Bán từ nhà đất, ô tô đến vỏ bình gas...
Gần đây, hàng loạt khoản nợ của các doanh nghiệp lẫn cá nhân tại các ngân hàng đã quá hạn đang được rao bán từ đất đai đến nhà xưởng, máy móc cho đến ô tô, xe máy. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh TP.HCM thông báo phát mại tài sản gồm đất và nhà xưởng, máy móc của Công ty TNHH xuất khẩu nông sản thực phẩm Phương Nam tại H.Bảo Lâm (Lâm Đồng) lần thứ 2. Tổng giá bán khởi điểm cho số tài sản này là hơn 8 tỉ đồng.
Hay Vietcombank cũng phát mại 2 dây chuyền sản xuất bông tấm của Công ty cổ phần đầu tư dệt may Vĩnh Phúc với giá khởi điểm 2,8 tỉ đồng; Vietcombank chi nhánh Phú Thọ phát mại máy tách màu chè với giá khởi điểm 400 triệu đồng; Vietcombank chi nhánh Nghệ An bán đấu giá 1 tàu vỏ gỗ trọng tải 52 tấn lần 2 tại Đà Nẵng với giá khởi điểm hơn 5 tỉ đồng; bán 315 máy móc thiết bị là tài sản bảo đảm của Công ty TNHH đóng tàu và cơ khí hàng hải Sài Gòn với giá khởi điểm tổng cộng gần 20 tỉ đồng...
Gần đây, chợ nợ xấu có thêm ô tô. Vietcombank chi nhánh Thanh Hóa rao bán 10 chiếc xe ô tô con 5 chỗ sản xuất năm 2008 - 2011 với giá từ 60 - 70 triệu đồng/chiếc. Tương tự, TPBank đã ra thông báo bán đấu giá nhiều xe ô tô để thu hồi các khoản nợ xấu của nhiều cá nhân. Thậm chí Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) đầu tháng 6 rao bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH MTV kinh doanh dầu khí Việt Hải với tài sản bảo đảm của khoản nợ là các công trình, máy móc thiết bị; tài sản gắn liền với đất và 90.065 vỏ bình gas; ô tô các loại... với giá khởi điểm 15,44 tỉ đồng, thấp hơn 1,5 tỉ đồng so với lần rao bán vào tháng 5.
Một loạt ngân hàng như VIB, SeABank, Techcombank, VPBank đều đang thông báo thanh lý hoặc bán đấu giá hàng loạt xe ô tô các loại... Không chỉ có ngân hàng bán tài sản, nhiều cá nhân cũng rao bán xe ô tô, rao bán một số khách sạn, homestay gần đây với nhiều lý do khác nhau. Ví dụ, chị M.T cách nay 1 tuần rao trên Facebook có người bạn muốn bán 2 khách sạn ở Hội An. Dù không rõ lý do nhưng nhiều người bày tỏ thông cảm vì mùa dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề không chỉ riêng ai...
Tình trạng rao bán tài sản thế chấp ở các ngân hàng cũng tỷ lệ thuận với việc ăn nên làm ra của các hãng cầm đồ. Hệ thống cầm đồ F88 từ đầu năm đến nay đã phát hành trái phiếu huy động được 200 tỉ đồng từ nhà đầu tư để đẩy mạnh hoạt động cho vay cầm cố. Chuỗi hệ thống cầm đồ này đã có 200 điểm giao dịch ở 29 tỉnh thành. Năm 2019, F88 đã giải ngân lũy kế 1.538 tỉ đồng và dự kiến năm 2020 sẽ giải ngân gần 3.000 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2019. Điều này cho thấy từ doanh nghiệp lẫn người dân đều đang gặp khó khăn.
Chào bán 30 lần vẫn ế
Không chỉ riêng các khoản nợ lớn mới ế ẩm, mà việc bán ô tô hoặc căn hộ hiện nay cũng không có người mua. Đơn cử BIDV giữa tháng 5 đã tiến hành lần thứ 4 việc rao bán 55 căn hộ tại dự án Era Town (Q.7, TP.HCM) với giá khởi điểm từ 2,08 - 5,26 tỉ đồng. Giá bán giảm 5% so với đợt chào bán gần nhất trước đó. Hay BIDV Long Biên Hà Nội ngày 3.8 đưa ra lời rao bán lần thứ 11 đối với 8 ô tô của Công ty TNHH Hưng Thành với giá khởi điểm từ 772 triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng. Thậm chí, BIDV Thành Nam cuối tháng 7 rao bán đấu giá lần thứ 30 tài sản bảo đảm của Công ty CP Thúy Đạt gồm đất đai, nhà xưởng, máy móc, dây chuyền... dệt khăn tại Khu công nghiệp Hòa Xá, TP.Nam Định (Nam Định) với giá khởi điểm hơn 86 tỉ đồng, giảm hơn 2,4 tỉ đồng so với lần đấu giá thứ 29 trong tháng 7. Giá bán lần này cũng đã giảm hơn một nửa so với lần rao bán đợt 1 vào đầu năm 2019.
Một khoản nợ “khủng” khác được BIDV rao bán hơn chục lần nhưng chưa thành công là khách sạn 5 sao Cendeluxe 17 tầng và tài sản khác của Công ty cổ phần Thuận Thảo (Phú Yên) với giá khởi điểm rao bán gần nhất hơn 310 tỉ đồng, giảm 30 tỉ đồng so với đợt rao bán vào đầu tháng 5 và giảm 50% so với 1 năm trước...
TS Nguyễn Trí Hiếu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về vốn - Viện Nghiên cứu quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhận định những năm trước các khoản nợ xấu do ngân hàng thanh lý bị ế đa số là do giá quá cao. Năm nay khi tình hình kinh tế khó khăn vì dịch Covid-19 thì các khoản nợ nói trên càng khó có người mua. Bởi ô tô, nhà xưởng... được xem là hàng tiêu sản, không thuộc nhóm hàng thiết yếu. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lẫn cá nhân thắt chặt chi tiêu thì các sản phẩm này khó thu hút sự quan tâm. Hơn nữa, một số người dù có tiền vẫn có tâm lý chờ đợi để giá thanh lý xuống thấp nữa mới có thể mua vào...
“Ngân hàng thanh lý đều theo quy trình và chỉ giảm giá từ từ. Nhưng nhiều tài sản như ô tô càng để lâu càng xuống giá và ngân hàng càng bị mất tiền. Do vậy tùy theo từng loại tài sản, các ngân hàng nên chấp nhận mức chiết khấu lớn để bán được những khoản nợ càng nhanh càng tốt. Bởi 1 chiếc ô tô mà để trong kho qua 5 - 6 năm thì có khi phải giảm giá đến 90% cũng chưa có người mua”, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Cần xem xét lại quy định về bán đấu giá nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Công ty quản lý tài sản (VAMC) để có mức giảm giá nhiều hơn mức 10% theo quy định hiện nay. Chỉ có bán giá thấp mới đủ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư để nhanh chóng giải tỏa được những tài sản đang nằm kho bao lâu nay.
TS Cấn Văn Lực (chuyên gia tài chính ngân hàng)
|
Bình luận (0)