'Ế' vốn nhưng vì sao ngân hàng tăng vay mượn lẫn nhau?

22/02/2024 11:38 GMT+7

Trong khi tăng trưởng tín dụng giảm, lãi suất tiết kiệm đi xuống thì các ngân hàng gia tăng vay mượn lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng.

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh

Số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính, chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) trong phiên 20.2 đã tăng lên 2,15% từ mức 1,41% vào phiên trước đó.

Cùng với kỳ hạn qua đêm, lãi suất tại hai kỳ hạn chủ chốt khác cũng đều tăng khá mạnh: kỳ hạn 1 tuần tăng từ 1,27% lên 2,24%; kỳ hạn 2 tuần tăng từ 1,39% lên 1,94%; kỳ hạn 1 tháng tăng từ 1,85% lên 2,26%. Đây là phiên tăng mạnh thứ hai liên tiếp của lãi suất qua đêm liên ngân hàng.

'Ế' vốn nhưng vì sao ngân hàng tăng vay mượn lẫn nhau?- Ảnh 1.

Ngân hàng gia tăng vay mượn lẫn nhau đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao

NGỌC THẮNG

Như vậy, so với mức ghi nhận vào cuối tuần trước, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã tăng lên gấp đôi mức 2,38% vào ngày 7.2. Còn nếu so với tuần cuối tháng 1 và đầu tháng 2 (từ ngày 29.1 - 2.2) do Ngân hàng Nhà nước công bố là 0,64% thì lãi suất liên ngân hàng qua đêm hiện đã gấp hơn 3,3 lần. Bên cạnh đó, doanh số giao dịch liên ngân hàng cũng lên mức cao. Trong phiên 20.2, doanh số giao dịch đạt hơn 363.000 tỉ đồng, cao hơn nhiều so với bình quân 318.143 tỉ đồng/ngày của tuần cuối tháng 1 và đầu tháng 2 (trong khi tuần cuối tháng 1 đến đầu tháng 2 lượng giao dịch cũng tăng 32.994 tỉ đồng/ngày so với tuần trước đó)…

Song song đó, phiên giao dịch hôm qua (21.2), Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục bơm ròng qua kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO). Theo đó, 1 thành viên thị trường đã "vay" cơ quan quản lý hơn 946 tỉ đồng với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4%...

Điều này cho thấy, nhu cầu về vốn của các nhà băng đang gia tăng nên phải đẩy mạnh vay mượn lẫn nhau cũng như vay của Ngân hàng Nhà nước. Hiện tượng này lại hoàn toàn trái ngược với câu chuyện "ế" vốn của hệ thống ngân hàng thương mại nói chung khi tăng trưởng tín dụng trong tháng 1 vừa qua lại quay đầu giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Tương tự, việc các nhà băng tăng vay mượn lẫn nhau cũng đi ngược với tiền gửi của người dân lẫn doanh nghiệp tại các ngân hàng gia tăng mạnh. Cụ thể, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi cá nhân tháng 11.2023 tăng thêm hơn 21.000 tỉ đồng, lên 6,471 triệu tỉ đồng. Đồng thời, lượng tiền gửi của tổ chức tăng khá mạnh trong tháng 11.2023, lên 6,384 triệu tỉ đồng…

Vì sao vay mượn liên ngân hàng gia tăng?

Tăng trưởng tín dụng tháng đầu năm nay sụt giảm cho thấy lượng vốn cho vay ra của các ngân hàng khá thấp. Song song đó, các nhà băng cũng tiếp tục giảm lãi suất tiết kiệm cho thấy họ không có nhu cầu thu hút quá nhiều dòng vốn từ dân cư. Thế nhưng, vì sao lại tăng vay mượn lẫn nhau?

Lý giải về điều này, PGS - TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho hay theo tìm hiểu, một số ngân hàng bị thiếu thanh khoản theo quy định tỷ lệ thanh khoản 30 ngày (khả năng chi trả trong 30 ngày) nên phải vay mượn trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) để bổ sung. Đặc biệt, nhiều nhà băng đã "chạy" tăng trưởng tín dụng trong những ngày cuối năm 2023. Hơn nữa, việc thiếu hụt thanh khoản này chỉ ngắn hạn khi các nhà băng đã dự báo được nên chỉ vay qua thị trường 2 với lãi suất vẫn thấp hơn nếu huy động từ người dân (thị trường 1).

Trong khi đó, chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thị trường liên ngân hàng hoàn toàn tách biệt với thị trường 1 giữa ngân hàng với người dân. Trên thị trường liên ngân hàng, hoạt động vay mượn qua đêm gia tăng có thể do một số nhà băng tạm thời bị thiếu hụt lượng tiền trong tài khoản dự trữ bắt buộc tại Ngân hàng Nhà nước. Hoặc có nhiều hoạt động giao dịch chỉ diễn ra trên thị trường liên ngân hàng nên các nhà băng cũng sẽ vay mượn lẫn nhau hoặc vay của Ngân hàng Nhà nước để thanh toán. Những khoản vay mượn đó chỉ diễn ra chủ yếu qua đêm hay kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần mà không "đụng" đến việc huy động tiền gửi của người dân…

Hiện nay, trần lãi suất qua đêm được quy định là 5%. Mức lãi suất này được áp dụng đối với lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.