'Ế' quảng cáo trên xe buýt

10/12/2018 06:51 GMT+7

Dự kiến trong tháng này, các gói thầu quảng cáo trên xe buýt tại TP.HCM sẽ tiếp tục được đưa ra đấu giá lần thứ 4 sau 3 lần thất bại.

Đáng nói là sau hơn 1 thập niên lên tiếng "đòi" quảng cáo trên xe buýt thì đến khi chính thức mở cửa, các doanh nghiệp (DN) lại hoàn toàn thờ ơ, không tham gia phiên đấu giá.
Không đơn vị nào tham gia đấu giá
Gói đã không “ngon” mà lại đưa giá cao thì DN hờ hững, đấu giá thất bại là đương nhiên. Nếu không thay đổi cách thức, dù có chia nhỏ thế nào đi nữa thì các gói thầu còn lại cũng không thể thoát ế
Ông Nguyễn Quý Cáp, Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM
Ngày 12.9.2017, Sở GTVT TP.HCM thông báo phát hành hồ sơ đấu giá 2.082 xe buýt thông qua Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM. Tài sản đấu giá là quyền khai thác quảng cáo trên 2.082 xe buýt, chia thành 4 gói trong thời hạn
3 năm, tổng giá trị gần 700 tỉ đồng. Kết quả, Công ty Koa Sha Media VN (Nhật Bản) là đơn vị duy nhất tham gia đấu giá và đã trúng thầu quảng cáo gói 1. Ba gói còn lại chưa có nhà thầu nào đăng ký đấu giá và vẫn “ế” cho đến lần mở đấu giá thứ 2.
Trong lần đấu giá thứ 3, Sở GTVT TP.HCM đã phải chia nhỏ các gói thầu còn lại thành
8 gói. Với mỗi gói, các tuyến xe cùng phương tiện đều có số lượng, giá khởi điểm khác nhau nhằm phù hợp năng lực của từng đơn vị có nhu cầu. Tuy nhiên, sau khi mở cuộc đấu giá từ ngày 18.7, sau hơn 1 tháng vẫn không có đơn vị nào tham gia và cuộc đấu giá quảng cáo trên 1.570 xe buýt một lần nữa thất bại. Trung tâm quản lý giao thông công cộng khi đó đã báo cáo Sở GTVT, xem xét lại các tiêu chí, điều kiện cụ thể và có thể sẽ mở cuộc đấu giá tiếp theo trong tháng 9 nhưng đến nay vẫn chưa thấy thông báo mở đấu giá lần thứ 4.
Việc các DN hờ hững với quảng cáo trên xe buýt thật sự gây khó hiểu vì trong hơn chục năm qua, cả DN và giới chuyên gia đều đã nhiều lần kiến nghị kêu gọi cho phép hình thức quảng cáo này vì tính hiệu quả của nó. Các tỉnh, thành khác như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai cũng đã thực hiện rất tốt việc này nhằm tăng nguồn thu phục vụ việc tái đầu tư phương tiện, xây dựng, nâng cấp nhà chờ, bến bãi, giảm bớt chi phí, hạn chế việc nhà nước phải trợ giá cho xe buýt.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho rằng hiện nay xu thế, thị trường quảng cáo đã có sự thay đổi. Quảng cáo trực tuyến, trên các website, mạng xã hội truyền hình... được ưa chuộng hơn. Các hình thức quảng cáo truyền thống trên xe buýt, nhà chờ không còn thu hút như trước. Bên cạnh đó, thời gian quảng cáo được chia tại các gói thầu kéo dài tới 3 năm nên các DN thận trọng, chưa mặn mà.
“Sở đã giao Trung tâm quản lý giao thông công cộng tính toán, phân chia lại các gói thầu theo hướng chia thành từng gói nhỏ hơn, giảm bớt số lượng phương tiện, giảm thời gian xuống còn 1 - 2 năm linh hoạt theo nhu cầu của thị trường. Đồng thời tính toán cả thời gian bù thời gian phương tiện hỏng, DN thay đề can… Dự kiến đợt đấu thầu lần 4 sẽ mở trong tháng 12 này. Nếu vẫn tiếp tục không được, Sở sẽ trình UBND TP phương án thuê tư vấn thẩm định lại giá đấu thầu”, ông Lâm thông tin.
Phải dựa vào nhu cầu của thị trường

“Sở GTVT cần có khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu quảng cáo thật sự, xem thị trường hiện nay đã bão hòa chưa. Nếu bão hòa rồi thì thậm chí đưa xuống mức giá thấp nhất vẫn còn có lợi hơn để không. Kinh tế thị trường mà làm kiểu kinh tế kế hoạch, ấn định thì không thể làm nổi”.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM

Đồng tình với ông Trần Quang Lâm về việc nhu cầu quảng cáo ngoài trời đã giảm, tuy nhiên ông Nguyễn Quý Cáp, Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM, nhấn mạnh giá cao và cách thức thực hiện không hợp lý mới là nguyên nhân chính khiến các gói thầu “ế” mãi không có người mua.
Ông phân tích: Thứ nhất, sản phẩm hiện nay thay đổi liên tục nên khách hàng chỉ có nhu cầu dán quảng cáo trong vòng vài tuần, cùng lắm là vài tháng. Nói nhu cầu quảng cáo ngoài trời giảm nhưng không có nghĩa là không có. Thực tế các DN đang có xu hướng chuyển sang quảng cáo trên taxi vì số lượng lớn, giá mềm, việc ký kết thực hiện trực tiếp với chủ phương tiện nên nhanh chóng và thay đổi dễ dàng.
Thứ hai, mức giá TP.HCM đưa ra quá cao. Hà Nội là trung tâm quảng cáo lớn trên cả nước mà giá cũng chỉ bằng 20% so với giá Trung tâm quản lý giao thông công cộng đưa ra đấu thầu. Cuối cùng, theo ông Cáp đánh giá gói thầu số 1 mà DN Nhật Bản trúng thầu là gói có vị thế tuyến tốt nhất, các gói thầu còn lại “xương xẩu” hơn nhiều.
“Gói đã không “ngon” mà lại đưa giá cao thì DN hờ hững, đấu giá thất bại là đương nhiên. Nếu không thay đổi cách thức, dù có chia nhỏ thế nào đi nữa thì các gói thầu còn lại cũng không thể thoát ế”, ông Cáp cảnh báo và đề xuất nhà nước không nên đem ra đấu giá việc quảng cáo trên xe buýt một cách cứng nhắc theo từng gói thầu, nên ký hợp đồng trực tiếp theo từng khả năng của các DN dựa trên mức giá giảm khoảng 50% so với giá đưa ra đấu thầu hiện nay.
Đồng tình, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, cho rằng thời buổi kinh tế thị trường, cần dựa theo cung - cầu mà quyết định giá. Nếu cung nhiều mà cầu ít thì nên linh hoạt giảm giá phù hợp theo thị trường, theo từng thời điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.