện tạm thời ở mức độ tối đa là 2 năm.
|
|
Sau quá trình kiểm định nghiêm túc và khách quan, Tổ chức kiểm định ABET đã công nhận chương trình Công nghệ Kỹ thuật Điện-Điện tử của ĐH Duy Tân đạt kiểm định ABET với mức kiểm định cao nhất là 6 năm, tính đến ngày 30.9.2026.
Chương trình đào tạo Công nghệ Kỹ thuật Điện-Điện tử đã đáp ứng 100% các tiêu chí kiểm định Tổ chức Kiểm định ABET. Kết quả này bắt nguồn từ những chuẩn bị rất chu đáo của ĐH Duy Tân qua nhiều năm. Trong đó có:
- Xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao,
- Xây dựng chuẩn đầu ra cho chương trình,
- Chú trọng vào việc giảng dạy và cải tiến phương pháp giảng dạy để đáp ứng chuẩn đầu ra chương trình
Đồng thời, ĐH Duy Tân thực hiện hợp tác quốc tế nâng cao chất lượng đào tạo, liên tục trang bị và nâng cấp các trang thiết bị hiện đại, phục vụ cho công tác thực hành đạt chuẩn quốc tế.
TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Thường trực ĐH Duy Tân cho biết: “Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục hay kiểm định chương trình đào tạo là yêu cầu cấp thiết để các trường đại học tự chủ theo Luật GDĐH sửa đổi, đồng thời, cũng hàm chứa ý nghĩa công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo trước toàn xã hội, giúp cho phụ huynh, người học, và nhất là doanh nghiệp giám sát được chất lượng của các chương trình đào tạo mà nhà trường cung cấp. Việc chương trình đào tạo của ĐH Duy Tân được Tổ chức Kiểm định ABET công nhận đạt chuẩn thì giá trị thừa nhận về chất lượng sẽ có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn hơn, vượt ra khỏi lãnh thổ quốc gia, rút ngắn khoảng cách về đào tạo giữa các trường đại học trong nước với các đại học có uy tín trên thế giới.
Bất kỳ trường đại học nào, một khi chương trình đào tạo được kiểm định đạt chất lượng bởi tổ chức ABET sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho người học. Người học sẽ được học với các điều kiện đảm bảo chất lượng cao, đồng bộ từ chuẩn đầu ra, hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ, năng lực quản trị chương trình, hệ thống giáo trình cập nhật mới, phương pháp giảng dạy tích cực, giúp người học phát huy năng lực của bản thân và đáp ứng các yêu cầu tuyển dụng ngày càng cao của doanh nghiệp.
Các chương trình đào tạo của Trường ĐH Duy Tân lần lượt được kiểm định và đạt chuẩn kiểm định quốc tế ABET là một minh chứng rõ nét cho thấy chất lượng đào tạo của nhà trường đã từng bước hội nhập với các chuẩn mực đào tạo uy tín trên thế giới” .
|
TS Hà Đắc Bình - Trưởng khoa Điện-Điện tử ĐH Duy Tân khẳng định: “Kiểm định ABET cho các chương trình đào tạo là mục tiêu vô cùng quan trọng của Khoa Điện-Điện tử nói riêng và trường ĐH Duy Tân nói chung. Bởi đây là thước đo về chất lượng đào tạo và cũng là tấm ‘vé’ để khoa Điện-Điện tử bước vào sân chơi quốc tế trong lĩnh vực đào tạo các ngành kỹ thuật và công nghệ. Cùng với niềm tự hào được học chương trình đã đạt kiểm định ABET, sinh viên sẽ được thụ hưởng chất lượng đào tạo tốt nhất từ chương trình, tài liệu học tập, người dạy cho đến cơ sở vật chất hiện đại với mức học phí rất khiêm tốn.
Khi đạt được kiểm định ABET, mối quan hệ hợp tác quốc tế của trường cũng thêm rộng mở, đặc biệt là với các trường đại học của Mỹ và Tây phương. Đây cũng là tiền đề để thu hút sinh viên quốc tế đến theo học”.
Trong tháng 12.2020 sắp tới, Đoàn đánh giá ngoài của Tổ chức Kiểm định ABET sẽ tiếp tục thực hiện đánh giá chất lượng chương trình đào tạo ngành Công nghệ Phần mềm của trường. ĐH Duy Tân sẽ tiếp tục kiểm định các chương trình kỹ thuật và công nghệ khác trong các năm tiếp theo.
Các bạn có thể xem thêm thông tin về đào tạo ngành Hệ thống Nhúng, Điện tự động, Điện tử-Viễn thông, Cơ điện tử chuẩn PNU, Điện Điện tử chuẩn PNU, Công nghệ Kỹ thuật Ô tô của ĐH Duy Tân tại đây: Khoa Điện-Điện tử
Mọi thông tin về tuyển sinh thí sinh có thể tìm hiểu chi tiết tại:
Điện thoại: (0236) 3653.561-3650.403 - Fax: (0236) 3650.443
Điện thoại đường dây nóng: 1900.2252 - 0905.294390 - 0905.294391
Email: [email protected];
Facebook: tuyensinhdtu; Zalo: 0905.294390 - 0905.294391 |
ĐẠI HỌC DUY TÂN
|
Bình luận (0)