Lý do, giá muối quá thấp, hiện chỉ ở mức 600 đồng/kg, nhưng vẫn không có người thu mua. Gia đình anh còn tồn đọng khoảng 30 tấn muối được che chắn và phủ bạt bên đường. “Trước đây, cứ sau tết là chúng tôi vào vụ sản xuất. Nhưng giờ giá muối thấp quá, thậm chí không có người mua nên bà con gặp nhiều khó khăn. Không chỉ riêng tôi mà nhiều người ở đây cũng chưa xuống đồng. Chắc năm nay dân bỏ ruộng hoang nhiều lắm...”, anh Tiên nói.
Chị Nguyễn Thị Lệ (ở P.Phổ Thạnh) cũng rơi vào cảnh tương tự với hai đống muối khoảng 50 tấn nằm bên đường. Đấy là mồ hôi và công sức của cả gia đình chị trong vụ sản xuất năm trước. Giá muối quá thấp nên chồng chị là anh Võ Tấn Nghi chuyển sang đi “bạn” (làm công) cho những tàu cá đánh bắt trên biển gần bờ. Cả ngày nhọc nhằn trên sóng nước với khoản thu nhập thấp nhưng còn đỡ hơn dãi nắng dầm sương trên ruộng muối. Chị Lệ ngán ngẩm nói: "Vụ trước vợ chồng tôi thu hoạch chừng 1.000 bao muối nhưng có bán được hạt nào đâu! Nếu muối cứ ế ẩm như thế này thì chắc bỏ ruộng hết quá!".
Đồng muối Sa Huỳnh có diện tích hơn 110 ha với gần 600 diêm dân tham gia sản xuất. Năm 2019, diêm dân trong xã thu hoạch hơn 7.000 tấn muối nhưng giá thấp và tư thương không thu mua nên tồn đọng hơn 2.000 tấn. Năm 2006, tỉnh Quảng Ngãi đầu tư hơn 5 tỉ đồng xây dựng nhà máy muối tinh chất lượng cao nằm cạnh đồng muối Sa Huỳnh nhằm tiêu thụ sản phẩm cho diêm dân địa phương. Nhưng đến năm 2010, nhà máy ngừng hoạt động vì sản xuất, kinh doanh không hiệu quả.
Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã công nhận thương hiệu cho sản phẩm muối Sa Huỳnh. Tuy nhiên, muối vẫn ế ẩm khiến cuộc sống của diêm dân gặp nhiều khó khăn. "Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị các cấp hỗ trợ sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết căn cơ nên diêm dân không mặn mà với nghề làm muối", ông Giã Tấn Tàu, Phó chủ tịch UBND P.Phổ Thạnh, cho biết.
Bình luận (0)