Duyên trà đã bén, Chuyện trà đã viết

30/12/2021 06:36 GMT+7

Chuyện trà của tác giả Trần Quang Đức là những khảo cứu và trải nghiệm cá nhân được viết như những trang văn.

TS Nguyễn Hữu Sử vẫn nhớ thời điểm gần 2 năm trước khi được đọc bản thảo Chuyện trà của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức. Lúc đó, Trần Quang Đức mới viết được khoảng 30 trang. Tới khi Chuyện trà hoàn thành, vẫn là những chia sẻ của cả hai trên chặng đường uống trà chung. “Đi chơi với nhau, đi đâu cũng mang trà”, TS Sử nói tại buổi họp báo ra mắt Chuyện trà ngày 29.12 (Công ty sách và truyền thông Nhã Nam tổ chức tại Hà Nội). Theo TS Sử, với Chuyện trà, khi đọc chương 1 - 2 sẽ thấy ông Đức như một người khảo cứu, nhưng rồi ở những chương tiếp theo lại là người yêu trà. Những thân phận của người viết cứ thay đổi như vậy, khó tách bạch.

Nếu như ở cuốn sách rất nổi tiếng Ngàn năm áo mũ, Trần Quang Đức giải đáp về chuyện trang phục Việt - trang phục Trung Quốc thì với Chuyện trà cũng vậy. Trong những câu chuyện nước pha trà, hỏa lò, ấm tử sa… nối nhau, Trần Quang Đức cũng nói về sự thân thuộc của trà với người dân Việt Nam. Ông Đức cũng nói câu chuyện trà Việt - trà Tàu. Có trà lâu đời của người Việt không, có thể tách được trà Tàu và trà Việt không, sự khó tách bạch của trà Việt - trà Tàu - trà Nhật ra sao. Vẫn với lõi khảo cứu, song văn phong của Chuyện trà được xử lý mềm mại. TS Sử đánh giá việc cá nhân hóa nghiên cứu khoa học như vậy khiến nghiên cứu càng gần với người đọc hơn.

Trần Quang Đức chia sẻ người Việt có sở thích uống trà đặc. Trong khi đó, kiểu uống trà Tàu nhiều quy trình hơn và kiểu cách hơn. Người Nhật cũng câu nệ về hình thức. Trong khi đó, người Việt uống trà theo kiểu rất phóng khoáng, không lệ thuộc quá vào cách thức. Vì thế, trong cầu kỳ của trà Việt vẫn có sự dung dị.

Ông Đức cũng nói về sự phổ thông của trà ở Việt Nam. Theo đó, không đâu như ở Việt Nam, quán trà xuất hiện ở khắp mọi nơi, và còn có cả trà đá nữa. Trà đá, vì là nước có khí hậu nóng nên bỏ đá lạnh vào. “Ngoài nước lọc ra, chúng ta tiêu thụ nhiều trà, sau đó là nước vối. Thậm chí khi nhắm mắt xuôi tay, trà vẫn theo ta đến 3 tấc đất. Trên cơ thể có xương bánh chè cũng bắt nguồn từ văn hóa chè, từ hình bánh chè. Chè ngày xưa là cái bánh tròn tròn. Từ dinh thự công quyền đến hang cùng ngõ hẻm, đâu cũng có trà”, ông Đức nói.

Chuyện trà (Công ty Sách và truyền thông Nhã Nam liên kết với NXB Thế giới) là những câu chuyện trà nhỏ xinh như vậy. Có thể thấy trong cuốn sách hơn 300 trang sự tìm tòi giàu cảm xúc của tác giả Trần Quang Đức. Có góc nhìn từ giao thương, ông Đức tìm tư liệu và chứng minh trước năm 1882, chúng ta không có đủ lượng trà khô để xuất khẩu; người dân chỉ uống chè tươi. Một số người lại uống trà Tàu kiểu cách với trà nhập từ Trung Quốc. Cũng có cả cái nhìn của nhà nghiên cứu và người yêu văn chương với nhiều bài thơ được khảo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.