Chiều 6.11, ngay sau khi kết thúc chuyến công du tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ năm 2021 (COP26), thăm và làm việc tại Vương quốc Anh và Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10.2021.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 |
Nhật Bắc |
Hỗ trợ gần 24.560 tỉ đồng cho hơn 26 triệu người
Tại cuộc họp, Thủ tướng đánh giá, kể từ khi ban hành Nghị quyết 128 (ngày 11.10) đến nay, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã dựa trên thực tiễn để điều chỉnh từng bước việc thích ứng với dịch Covid-19 một cách hiệu quả theo hướng quản lý rủi ro chứ không theo đuổi chính sách “zero Covid-19”, đồng thời thực hiện từng bước thận trọng, chắc chắn, rút kinh nghiệm và mở rộng dần.
Về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 10 và 10 tháng năm 2021, Chính phủ đánh giá nhờ kiểm soát dịch bệnh, nền kinh tế từng bước mở cửa, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần ổn định trong trạng thái bình thường mới, KT-XH tháng 10 đã khởi sắc hơn so với tháng 9. Công tác an sinh xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả; đời sống người dân nhìn chung ổn định (đã hỗ trợ gần 24.560 tỉ đồng cho hơn 26 triệu người).
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra cuối giờ chiều 6.11, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đầu tư công; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện chương trình phục hồi kinh tế.
“Khai thông, phát triển mạnh thị trường trong nước. Bảo đảm cung cầu hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, không để thiếu hàng hóa. Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường; quản lý, điều hành linh hoạt, hiệu quả về giá các mặt hàng thiết yếu. Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại. Từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với áp dụng hộ chiếu vắc xin, tạo điều kiện khôi phục thị trường du lịch”, Bộ trưởng Trần Văn Sơn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng.
Ghìm giá xăng dầu, giữ giá điện
Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết giá xăng tăng mạnh, nhưng vẫn thấp hơn đà tăng của thế giới do việc sử dụng mạnh mẽ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. “Chính phủ từ đầu năm đã chỉ đạo quyết liệt, Bộ Công thương cũng chỉ đạo quyết liệt, liên bộ sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá xăng dầu để hạn chế mức tăng giá xăng. Từ đầu năm đến nay giá xăng dầu bình quân thế giới tăng 59 - 76%, do dùng Quỹ bình ổn nên giá xăng dầu trong nước tăng 40,23% - gần 53%”, ông Hải nói.
Đối với mặt hàng thiết yếu là điện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay tính cả năm 2021 và năm 2020 có tổng cộng 5 đợt hỗ trợ giảm giá điện với tổng số tiền hỗ trợ lên tới 16.650 tỉ đồng, dù theo Quy định 24 của Thủ tướng, giá mặt hàng đầu vào tăng có thể điều chỉnh giá điện. Bộ Công thương đã báo cáo năm 2021 không tăng giá điện, điều chỉnh trong năm sau như thế nào sẽ tùy tình hình thực tiễn. Do vậy, thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả.
Báo cáo Thủ tướng về việc nhập 37 toa tàu “0 đồng”
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc nhập 37 toa tàu cũ Nhật Bản tặng “0 đồng” theo đề nghị của Tổng công ty đường sắt VN, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đang lấy ý kiến các bộ, ngành để báo cáo việc này lên Thủ tướng.
Theo ông Đông, luật Đường sắt quy định phải đăng kiểm phương tiện, khi đưa vào sử dụng phải còn niên hạn, định kỳ đăng kiểm đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Chính phủ có Nghị định 65 quy định phương tiện nhập khẩu đường sắt là toa xe, đầu máy dưới 10 năm, để chở hàng thì dưới 15 năm. Do đó, tàu 40 năm của Nhật Bản không đáp ứng yêu cầu. Ông Đông cũng khẳng định quan điểm của Bộ GTVT là không đồng thuận với việc nhập khẩu 37 toa tàu cũ.
Bình luận (0)