Duyên nợ với dòng sông

01/02/2022 06:00 GMT+7

Từ lâu, cái tên Mười Duyên đã trở nên quen thuộc với người dân Cà Mau do gắn liền với những giai thoại về lặn vớt xác tàu chiến Mỹ bị chìm trên sông Cửa Lớn để kiếm sống…

“Thủ lĩnh” bất đắc dĩ

Sinh ra trong gia đình có 13 anh em ở H.Châu Thành (Hậu Giang), cuộc sống khó khăn khiến bà Đàm Thị Duyên (Mười Duyên, 61 tuổi) phải trôi dạt lên Sài Gòn. Năm 28 tuổi, bà lập gia đình với một doanh nhân Hoa kiều tên Quang Vĩnh Điền.

Ổn định được một thời gian thì cả gia đình nhà chồng sang Mỹ định cư khiến sinh kế của vợ chồng bà cũng gặp nhiều khó khăn. May sao khi đó, nghe tin người anh ruột là Tám Đức xuống Minh Hải (nay là Cà Mau) làm nghề thu mua phế liệu, bà Mười Duyên bàn với chồng cùng theo về lập nghiệp.

Khi hay tin người dân ở xứ Năm Căn thường xuyên lặn mò vỏ đạn, vỏ bom còn sót lại dưới lòng sông để bán ve chai, bà cùng chồng về đây thu mua rồi đem bán lại cho các lò luyện đồng ở Sài Gòn.

“Lãng nhách” là từ mà bà Mười Duyên dùng để miêu tả bước ngoặt cuộc đời mình. Bởi để giữ mối, buộc lòng lái buôn phải cho thợ lặn ứng tiền trước. “Tiền thì ứng liên tục, nhưng họ không lặn, rồi viện đủ lý do để khất nợ. Vậy là tôi cụt vốn”, bà kể lại.

Phần để cứu gia đình khỏi túng quẫn, phần vì muốn chứng minh “dò sông dò biển, dễ dò…”, bà tự mình cầm ống hơi nhảy xuống nước. Cũng từ đây, hàng trăm xác tàu chiến Mỹ vốn nằm yên dưới lòng sông cứ “nối đuôi” nhau lên bờ.

Bà Mười Duyên kiểm lại chiếc tàu từng gắn với bà rày đây mai đó làm nghề lặn

GIA BÁCH

Thuộc lòng đáy sông

Nhìn con nước ròng đang cuộn xiết nơi ngã ba sông, bà Mười Duyên kể: “Nói không phải khoe, chớ thủy tính của sông Cửa Lớn tôi thuộc nằm lòng. Nhớ lúc còn khỏe, mỗi lần lặn, tôi có thể ngậm ống hơi, đi bộ dưới đáy sông Cửa Lớn 3 - 4 tiếng liên tục, nên hồi đó ở đây có bao nhiêu chiến hạm, nó nằm chỗ nào dưới đáy sông tôi đều biết, từ đó có phương án trục vớt. Có điều qua lâu quá rồi nên cũng không nhớ hết mình đã trục vớt số lượng bao nhiêu. Khi đó, đội của tôi lặn khắp các tỉnh miền Tây, thậm chí ra đến Hải Phòng”.

Tần ngần hồi lâu, bà kể tiếp: “Lần đầu bàn tay chạm vào xác tàu lạnh tanh đã thấy sợ, lần mò vô mấy khoang tàu vớt hài cốt người chết lại càng sợ, nhưng rồi cũng dần quen. Sau này lặn xuống, tôi chỉ cần rờ cái mũi là biết tàu đó bao nhiêu tấn, hiệu gì, trọng lượng bao nhiêu, nằm tư thế ra sao… Sau khi khảo sát xong, tôi triển khai phương án cho anh em trong đội tiến hành trục vớt. Đối với những chiến hạm có tải trọng lớn, thợ lặn phải lặn mấy tiếng dưới sông, chia nhỏ từng phần của chiến hạm ra mới có thể kéo được lên bờ”, bà hồi tưởng.

Lấy đồ của Hà Bá đâu phải chuyện giỡn chơi, những rủi ro mà thợ lặn đối mặt rất nhiều. Khi đã xuống sông, xuống biển ngoài to gan lớn mật thì chỉ biết trông chờ vào may mắn. Bà Mười Duyên cũng không nhớ nổi đã bao nhiêu lần lặn xuống đáy sông cứu đồng đội, khi họ bị tuột dây hay bể ống hơi. “Nghề này, chỉ sơ suất nhỏ của người chỉ huy thì cái giá phải trả chính là tính mạng của bạn lặn. Đứng ở trên quan sát, chú ý tim nước trong sợi dây hơi là biết người đó còn thở được hay không. Có lần, tôi phải đưa 4 - 5 em đi cấp cứu khi đang trục vớt tàu cá bị chìm ở Kiên Giang. Nguyên nhân là chỗ tàu chìm nước xoáy mạnh quá nên bị sốc. Lần đó, tôi vẫn trục vớt thành công, nhưng lỗ hơn 40 triệu đồng”, bà kể.

Nghề lặn của Mười Duyên gắn liền với người anh thứ tám. Thời chiến, Tám Đức là lính đặc công thủy thuộc Quân khu 9, nên nhiều kỹ thuật, mẹo vặt khi lặn đều hướng dẫn cho em gái. Nhưng “sinh nghề, tử nghiệp”, Tám Đức mất trong lúc lặn trục vớt tàu cá bị chìm ngoài biển. Cú sốc quá lớn khiến bà Mười Duyên suy sụp, quyết định giải nghệ, bán hết đội tàu trục vớt rồi giải tán đội lặn.

Không còn đủ sức làm nghề thợ lặn, giờ đây bà tập trung nuôi hàu và thu mua hàu

GIA BÁCH

Phù sa bên sông cửa lớn

Sau đó, bà Mười Duyên cùng gia đình nhận lời nhà chồng sang Mỹ định cư. Bà đi vì tương lai của con, vì thương chồng, nhưng với một điều kiện là vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.

Nói về việc 3 lần hồi hương của mình, bà đút kết ngắn ngọn: Không hợp thổ. Bà phân bua thêm: “Sang Mỹ, bất đồng ngôn ngữ lại thêm nỗi nhớ quê quay quắt nên chỉ ở được một năm tôi về lại Việt Nam. Về, thì nhớ chồng, nhớ con nên tôi lại quay sang Mỹ. Năm 2003, tôi trở về Việt Nam cùng đứa con trai út. Nhưng cứ đêm xuống, nghĩ về tương lai con không biết sẽ ra sao, vậy là năm 2004, hai mẹ con lại khăn gói sang Mỹ. Đến năm 2006, hết chịu nổi, tôi bỏ tất cả về ở hẳn tới giờ”.

Về đến Sài Gòn, bà đi gặp những bạn hàng mua bán phế liệu trước kia mượn tiền để lập lại nghiệp... lặn. Mấy ngày sau, người ta thấy Mười Duyên đi mua chiếc tàu trục cũ, lặn lội ngược xuôi gọi trở lại những anh em từng làm trong đội lặn của mình và Tám Đức ngày xưa.

Ảnh chân dung của bà Mười Duyên được chụp trong thời gian bà hồi hương lần thứ 2

NHÂN VẬT CUNG CẤP

Hay tin Mười Duyên về, mấy anh em trong đội lặn mừng lắm, bởi từ ngày giải tán, bạn lặn lưu lạc tứ xứ, phải làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Đội lặn của Mười Duyên vốn đã nức tiếng gần xa, một lần nữa lại dọc ngang khắp các vùng sông nước miền Tây. Có thời điểm, đội lặn của bà nhận hàng chục hợp đồng mỗi tháng. Đội lặn nhận trục vớt từ tàu chiến, tàu hàng, khơi thông dòng chảy của các con sông, thậm chí đến cả truy tìm tung tích những người không may chết đuối. Có khi vớt được xác, thấy thân nhân quá nghèo, không những không lấy tiền công mà còn cho tiền mai táng.

Những năm gần đây, bà và cả anh em đội lặn đều lớn tuổi nên giải tán đội. Dù không còn dọc ngang trên những dòng sông, nhưng nợ với con nước lớn ròng ở ngã ba sông Cửa Lớn thì vẫn còn đó. “Khi về lại Năm Căn, một mặt tôi lặn trục vớt tàu, một mặt tôi bắt tay nuôi và kinh doanh hàu giống. Công việc làm ăn thuận lợi, có tháng tôi thu nhập cả tỉ đồng. Nhờ vậy, tôi có tiền gửi sang Mỹ nuôi

3 đứa con ăn học. May mắn 3 đứa con tôi đều ngoan, đến giờ cả 3 đều thành đạt. Đứa con gái đầu của tôi là bác sĩ đã lập gia đình, còn 2 người con trai đều là kỹ sư”, bà Mười Duyên chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.