"Muốn bông cho nước ngon, bà con phải làm cho cây sướng theo chuẩn 3D, nghĩa là massage phải đúng chỗ, đúng cách và đủ số lần. Đối với cây thốt nốt đực, người thợ sẽ dùng cây kẹp đực massage dọc theo cuống bông, phải massage đủ, đúng cùng một giờ thì bông mới chịu cho những giọt nước thơm ngon nhất…", câu chuyện về cây thốt nốt của hai mẹ con nông dân tại An Giang thu hút 3 triệu lượt xem trên mạng xã hội.
BỎ QUÁN CƠM TẤM VỀ LÀM NÔNG DÂN
Đổ vỡ hôn nhân từ ngày vừa mang bầu, một mình bà Nguyễn Thị Trinh (45 tuổi, quê An Giang) nuôi con trai Phan Văn Chiêu (27 tuổi) khôn lớn. Cuộc sống quanh quẩn hai mẹ con ngày qua ngày, Chiêu cùng mẹ làm đủ nghề như cắt cỏ bò, nuôi ếch, chăn vịt. Chiêu dần dà cảm nhận quê hương đã đùm bọc, che chở hai mẹ con qua mọi gian khó. Khi con trai lên TP.HCM học đại học được 2 năm, bà Trinh đóng cửa nhà, khăn gói lên thành phố cùng con vì "nhớ chịu hết nổi". Để trang trải tiền nhà trọ, bà Trinh xin làm thợ hồ. Sau đó, Chiêu vừa học thạc sĩ vừa làm việc cho công ty viễn thông, bà Trinh thuê mặt bằng, mạnh dạn mở quán cơm tấm Long Xuyên tại Q.7.
Dịch Covid-19 ập đến, quán đóng cửa, Chiêu nhìn mẹ xoay xở cuộc sống ở TP.HCM mà ký ức ở quê với cánh đồng thốt nốt xanh mát ùa về, Chiêu nghĩ, đó mới là nơi mẹ thuộc về. Bỏ hết tiền cọc, đóng cửa quán, hai mẹ con quay về quê hương. "Thời gian đầu về nhà, tôi vẫn làm việc online, nhận lương gần như đầy đủ. Tết vừa rồi, tôi xin nghỉ hẳn vì muốn ở bên mẹ. Hai mẹ con bắt đầu làm kênh mạng xã hội chỉ để kể về cây thốt nốt, về cuộc sống ở quê bên cạnh cuộc sống nông dân", chàng trai 27 tuổi kể.
Bà Trinh cũng nói: "Nhà có hai mẹ con nên con đi đâu mẹ đi đấy. Tôi rất ngại xuất hiện trước ống kính nhưng mong giới thiệu cho mọi người biết về đặc sản của vùng đất Tri Tôn, Tịnh Biên nên mới quay. Có khi một clip quay hơn chục lần mới xong, nhưng tôi thấy vui lắm".
HẠNH PHÚC ĐƠN GIẢN LÀ BÊN MẸ
Các clip trên kênh TikTok của hai mẹ con đa số quay ở hai cánh đồng thốt nốt lớn nhất VN, "chị Trinh" xuất hiện trong bộ đồ màu xanh luôn tươi cười rạng rỡ. Ánh nắng vàng ruộm góc trời dưới cánh đồng thốt nốt tạo cảm giác yên bình đến lạ. Với chất giọng đặc sệt miền Tây, mẹ con bà Trinh giới thiệu về "nghệ nhân" massage thốt nốt, cách phân biệt cây đực - cây cái, đường thốt nốt, lá thốt nốt lợp nhà, thân cây làm cột nhà, món ngon từ trái thốt nốt…
Sau 2 tháng làm kênh, Chiêu và mẹ bắt đầu bán đặc sản từ thốt nốt vì nhận được nhiều lời đề nghị từ người xem. Với "bí quyết" riêng của người địa phương, đặc sản thốt nốt của hai mẹ con được đông đảo mọi người đón nhận. "Hai mẹ con vừa bán đúng một tuần nay, tôi tìm hiểu cách làm đường ngon, cách lấy nước ngon rồi mới làm để đưa đặc sản quê mình đến mọi người", bà Trinh chia sẻ.
Về phần Chiêu, công việc hiện tại khác hoàn toàn với chuyên ngành kỹ thuật ô tô từng học càng khiến anh thấm thía câu nói "nghề chọn người". Chàng trai quê An Giang tâm sự: "Trong thâm tâm, tôi luôn có cảm giác nợ quê hương nên chấp nhận đánh đổi, về quê bắt đầu lại với con số 0. Giai đoạn đầu cũng khủng khiếp lắm, nhưng tôi hạnh phúc với hiện tại vì được làm việc cùng mẹ, ở bên mẹ". Để có những thông tin mới, chính xác đến người xem, Chiêu đã tìm gặp những người sống chết với nghề liên quan thốt nốt… Thấy đều là thông tin hay, chưa có tài liệu nào nhắc đến nên anh luôn cố lồng ghép những điều mới mẻ ấy vào clip của mình.
"Tất cả clip tôi đều quay, dựng bằng điện thoại. Hằng ngày, ngoài làm kênh, hai mẹ con cũng làm nông, cuộc sống cứ bình yên, thư thả. Qua các clip, tôi kể lại cuộc sống ở quê, những khó khăn đã trải qua tạo nên con người bền bỉ của hôm nay", chàng trai chia sẻ.
Bình luận (0)