Duyên dáng bánh phu thê Huế

27/04/2015 22:34 GMT+7

Bánh có hình vuông nên có ý nghĩa vuông tròn, tượng trưng cho sự viên mãn - trăm năm hạnh phúc của đôi lứa, thường đường chưng trang trọng trong đám cưới.

Đi khắp mọi miền của đất nước mới thấy rằng bánh phu thê là sản phẩm duyên dáng nhất, không chỉ bởi hình dạng tinh tế bên ngoài mà còn ẩn chứa tính nhân văn bên trong.

Bánh có hình vuông nên có ý nghĩa vuông tròn, tượng trưng cho sự viên mãn - trăm năm hạnh phúc của đôi lứa, thường đường chưng trang trọng trong đám cưới.

Duyên dáng bánh phu thê Huế
Chiếc bánh thể hiện chữ Duyên của người Việt

Nguyên liệu làm bánh cũng được lấy từ chính nông sản có sẵn tại địa phương là: bột lọc, đậu xanh, dừa nhưng tùy theo vùng miền mà có sự biến tấu khác nhau.

Ở miền Nam cũng có bánh phu thê, mỗi khi có đám cưới gia chủ thường mua theo con số tram - một trăm hoặc hai trăm tùy điều kiện, chưng thành tháp cao, có màu xanh của lá dừa tươi, điểm thêm chấm tròn đỏ tùy theo tiệm bánh cho đẹp mắt. Nguyên liệu bên trong cơ bản giống nhau, nhưng vỏ lại bọc bằng nylon. Người bán cho rằng như vậy tiện cho người dùng và cũng do lá dừa không phải lúc nào cũng sẵn.

Tuy nhiên như vậy có vẻ hơi "kém duyên". Bởi cây dừa có ở khắp mọi miền đất nước, nếu đã dụng công cho chiếc bánh cổ truyền thì nên đầu tư thời gian làm vỏ bọc. Cho nên, ở Sài Gòn bánh phu thê thường dễ bị nhầm với bánh da lợn do bên trong cũng có nhân đậu xanh, dừa với vỏ bọc nylon núng nính bên ngoài, không tạo nên bản sắc.

Duyên dáng nhất có lẽ là bánh phu thê Huế, không sản xuất công nghiệp ồ ạt mà làm hoàn toàn từ thủ công, không có chất bảo quản nên chỉ dùng trong ngày để giữ sự tươi ngon, cho thấy sự tinh tế và trân trọng chiếc bánh cổ truyền.

Cầm chiếc bánh phu thê trên tay mới thấy được sự tinh tế của nghệ nhân ẩm thực Huế, trong ngoài đều được bọc bằng lá dừa. Lá dừa được xếp nếp thành hình vuông, tận dụng răng lá làm nẹp cố định cho chiếc hộp, lớp trong lớp ngoài ôm sát nhau rất dễ sử dụng. Nhẹ nhàng mở nắp hộp là chiếc bánh vuông vắn trong suốt, điểm màu xanh của đậu, màu trắng của cơm dừa bào sợi, nếm thấy giòn giòn, vị ngọt thanh, thơm dịu, thật không có gì thanh cao hơn.

Ở Huế bánh phu thê thường được đọc là bánh su sê. Đến đây nếu không hỏi người dân địa phương thì không dễ tìm được bánh su sê chính hiệu.

Bánh su sê Huế được chế biến công phu làm nên hương vị khác biệt. Ngoài chiếc hộp vuông từ lá dừa tươi, bên trong hộp được thêm một khúc lá dứa. Đây chính là bí quyết giúp bánh có mùi thơm tự nhiên, cuốn hút.

Làm bánh su sê đúng kiểu Huế không khó nhưng đòi hỏi nhiều công đoạn và thời gian. Các nguyên liệu đều phải sơ chế qua nhiều bước.

Bột lọc tươi tán nhuyễn, hòa với nước và đường theo tỉ lệ thích hợp. Cho dừa tươi đã nạo thành sợi nhỏ vào hỗn hợp đó khuấy đều rồi cho lên bếp đun nhỏ lửa. Bước này, được gọi là cháo bột.

Trong khi cháo phải quan sát kỹ vì bột rất dễ cháy phía đáy nồi. Cháo bột sao cho nửa chín nửa sống là được, tức bột sẽ kết dính lại và có màu trắng đục.

Đậu xanh nấu chín, xay mịn và nấu thành hỗn hợp dẻo mịn với đường.

Khi đã hoàn tất khâu sơ chế, cho một lớp bột vào khuôn, rồi nhân đậu xanh và đổ tiếp một lớp bột phía trên nữa. Đem hấp chừng 15 - 20 phút là chín. Khi hấp bánh phải canh sao cho bột không chín quá, sẽ làm mất đi độ dai. Canh lửa vừa phải để bánh chín đều.

Khi chín, bột trở nên trong vắt và dễ dàng nhìn thấy lớp nhân màu vàng óng cùng những sợi dừa hấp dẫn bên trong.

Ở Huế, có nhiều gia đình làm bánh su sê gia truyền. Với ý nghĩa nhân văn trên, bánh su sê không thể thiếu trong đám cưới, hỏi, lễ tết của người Huế. Nhiều người Huế xa quê dù đi đến đâu cũng không thể quên được hương vị của loại bánh thân thương này.

Duyên dáng bánh phu thê Huế
Những chiếc hộp vuông được gấp khéo từ lá dừa

Duyên dáng bánh phu thê Huế
Những khúc lá dứa được cắt vừa vặn với khuôn bánh vừa tạo hương vừa giúp lấy bánh dễ dàng hơn

Duyên dáng bánh phu thê Huế
Hộp nắp trên

Duyên dáng bánh phu thê Huế
Bột chuẩn bị cháo

Duyên dáng bánh phu thê Huế
Nhân bánh từ đậu xanh được nấu cho dẻo min

Duyên dáng bánh phu thê Huế
Các nguyên liệu được múc vào khuôn...

Duyên dáng bánh phu thê Huế
... rồi cho vào nồi hấp theo kiểu truyền thống

Duyên dáng bánh phu thê Huế
Canh củi lửa sao cho bánh đạt yêu cầu

Duyên dáng bánh phu thê Huế
Bánh đã chín với lớp vỏ trong suốt, nhìn rõ nhân bên trong

Duyên dáng bánh phu thê Huế
Đợi nguội hẳn mới đậy nắp hộp lên

Duyên dáng bánh phu thê Huế
Một gia đình làm bánh su sê gia truyền ở Huế

Duyên dáng bánh phu thê Huế
Được đóng thùng chờ được giao đi

Duyên dáng bánh phu thê Huế

 Tuyết Khoa (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.