Duyên nợ Thanh Niên

23/12/2015 07:35 GMT+7

Khi sếp yêu cầu viết bài nhân dịp sinh nhật tuổi 30 của Thanh Niên , tôi khá đắn đo. Dịp này, tôi nghĩ phải để các “cựu binh”, “lính chiến” đã từng chinh chiến lâu năm dưới màu áo Thanh Niên “lên tiếng”.

Khi sếp yêu cầu viết bài nhân dịp sinh nhật tuổi 30 của Thanh Niên, tôi khá đắn đo. Dịp này, tôi nghĩ phải để các “cựu binh”, “lính chiến” đã từng chinh chiến lâu năm dưới màu áo Thanh Niên “lên tiếng”.

Phóng viên Nguyễn Tập tìm hiểu cuộc sống bán hàng rong ở Thái Lan - Ảnh: C.T.VPhóng viên Nguyễn Tập tìm hiểu cuộc sống bán hàng rong ở Thái Lan - Ảnh: C.T.V
Còn tôi, dù viết báo đã lâu, nhưng ở Thanh Niên tôi vẫn là “lính mới”, chưa có nhiều đóng góp. Nhưng thôi, nghĩ sao viết vậy.
Năm 1997 khi còn là sinh viên kiến trúc, tôi đã bắt đầu viết cho nhiều tờ: Tuổi Trẻ, Phụ Nữ, Nhà Đẹp... mà chưa có dịp cộng tác với Thanh Niên. Nhưng cuộc đời có những bước ngoặt chẳng ai có thể nghĩ tới. Ra trường, tôi không làm kiến trúc sư mà về làm phóng viên Tuổi Trẻ rồi sau đó đi Mỹ du học.
Năm 2011, Khoa Báo chí và Truyền thông (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) phối hợp Tạp chí Nghề báo (Hội Nhà báo TP.HCM) tổ chức cuộc thi viết “Tôi yêu nghề báo”. Lúc đó từ Mỹ tôi cũng gửi bài tham gia. Bài Ác mộng Haiti nói về những trải nghiệm và cảm xúc cá nhân trong chuyến tác nghiệp khó quên ở trận động đất lịch sử tại Haiti năm 2010 làm gần 300.000 người thương vong và hơn 1 triệu người mất nhà cửa.
Lần đó tôi khá bất ngờ khi Ban tổ chức quyết định trao giải đặc biệt 10 triệu đồng cho bài của mình. Nhưng điều làm tôi bất ngờ không kém là khi biết anh Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên - thành viên Ban giám khảo lúc bấy giờ - cũng đồng thuận trao giải cao nhất cho tôi - “lính” của Báo Tuổi Trẻ, “đối thủ” cạnh tranh trực tiếp của Thanh Niên. Đối với tôi đấy là hành động fair play, “chơi đẹp”. Tôi có cảm tình với Thanh Niên từ lúc đó.
Năm 2012 tôi về nước. Thời điểm này tôi gặp nhiều chuyện không vui trong công việc cũng như tình cảm. Đang lúc chán nản cùng cực thì chính anh Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, lại chìa bàn tay ra cho tôi: “Về làm với anh!”. Có thể anh không nghĩ gì, nhưng đối với tôi đấy là một ân tình.
Gần hai năm đầu, do không phù hợp với mảng nên tôi vẫn cứ loay hoay “bơi lóp ngóp”. Khi đó có lúc tôi tự hỏi: “Có phải mình đã ảo tưởng về khả năng làm báo của bản thân?”, “Có phải mình thật sự bất tài?” và đã nghiêm túc suy nghĩ về việc trở lại nghề kiến trúc.
Cũng chính lúc này, Phó tổng biên tập Đặng Việt Hoa và Tổng thư ký tòa soạn Võ Khối lại kêu tôi ra và nói: “Mày viết được. Chân mày là chân đi, sao không qua làm phóng viên thường trú Văn phòng Bangkok?”. Tôi đồng ý đi Thái Lan và xem đó như là cơ hội cuối cùng của nghề báo cho mình. Nhưng điều quan trọng hơn, tôi không muốn “ân nhân” thất vọng vì đã đặt niềm tin nhầm chỗ.
Ngoảnh đi ngoảnh lại, tôi ở Thái cũng đã được 15 tháng, đã dần quen với nhịp sống tại đây, đặc biệt là khá thân thiết với dân làm chui người Việt (theo thống kê, hiện có hơn 50.000 người VN làm chui tại Thái).
Nhiều lúc tôi đến lân la chơi với anh em hàng rong ở những khu khác (xa nơi tôi ở). Khá bất ngờ, khi tôi vừa giới thiệu mình làm báo thì họ (dù chưa gặp tôi bao giờ) đã hỏi: “Có phải anh là nhà báo Thanh Niên không?”. Thì ra, cánh hàng rong đồng hương đã kháo nhau về chuyện “có ông làm Báo Thanh Niên hay chơi với dân làm chui. Thắc mắc gì cứ gọi hỏi ổng”. Có lẽ vì vậy mà mỗi khi Thái Lan có thay đổi gì về chính sách đối với lao động nhập cư là điện thoại của tôi lại reo liên tục: “Anh ơi, theo luật mới tụi em có được đi làm không?”, “Anh ơi, giải thích giùm em điều A, B, C...”.
Không chỉ dân làm chui, thỉnh thoảng tôi lại nhận được một cú điện thoại từ VN: “Anh có phải làm ở Báo Thanh Niên không? Cho tui hỏi chồng (con, em) tui bị bắt rồi, giờ phải làm sao?”. Hỏi ra mới biết đó là những thân nhân của ngư dân đánh cá bất hợp pháp trên biển của Thái bị bắt.
Rất nhiều người gọi điện mà không biết cả tên tôi, chỉ biết “anh nhà báo Thanh Niên”. Thật sự, điều đó làm tôi... vui lắm vì mình đã góp một phần nhỏ đưa những thông tin thiết thực mang thương hiệu Thanh Niên đến với những đồng hương xa xứ.
Người ta hay nói đến chữ “duyên nợ”. Tôi hoàn toàn tin điều đó. Tôi và Thanh Niên gặp nhau, đó là cái duyên. Còn nợ? Có, tôi nợ một lời tri ân tận đáy lòng đến các sếp - người đã đặt niềm tin vào tôi. Tôi nợ một lời cảm ơn chân thành đến đồng nghiệp - những người đã động viên, giúp đỡ tôi trong quá trình hòa nhập vào gia đình mới.
Lần đầu tiên từ ngày vào ngôi nhà Thanh Niên, có “sến” quá chăng khi tôi muốn nói: Cảm ơn Thanh Niên - người bạn của tôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.