Chưa có dự án phim nào được khán giả kỳ vọng nhiều như Thiên linh cái (nay là Thất Sơn tâm linh). Phim vừa xác lập kỷ lục phim Việt có doanh thu ngày đầu tiên chiếu sớm cao nhất với 6,8 tỉ đồng (chỉ tính các suất từ 19 giờ ngày 8.10, chưa tính ngày 9.10 chiếu chính thức), cùng số suất chiếu sớm nhiều nhất từ trước đến nay là 1.200.
Nhiều tiếc nuối
Phải nói bộ phim này có hành trình ra rạp khá gian nan. Lúc đầu phim dự kiến ra mắt vào tháng 4, rồi trục trặc ở khâu kiểm duyệt và tưởng sẽ phải chịu chung số phận bị cấm chiếu vĩnh viễn như Bụi đời Chợ Lớn, Bẫy cấp 3..., nhưng nửa năm sau phim chính thức được ra mắt trong sự mong ngóng của những người yêu điện ảnh dù đã “thay tên đổi họ”.
Sau khi phim ra mắt, khán giả đã tranh cãi dữ dội, bởi phim bị cắt gọt đến mức tác phẩm... đổi luôn thể loại và nội dung: từ kinh dị chuyển thành phim hồi hộp - tâm lý tội phạm, chuyện luyện bùa ngải trong phim hoàn toàn biến mất thay vào đó việc anh thầy bùa giết người là do tâm lý - tâm thần! Phim bị khựng và gây khó hiểu về tâm lý nhân vật, mạch phim đứt gãy nhiều đoạn, cùng những màn chuyển cảnh đột ngột do sự can thiệp thấy rõ của kiểm duyệt. Dù khen ngợi nỗ lực của các nhà làm phim, nhiều khán giả vẫn bày tỏ sự tiếc nuối và cho rằng nếu không bị cảnh “đứt gãy” nói trên thì bộ phim sẽ thuyết phục hơn.
Anh Nguyễn Cao Tùng, nhà sản xuất phim, chia sẻ với PV Thanh Niên vào trưa 9.10: “Sau rất nhiều can thiệp và chỉnh sửa, phim không còn là sản phẩm ban đầu nên tôi chưa hài lòng, nhưng phim được cho phép công chiếu thì tôi mừng lắm rồi vì đã làm hết sức có thể. Phim không đi theo hướng kinh dị nhiều nữa mà thiên về tâm lý tình cảm của nhân vật thầy lang Huỳnh và cô gái câm điếc Sỏi. Chúng tôi phải quay thêm 3 ngày với nhiều cảnh, để đắp thêm. May mắn là bản dựng ra rạp có câu chuyện khá liền lạc để khán giả hiểu được hết”.
Cuối tháng 10, hai phim kinh dị Việt sẽ ra rạp là Bắc kim thang của đạo diễn Trần Hữu Tấn; sau đó là Thang máy của đạo diễn Việt kiều Peter Mourougaya. Ngày 8.11, bộ phim tâm linh - kinh dị Pháp sư mù của ê kíp đạo diễn trẻ Huỳnh Lập, Lý Minh Thắng và nhà sản xuất Hồng Tú với kinh phí 20 tỉ đồng cũng sẽ công chiếu trên toàn quốc.
|
Mong duyệt phim nội sẽ thoáng như... phim ngoại
Phải thừa nhận mỗi quốc gia có chuẩn mực riêng cho thể loại phim kinh dị và cái tài của đạo diễn là vẫn làm ra được một bộ phim hay trong khuôn khổ những quy định đó. Việc cắt, chỉnh sửa khi duyệt là điều khó tránh khỏi nếu bộ phim có những hình ảnh, chi tiết được đánh giá không phù hợp để ra rạp.
Tuy nhiên việc phải cắt, sửa quá nhiều để tác phẩm kinh dị được công chiếu đã gây ra sự dè dặt đối với nhiều nhà sản xuất và đạo diễn, bởi nếu làm hài lòng hội đồng duyệt thì lại khó thỏa mãn yêu cầu của người xem đối với thể loại này.
Anh Nguyễn Cao Tùng nêu nguyện vọng: “Người làm phim chỉ mong phim kinh dị Việt được đối xử công bằng trong kiểm duyệt như các phim kinh dị ngoại đang được phép chiếu tại các rạp VN. Phim kinh dị nước ngoài ra rạp tại sao vẫn có những cảnh máu me, bạo lực, giết chóc ghê rợn…, nhưng với phim kinh dị Việt thì chỉ một chút thôi, nhiều một chút sẽ bị cắt gọt, vậy thì làm sao chúng ta cạnh tranh nổi với phim ngoại trên sân nhà?”.
Nhiều đạo diễn cho rằng Cục Điện ảnh VN đã có quy định về dán nhãn phim theo độ tuổi để phù hợp với các đối tượng khán giả khác nhau thì nên “thoáng” hơn trong kiểm duyệt. Ngoài ra, vướng mắc chính là những điều luật giới hạn cho phim kinh dị Việt vẫn còn mơ hồ, chưa rõ ràng như thế nào là cổ súy cho mê tín dị đoan, máu me, bạo lực..., khiến các đạo diễn “không biết đâu mà lần” để được hội đồng duyệt chấp nhận.
Hiện tại, bởi cả lý do khách quan lẫn chủ quan mà phim kinh dị Việt thường bị cho là chưa làm khán giả sợ, chưa khai thác đến tận cùng chất kinh dị, khâu hóa trang, kỹ xảo và âm thanh còn yếu. Tất cả các yếu tố đáng lý phải được đẩy mạnh thì lại rất sơ sài và không tạo được hiệu ứng rùng rợn, vì thế chưa tạo được dấu ấn thể loại phim này so với các nước trong khu vực. Đạo diễn Bá Vũ cho biết: “Cùng với thể loại phim hành động thì phim kinh dị VN dễ có cơ hội bán được phim ở các chợ phim quốc tế, bởi phim kinh dị châu Á luôn được những thị trường điện ảnh lớn ở phương Tây ưa chuộng mua về phát hành. Chúng ta ai cũng thấy sự phát triển của phim kinh dị mang màu sắc riêng của Nhật, Hàn Quốc, Hồng Kông, Thái Lan…, thế thì phim kinh dị Việt cũng là một dòng phim đáng được chú trọng làm cho hay, cho “tới” để điện ảnh Việt bước ra khu vực và quốc tế”.
Bình luận (0)