Giá vàng phụ thuộc vào các "tay lớn"
Ngày 22.6, giá vàng miếng SJC cao hơn giá thế giới 7,4 triệu đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC tăng 50.000 đồng/lượng so với ngày 21.6, mua vào 56,45 triệu đồng/lượng và bán ra 57 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, Eximbank lại giảm mỗi lượng vàng SJC 250.000 đồng, mua vào còn 56,4 triệu đồng và bán ra 56,8 triệu đồng.
Theo Hội đồng Vàng thế giới, các ngân hàng trung ương trong tháng 4 đã mua thêm ròng 69,4 tấn vào dự trữ vàng chính thức toàn cầu. Tổng lượng vàng mua vào là 73,7 tấn bởi 5 ngân hàng trung ương Thái Lan (mua vàng nhiều nhất trong tháng, thêm 43,5 tấn), Thổ Nhĩ Kỳ (13,4 tấn), Uzbekistan (8,4 tấn), Kazakhstan (4,6 tấn) và Kyrgyzstan (3,8 tấn). Trong khi dự trữ của Nga giảm 3,1 tấn, Đức giảm 1,3 tấn.
|
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP vàng bạc đá quý SJC - Phú Thọ, nhận xét trong 10 ngày trở lại đây, giá vàng thế giới từ mức 1.900 USD/ounce giảm sâu xuống 1.770 USD/ounce, mức giảm 130 USD/ounce tương đương hơn 3,6 triệu đồng/lượng. Giá kim loại quý thế giới quy đổi vào khoảng 49,3 triệu đồng/lượng nhưng SJC vẫn đứng vững quanh mức 56 - 57 triệu đồng/lượng. Không theo kịp mức giảm của thế giới, vàng miếng SJC từ mức cao hơn 3,5 triệu đồng/lượng đã đẩy lên 7,5 triệu đồng/lượng, đồng thời mức vênh giữa giá mua và bán đẩy lên 500.000 - 600.000 đồng/lượng. Điều này cho thấy tính liên thông giữa thị trường trong và ngoài nước là không có. Còn các đơn vị kinh doanh lý giải do không mua được vàng giá thấp nên họ buộc phải bán giá cao.
Theo một chuyên gia, thỉnh thoảng trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin các vụ trộm lấy đi vài chục đến vài trăm cây vàng của người dân. Điều này chứng tỏ trong dân tích trữ lượng vàng lớn, giá trong nước đắt đỏ cao hơn thế giới càng làm cho họ muốn giữ thay vì bán ra. Việc không có một giải pháp nào huy động lượng vàng lớn theo vị này là lãng phí cho xã hội.
Ông Trần Thanh Hải thì cho rằng thị trường vàng trong nước hoạt động theo kiểu truyền thống, mua bán vàng vật chất và giá tập trung vào những “tay lớn”, nên mới có chuyện thị trường chẳng giao dịch gì mà giá vẫn cao. Đã đến lúc thành lập sở giao dịch vàng quốc gia, những người có vàng đưa vàng vật chất lên các sàn để giao dịch tập trung và thực hiện giao dịch chứng chỉ vàng. Nguyên tắc của các sàn tập trung, hoạt động hợp pháp công khai nhiều người giao dịch sẽ tạo ra chợ, chắc chắn có giá bình quân theo thị trường và có lợi cho số đông. Lúc này giá trong nước cũng biến động chạy theo giá vàng thế giới. Đây cũng là kênh để các tổ chức huy động nguồn vàng lớn trong dân, từ đó có thể thực hiện thế chấp để quay vòng vốn.
Giá USD tự do nhảy múa
Giá vàng trong nước cao hơn thế giới quá nhiều tác động đến giá USD tự do tăng cao. Trong 1 tuần trở lại đây, giá USD tự do tăng 160 đồng/USD, mua vào lên 23.210 đồng/USD và bán ra 23.250 đồng/USD. Theo phân tích của ông Trần Thanh Hải, giá vàng trong nước càng cao hơn thế giới thì giá USD tự do càng bị đẩy tăng cao. Trước đây, khi giá vàng SJC có mức ngang bằng hoặc nhỉnh hơn thế giới một chút, các đơn vị sản xuất vàng nữ trang mua vàng miếng SJC làm vàng nguyên liệu sản xuất nữ trang. Nay khi giá vàng SJC ở mức cao lên 7 - 8 triệu đồng/lượng, không ai làm điều này và họ phải mua vàng nguyên liệu 4 số 9 trôi nổi trên thị trường giá thấp hơn để sản xuất nữ trang. Thường thì USD sẽ được lựa chọn trong các giao dịch thanh toán này nên nhu cầu vì vậy cũng tăng lên.
Ngoài ra, USD trên thị trường quốc tế gần đây tăng khá mạnh sau phát biểu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về việc tăng lãi suất USD. Các dòng vốn trên thị trường mới nổi sẽ bị hút USD về Mỹ, làm cho đồng nội tệ các quốc gia mất giá. Giá USD tự do tăng theo do lo ngại lạm phát khi giá một số hàng hóa như xăng dầu, chi phí vận tải tăng...
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng khi giá vàng trong nước càng cao so với giá thế giới thì tác động đầu tiên lên giá USD tự do, đẩy giá đồng bạc xanh lên cao hơn để nhập vàng. Giá SJC cao hơn thế giới 7 - 8 triệu đồng/lượng, các công ty kinh doanh vàng không kiếm lời được từ mức chênh này vì giá mua đã khá cao nhưng người mua trong nước thì thiệt hại. Đáng nói, người có vàng hiện nay nếu bán ra dù được giá tốt hơn thế giới lên đến 7 triệu đồng/lượng nhưng họ lại không dám bán, bởi tâm lý bán xong không thể mua được vàng giá thấp hơn nếu biên độ này cứ tiếp tục đẩy lên.
“Chỉ cần thị trường có thông tin tăng nguồn cung thì tôi tin rằng những người nắm giữ vàng sẽ bán ra, lúc này giá trong nước mới có thể theo sát thế giới. Lượng vàng trong dân hiện nay còn vì trước đây đã nhập hàng trăm tấn. Số lượng cụ thể bao nhiêu, cần có giải pháp huy động mới biết”, ông Huỳnh Trung Khánh cho hay.
Bình luận (0)