Mùa hoa sấu nở, cả vùng như luôn chìm đắm trong những cơn mưa hoa tơi tả. Và suốt mùa hè thu, những quả sấu rụng xuống lớp lớp lá khô phát ra những âm thanh trầm lặng, buồn bã.
Cậu Tịnh có cả một rừng sấu bao quanh nhà. Đó là vì cậu được thừa kế gia sản của ông bà ngoại. Mà ông ngoại tôi lại mê sấu, thần thánh hóa loài cây này đến mức như một thứ tôn giáo.
Khi tôi lớn lên thì ông ngoại đã mất, nên cái sự thần thánh sấu của ông tôi không được tận mắt thấy, chỉ nghe kể, mà chuyện kể thì dăm bảy kiểu, tùy vào người kể. Nên chuyện ông ngoại, tôi chỉ lấy rừng sấu ông trồng làm chứng. Duy chỉ có một chuyện tôi tin là thật: Cậu Tịnh tôi có một tài năng đặc biệt đối với loài cây sấu. Thật ra, tôi không biết nên định nghĩa thế nào về điều đó, tài năng, khả năng hay cái gì đó tương tự thế.
Là vì, không phải cây sấu nào lớn lên cũng ra hoa, đậu quả. Có những cây to lớn xùm xòa, nhưng năm này qua năm khác chỉ lá xanh rồi lại lá vàng. Những cây sấu đó dân quê tôi gọi là sấu câm. Quê tôi, khi muốn miệt thị một phụ nữ hiếm muộn hoặc vô sinh, người ta gọi là sấu câm. Nghe đau lòng lắm, trừ những người phụ nữ không thèm để ý đến điều đó, như mợ Cúc, vợ cậu Tịnh tôi chẳng hạn.
tin liên quan
Trầm - Truyện ngắn của Phạm Thanh ThúyRừng sấu của ông ngoại tôi cũng có vài cây như vậy, nhưng ông còn chưa có ý định chặt chúng đi, thì cậu Tịnh tôi đã làm được điều kỳ diệu, khiến cho cây ra quả, đơm hoa. Ban đầu việc này khiến dân trong vùng trêu cậu dữ lắm, rằng chỉ cậu biết cậu đã làm gì nên chúng mới có thể ra hoa đậu quả. Nhưng đến khi cậu lấy mợ Cúc, vài năm mà mợ không sinh nở gì, thêm việc cậu tỉnh queo trước những lời khiếm nhã, thì dân làng chuyển từ trêu ghẹo sang khinh miệt, đàm tiếu, dù chả có tuần chay nào ở nhà cậu Tịnh là họ không có nước mắt.
Từ lâu, cậu Tịnh sống bằng việc khiến sấu câm thôi câm. Tiếng tăm bay khắp chốn, nên chẳng lạ gì khi cậu có những chuyến đi dài đến những nơi xa xôi để làm phúc cho sấu. Những ngày nhàn rỗi mà không nhậu nhẹt ăn uống, cậu hay mắc võng dưới vòm sấu biếc và ngâm nga những bài hát não nề chảy nhựa. Những hôm đó, cậu thường nhắn tôi sang để nghe cậu hát và cùng cậu tâm tình. Cậu kể cho tôi nghe rất nhiều về những vùng đất trồng sấu và cả không trồng sấu, về những người phụ nữ đặc biệt mà cậu đã gặp hoặc chỉ nghe đồn. Tôi thì luôn muốn biết rằng cậu đã làm thế nào để những cây sấu câm ra quả. Cậu bảo nếu con người có số phận thì vạn vật, cây cối cũng vậy. Cậu không cần dựa vào khả năng, mà cậu có tài. Cái tài đó là độc đáo, là vô cùng đáng tự hào, vì không phải ai cũng có thể làm được như cậu, dù có rèn giũa thế nào.
Mẹ tôi thì bảo đó không phải là tài năng, chỉ là một khả năng mà thôi. Và vì cái khả năng vớ vẩn ấy, mà cậu đã vớ phải cục nợ là mợ Cúc.
Lẽ đương nhiên tôi không hiểu những lời của cậu. Tôi chỉ mang trong lòng sự ngưỡng mộ tài hoa của cậu và tin rằng ngày nào đó tôi có thể trở thành truyền nhân, có thể lắng nghe được những lời thì thầm của cỏ cây, có thể chữa lành cho chúng những vết thương số phận.
tin liên quan
Người về sông Thiếp - Truyện ngắn của Phạm Thanh ThúyPhần lớn dân trong vùng trồng sấu và làm ruộng, ăn nói cục cằn, chỉ ham rượu chè và sợ thua thiệt lẫn nhau những thứ vụn vặt. Riêng cha mẹ tôi đều là giáo viên nên cũng có chút khác người. Tôi thường xuyên chứng kiến những cuộc khẩu chiến lạnh lẽo của họ, và bao giờ sau đó cha tôi cũng im lặng để câu chuyện xuôi đi. Mẹ tôi nói cậu Tịnh đi suốt, mợ Cúc ở nhà chẳng khác gì “nhà vệ sinh công cộng, ai vào ai ra mà chẳng được”. Mẹ còn dặn tôi tránh xa mợ. Làm người, đôi khi dù có “mắc” đến mấy cũng không phải cứ có bất cứ nhà vệ sinh nào cũng nhảy vào. Mẹ tôi rất sạch sẽ, đến mức gần như bệnh hoạn. Những ngày nghèo khó, chúng tôi có thể thiếu thốn nhiều thứ, nhưng nhà vệ sinh của gia đình tôi có thể khiến một người quê mùa chất phác nào đó ngại bước chân vào.
Mẹ tôi ghét mợ Cúc không phải không có căn cớ. Hầu hết những người phụ nữ trong vùng đều ghét mợ. Rất đơn giản và cũng rất tầm thường, ấy là họ không thể không nghi ngờ mợ từng ăn nằm với chồng họ. Có lần tôi đến nhà thăm cậu Tịnh sau chuyến cậu đi khám sấu xa trở về. Cậu đang say rượu nằm bẹp dí trên giường. Những bông hoa sấu rụng rào rào bởi gió, vì thế, tôi nghe như có một cơn mưa đang đổ trong rừng.
Mợ Cúc nằm trên chiếc võng cậu Tịnh vẫn thường nằm để hát nhạc vàng. Ngay cả khi tôi đứng đó mợ cũng không ngồi dậy. Công bằng thì mợ khá xinh đẹp so với những người phụ nữ quê mùa quanh năm bận bịu với đủ thứ việc trên đời. Tôi thích nhất đôi môi của mợ, nó đỏ thắm, mọng như một quả cà chua chín. Mẹ tôi bảo mợ vốn là một gái làm tiền thất thời, lại biết bỏ bùa ngải, nên cậu Tịnh mới rước về làm vợ mà thôi. Ngay cả đôi môi đỏ choét ấy cũng là đồ giả. Bây giờ người ta có thể làm đủ thứ giả, nói gì đến môi với mắt.
Ngày ấy, chỉ những cô gái ăn chơi sành điệu lắm, bất chấp dị nghị xóm làng lắm mới ra thành phố xăm môi, xăm mắt. Xăm xong rồi môi họ lúc nào cũng đỏ, mắt lúc nào cũng sắc, nhưng nhìn đã thấy thiếu tự nhiên, đã thấy hư người rồi.
tin liên quan
Chung cư - Truyện ngắn của Phạm Thanh ThúyMẹ tôi hét lên: “Mày định ăn thịt cả bố lẫn con chúng nó hả con đĩ kia!”.
Tôi choáng váng. Những cơn gió đuổi nhau ào ào. Cơn mưa hoa sấu rụng sầm sập xuống vai tôi. Tôi chỉ còn nghe tiếng hoa sấu rụng và giọng cậu Tịnh lè nhè: “Chị có chồng không giữ, đừng vu vạ cho vợ tôi”.
Mẹ tôi ấm ức chạy về nhà, mở cửa nhà vệ sinh và khóc ầm trong đó. Ngày trước, khi cậu Tịnh đưa mợ Cúc về làm vợ sau một chuyến đi làm phúc cho sấu ở xa, mẹ tôi đã thắp hương cho ông ngoại và than khóc. Mẹ bảo rừng sấu thần tiên của ông bao nhiêu tâm huyết cuối cùng đã rơi vào tay những kẻ mạt hạng.
Mẹ cố thủ trong nhà vệ sinh đến tối mới chịu ra, và cha tôi cũng chẳng buồn buông một lời nài nỉ nào. Từ lâu cha mẹ tôi mỗi người một giường. Mẹ bảo không bao giờ mẹ chấp nhận một người “dùng nhà vệ sinh bừa bãi” như cha tôi.
Mùa hè năm đó cả vùng được mùa sấu lớn. Từ lâu sấu quê tôi được ưa chuộng khắp nơi, người ta đánh ô tô tải ùn ùn đến rồi ùn ùn đi. Mợ Cúc tháo vát mở dịch vụ môi giới, thu gom sấu, thậm chí nhận nấu cơm, phục vụ rượu cho cánh hàng buôn và tài xế. Cậu Tịnh tôi suốt ngày bí tỉ. Đám hàng buôn buông lời ong bướm với mợ Cúc cậu cũng chẳng buồn quan tâm. Bọn đấy chỉ lượn lờ được dăm bảy hôm chứ mấy - cậu nói.
Đám hàng buôn cùng với những chiếc xe tải cuối cùng rời khỏi làng tôi, bốc theo mợ Cúc. Chiều hôm ấy, trong vườn sấu tả tơi vì bị thu hái quả, cậu Tịnh tỉnh táo như chưa từng bí tỉ lúc nào. Cậu ngồi trên chiếc võng, ngâm nga mấy điệu nhạc vàng. Trên bàn, một xấp tiền được chèn bởi mấy quả sấu rụng. Một cơn gió to đột nhiên thổi đến, những quả sấu trên xấp tiền lăn lông lốc và những tờ tiền lật mình bay tới tấp xuống nền sân còn phủ đầy lá sấu xanh bị người ta giựt xuống.
Cha tôi nói rằng đó là số tiền mợ Cúc đã tự chuộc mình, vì một lý do nào đấy chỉ hai cậu mợ biết. Mẹ tôi bảo mợ chẳng tử tế đến thế đâu. Số tiền đó là do mợ ăn ngủ với đàn ông khắp vùng mà có được. Chưa biết chừng đó là tiền cậu Tịnh nhượng vợ.
Tôi di tay lên thân những cây trong rừng sấu ông ngoại trồng. Sấu xanh rì rào trong gió biếc. Cậu Tịnh bảo rằng cậu sẽ đi xa, thích đâu thì sống ở đó. Rừng sấu của ông ngoại cậu chẳng cần làm gì. Vì rằng người ta sẽ phá chúng đi rất nhanh thôi.
Hai năm sau, sấu trong vùng lần lượt bị đốn chặt. Người ta bảo sấu chẳng còn quan trọng. Họ bán hết đất cho người ta xây khu công nghiệp. Tôi không gặp cậu Tịnh lần nào, và có thể chẳng bao giờ biết bí mật của cậu.
Bình luận (0)